Xã hội

Sức sống bên dòng Cổ Chiên

ĐOÀN XÁ 04/02/2024 09:02

Từ những dấu tích bỏ hoang, thậm chí là đổ nát, những làng nghề làm gốm, làm gạch hay những vườn cây trái, trồng hoa kiểng lặng lẽ… bên bờ sông Cổ Chiên (đoạn qua tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long) đang được hồi sinh, khoác lên mình chiếc áo mới. Những ngày Tết Giáp Thìn này, hàng ngàn người từ khắp nơi, tìm về đây tham quan du lịch, trở thành điểm check-in thú vị, mang tới nguồn thu, sức sống mới cho vùng đất này.

img_1006.jpg
Những lò gạch gốm cũ ven sông Cổ Chiên đang được “hồi sinh” nhờ dòng khách du lịch.

Từng là “đặc sản” có tuổi đời cả trăm năm, những lò nung gạch gốm đỏ nằm ven bờ sông Cổ Chiên đoạn qua địa bàn huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) và Mang Thít, Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) nổi tiếng khắp các tỉnh thành phía Nam.

Hầu hết những chủ lò nung gạch gốm đều được truyền đời từ các thế hệ đi trước với vô vàn các vật dụng quen thuộc đơn giản như gạch, ngói xây nhà cho tới chum vại, lu chậu hay chén đĩa, bình tách… đã gắn với đời sống nhiều thế hệ.

So với các trung tâm gạch gốm khác, có thể những lò gạch gốm ven bờ Cổ Chiên không tinh xảo, không đẹp đẽ, lung linh bằng nhưng nó lại được ưa chuộng nhất, chủ yếu là các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nói nôm na, đấy là các sản phẩm thuộc tầng lớp bình dân, nhưng sức sống lại rất bền bỉ.

Theo đó, những sản phẩm gạch gốm này hầu hết được vận chuyển bằng ghe thuyền sau khi nung, tỏa đi cùng hệ thống kênh rạch khắp các nơi miệt đồng bằng châu thổ, giúp cho sản phẩm ăn sâu vào đời sống dân gian trong nhiều năm.

Đặc biệt, những sản phẩm gạch gốm này đã ngược dòng Cổ Chiên, men theo sông Tiền, sông Hậu để sang tận bên Campuchia, và được rất đông cư dân của xứ sở Chùa Tháp ưa chuộng.

c3.jpg
Mùa xuân mang tới một sức sống mới cho những vườn hoa kiểng, cây trái ven sông Cổ Chiên.

Từng là “đặc sản” có tuổi đời cả trăm năm, những lò nung gạch gốm đỏ nằm ven bờ sông Cổ Chiên đoạn qua địa bàn huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) và Mang Thít, Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) nổi tiếng khắp các tỉnh thành phía Nam.

Hầu hết những chủ lò nung gạch gốm đều được truyền đời từ các thế hệ đi trước với vô vàn các vật dụng quen thuộc đơn giản như gạch, ngói xây nhà cho tới chum vại, lu chậu hay chén đĩa, bình tách… đã gắn với đời sống nhiều thế hệ. So với các trung tâm gạch gốm khác, có thể những lò gạch gốm ven bờ Cổ Chiên không tinh xảo, không đẹp đẽ, lung linh bằng nhưng nó lại được ưa chuộng nhất, chủ yếu là các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nói nôm na, đấy là các sản phẩm thuộc tầng lớp bình dân, nhưng sức sống lại rất bền bỉ.

Theo đó, những sản phẩm gạch gốm này hầu hết được vận chuyển bằng ghe thuyền sau khi nung, tỏa đi cùng hệ thống kênh rạch khắp các nơi miệt đồng bằng châu thổ, giúp cho sản phẩm ăn sâu vào đời sống dân gian trong nhiều năm. Đặc biệt, những sản phẩm gạch gốm này đã ngược dòng Cổ Chiên, men theo sông Tiền, sông Hậu để sang tận bên Campuchia, và được rất đông cư dân của xứ sở Chùa Tháp ưa chuộng.

Thế nhưng khoảng 30 năm gần đây, hàng ngàn các lò nung gạch gốm ấy bắt đầu tắt lửa, lụi tàn vì vấn đề khí thải môi trường. Những năm tiếp theo, chỉ một số rất ít các lò nung ven sông Cổ Chiên đạt điều kiện hoạt động, còn lại phần lớn bỏ hoang, hoặc bị phá bỏ.

Và khoảng 20 năm gần đây, những lò nung còn lại hầu hết nằm lặng lẽ, cỏ mọc um tùm ven bờ sông hay một vài nhánh sông nhỏ giao cắt với sông. Hiện nay, khu vực kéo dài hàng chục cây số ven sông Cổ Chiên đã được chính quyền quy hoạch, tạo thành quần thể di sản gốm đương đại.

Dù kế hoạch này của tỉnh Vĩnh Long chưa hoàn chỉnh nhưng nó cũng tạo lên cú hích đáng kể, tích cực, giúp cho các lò gạch gốm này được biết tới nhiều hơn, dù công dụng chính của nó đã không còn nữa. Khoảng vài năm trở lại đây, các tour du lịch, khách tham quan, đoàn làm phim, các hình ảnh, video trên mạng xã hội đã nhanh chóng giúp cho những lò nung gạch gốm hai bên bờ sông Cổ Chiên nhanh chóng trở thành địa điểm nổi tiếng, thu hút đông đảo người tới.

