Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
Thời gian qua, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính đã thu được nhiếu kết quả, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của 5 bộ, cơ quan. Các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh tại 53 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.770 quy định; 14 bộ, ngành thực thi phương án phân cấp 86 thủ tục hành chính (TTHC), nâng tổng số TTHC được phân cấp từ năm 2022 đến nay là 153/699, đạt 21,9%. Bên cạnh đó, 9 bộ, ngành đã thực thi phương án đơn giản hóa 147 TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, nâng tổng số TTHC được thực thi phương án đến nay là 535/1.086, đạt 49,26%.
Cùng đó, tính đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 28,59% và tại các địa phương đạt 39,48%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 28,6% và tại các địa phương đạt 45,3%; trong khi đó, tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa tại các bộ, ngành chỉ đạt 0,19%, tại các địa phương đạt 9,52%. Năm 2023, tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hoặc sớm hạn tại bộ, ngành đạt 50,60% (tăng 3,8% so với năm 2022); tại địa phương đạt 90,75% (giảm 1,61% so với năm 2022).
Dù đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, cơ chế, chính sách pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; TTHC vẫn còn những vướng mắc ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp (DN); có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với các cơ sở dữ liệu quốc gia còn chưa thông suốt; chất lượng một số dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho người dân, DN chưa cao; việc vận hành Bộ phận một cửa nhiều nơi còn chưa đúng quy định.
Lâu nay cải cách thủ tục hành chính được xác định là một khâu trọng tâm, đột phá và được triển khai mạnh mẽ ở tất cả cấp hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân. Việc triển khai thực thi phương án đơn giản hóa TTHC cắt giảm điều kiện kinh doanh và hoạt động kiểm tra chuyên ngành phần nào đã mang lại hiệu quả, hỗ trợ cho DN, song không phải vì thế mà TTHC đã thực sự thông thoáng, không còn rào cản.
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, cử tri và người dân vẫn còn than phiền vì cải cách hành chính diễn ra còn chậm. Đặc biệt, DN còn than phiền vì nhiều thủ tục, việc áp dụng công nghệ số 4.0, trí tuệ nhân tạo AI vào giải quyết công việc còn hạn chế và thấp. “Nếu chúng ta số hoá áp dụng công nghệ 4.0, kỹ thuật số vào TTHC trong các khâu đăng ký, cấp phép thì lực lượng biên chế công chức sẽ giảm đi đáng kể, và còn giúp nâng cao chất lượng” - ông Huân đánh giá.
Đánh giá về việc tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hoặc sớm hạn tại bộ, ngành đạt 50,60%, trong khi đó tại địa phương đạt 90,75%, ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho rằng, TTHC bắt đầu từ cơ sở và hiện nay chúng ta đã phân cấp triệt để tại Luật tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên hiện TTHC đang dồn xuống dưới cơ sở. Dù cải cách hành chính đã có nhiều tiến bộ song vẫn còn “xa lắm” với yêu cầu đặt ra chuyển từ phương thức cũ là “quản trị” dân sang phương thức mới là “phục vụ” dân. “Chính vì vậy có chuyên gia kinh tế từng nhận định rằng, chẳng cần sáng kiến gì to lớn, chỉ cần giảm một nửa số TTHC thì cũng sẽ góp phần giúp GDP tăng lên” - ông Trường nêu vấn đề và cho rằng, đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển.
Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6-6,5%, ông Phạm Văn Thịnh - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, để nước ta có thể đạt được mức tăng trưởng này Chính phủ cần thực hiện mạnh mẽ việc cải cách TTHC, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, tuyệt đối không ban hành thêm các thủ tục dạng giấy phép con, bởi thời gian qua TTHC vẫn là điều gây nhiều khó khăn, tốn kém cho DN.
Cũng cần lưu ý, tại Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển. Cải cách hành chính phải lấy người dân, DN là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực. Cải cách hành chính để tạo khí thế mới, động lực mới, giá trị mới, thành công mới.