Tất nhiên cũng kèm theo nhiều nguồn thu cho người dân địa phương. Thậm chí ở quy mô nhỏ hơn, nhiều tuyến đường liên xã, liên ấp ở khu vực đã được xây dựng khang trang hơn để đón các dòng xe ngày càng nhiều đổ về đây.

c1.jpg
Mùa xuân còn mang tới một sức sống mới cho những vườn hoa kiểng, cây trái ven sông Cổ Chiên.

Nhưng mùa xuân không chỉ làm hồi sinh những lò gạch cổ cũ kỹ có tuổi đời hàng trăm năm đó, mùa xuân còn mang tới một sức sống mới cho những vườn hoa kiểng, cây trái ven sông Cổ Chiên.

Nếu những lò gạch gốm là đặc sản ven sông Cổ Chiên ở địa bàn tỉnh Vĩnh Long thì phía bên này sông, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, đặc sản để thu hút khách tham quan là những vườn cây trái sum suê, những vựa hoa cây kiểng bạt ngàn dịp cận Tết.

Xin nói thêm phía tỉnh Bến Tre cũng có một số lò nung gạch gốm ven sông nhưng nằm rải rác, số lượng ít hơn rất nhiều so với bên kia sông. Mặc dù trồng và sản xuất hoa cây kiểng quanh năm nhưng phải tới những ngày cuối năm, người dân ở Chợ Lách (Bến Tre), dải đất hẹp nằm kẹp giữa sông Cổ Chiên và Hàm Luông mới phấn khởi vì hoa kiểng.

Điều kỳ lạ là không chỉ trồng và bán như xưa, nông dân ở đây trồng và đón chào khách du lịch từ khắp nơi tới chụp hình, tham quan. Chỉ một căn nhà nhỏ nằm ven sông, giữa mênh mông những giỏ cúc mâm xôi nhưng cũng thu hút hàng ngàn người dịp cuối năm này. Hay một lò gạch cũ cỏ mọc um tùm những xung quanh là những vườn hoa vạn thọ, bông giấy… cũng khiến nhiều người ở khắp nơi tìm về.

Thậm chí một số nhà vườn ở đây còn chấp nhận để cả một ruộng hoa bung nở mà không bán cho thương lái bởi việc du khách tới chụp hình, tham quan đã đem tới nhiều lợi ích hơn. Với những nông dân ven bờ sông Cổ Chiên, đó thực sự là một điều mới mẻ, bất ngờ bởi trước kia, những ruộng hoa kiểng, vườn cây ăn trái nằm im lìm, lặng lẽ, rất ít người biết.

Phải nhìn nhận thực tế, dù chưa phát triển và có thương hiệu như những nhà vườn trồng hoa kiểng ở Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) nhưng những nhà vườn ở Chợ Lách thời gian gần đây cũng thu hút đông đảo khách tham quan, chủ yếu tới từ TPHCM. Nhiều tour du lịch tới các nhà vườn ở Chợ Lách cũng được các hãng lữ hành lớn đưa vào chuỗi tham quan.

Điều đặc biệt hơn so với những nơi khác, các nhà vườn trồng hoa kiểng ở Chợ Lách còn có đan xen các vườn cây trái như chôm chôm, bưởi, sầu riêng… Điều đó giúp cho vùng đất này có thể đón du khách tới đây suốt “bốn mùa” chứ không chỉ có riêng những vườn hoa kiểng. Cách đây ít lâu, chúng tôi có tham quan một Hợp tác xã sầu riêng của nông dân ở xã Tân Phú (huyện Chợ Lách), nơi đầu nguồn sông Cổ Chiên.

Bà Trịnh Thị Di, 66 tuổi, người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này cười bảo, gia đình bà trồng sầu riêng suốt nửa thế kỷ qua nhưng chưa bao giờ vườn cây lại nhộn nhịp người tới như bây giờ. “Ngày xưa sầu riêng cũng như những cây cam, quýt, bưởi, vú sữa… khác thôi.

Trồng trong vườn, tới vụ hái ăn không hết thì đem ra chợ bán. Nhưng khoảng 2-3 năm trở lại đây, những cây sầu riêng ven bờ sông Cổ Chiên này đã được khách du lịch từ khắp nơi, thậm chí cả Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu cũng tìm tới, tham quan và thích thú ngắm nhìn. Nhiều nhà vườn thu tiền từ trước khi hái sầu riêng, điều mà ngày xưa nằm mơ cũng không nghĩ ra nữa”, bà Di chia sẻ.

Theo người phụ nữ này, các tour du lịch miệt vườn ở Chợ Lách hiện nay khá phát triển và đa dạng, nhưng chủ yếu dựa vào mùa cây hoa trái.

Mặc dù chỉ là một nhánh của sông Tiền nhưng Cổ Chiên lại là cửa sông lớn nhất trong số “chín nhánh sông rồng” khi đổ về phía biển. Thời gian này, hai bên bờ dòng sông đang có thêm những điều mới mẻ, tạo lên sức sống mới cho người dân, vùng đất này.

Và có lẽ, điều mong chờ và sẽ tạo ra một sức bật mới của vùng đất ven hai bờ bên sông Cổ Chiên này có lẽ chính là cầu Đình Khao, cây cầu nối hai bờ Cổ Chiên để kéo liền mạch hai vùng đất Chợ Lách và phía tỉnh Vĩnh Long dự kiến sẽ diễn ra trong năm tới.

ĐOÀN XÁ