Ngành Giáo dục Bắc Giang tiếp tục khẳng định vị trí tốp đầu cả nước
Với sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng, đến nay tỉnh Bắc Giang có 713 trường chuẩn quốc gia mức độ 1 và 199 trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Ngành giáo dục của tỉnh tiếp tục khẳng định vị trí tốp đầu cả nước.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang, nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia được cấp uỷ, chính quyền các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có được sự đồng thuận của nhân dân trong tỉnh. Huy động nhiều lực lượng xã hội cùng tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Ngành Giáo dục, Hội Khuyến học, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội cha mẹ học sinh, Công đoàn, Đoàn Thanh niên các cấp, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã tích cực tham gia ủng hộ các nguồn lực trong quá trình xây dựng trường chuẩn ở địa phương.
Nhiều địa phương, đơn vị đã có cách làm sáng tạo trong công tác xã hội hoá xây dựng trường chuẩn quốc gia như: thu hồi, bổ sung, mở rộng diện tích đất và cấp mới đất cho các trường học, vận động các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và nhân dân đóng góp nhân lực và vật lực cho công tác xây dựng trường chuẩn.
Nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất trường học, mua sắm thiết bị; ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài; nhiều trường được hỗ trợ đã đạt trường chuẩn quốc gia. Kinh phí huy động năm 2023 là 17.387 triệu đồng.
Công tác xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trường học được quan tâm đầu tư, phục vụ có hiệu quả các hoạt động giáo dục. Ngoài kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học theo quy định của tỉnh, các huyện, thành phố đều xây dựng cơ chế đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các xã, phường, thị trấn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Năm 2023, tỉnh Bắc Giang đã huy động được 1.651.468 triệu đồng đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong đó ngân sách tỉnh, Trung ương 120.300 triệu đồng, ngân sách huyện 1.051.773 triệu đồng, ngân sách xã 424.241 triệu đồng, kinh phí của trường 37.767 triệu đồng, các nguồn huy động khác 17.387 triệu đồng.
Quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Đội ngũ giáo viên, nhân viên cơ bản bảo đảm đủ về số lượng, cơ cấu bộ môn, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.
Có ý thức trách nhiệm, quan tâm và say mê trong công tác chuyên môn, có ý thức vươn lên và tự giác học tập nâng cao trình độ, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Tổ chức bộ máy luôn được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả. Nội bộ các trường đoàn kết, nhất trí.
Năm 2023, tổ chức tuyển dụng 686 chỉ tiêu giáo viên, trong đó 134 giáo viên mầm non, 436 giáo viên tiểu học, 72 giáo viên THCS, 44 giáo viên THPT; việc tuyển dụng được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, dân chủ. Việc bố trí, sắp xếp đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý bảo đảm đúng quy định.
Sở GD&ĐT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, sắp xếp đội ngũ bảo đảm đủ tỷ lệ và cân đối về cơ cấu bộ môn, ưu tiên bố trí đủ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới...
Năm 2023, kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, toàn tỉnh Bắc Giang có 713 trường chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt 94,9% , cao hơn mặt bằng chung toàn quốc (toàn quốc là 61,24%), trong đó có 238 trường mầm non, 218 trường tiểu học, 223 trường THCS, TH&THCS, 34 trường THPT).
Có 199 trường chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt tỷ lệ 26,4% (trong đó có 74 trường mầm non, 82 trường tiểu học, 41 trường THCS, TH&THCS, 2 trường THPT).
Kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia đã góp phần quan trọng vào việc củng cố vững chắc công tác Phổ cập giáo dục các cấp học. Tạo các điều kiện tốt để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn có chuyển biến rõ nét. Các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục toàn diện đều đạt và vượt mức kế hoạch. Học sinh được xếp loại học lực khá và giỏi, học sinh lên lớp, học sinh đỗ vào các trường THPT chiếm tỷ lệ cao. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm học 2022- 2023 đạt 99,58%. Chất lượng và hiệu quả giáo dục được phụ huynh học sinh tin tưởng, ghi nhận và đánh giá cao.
Năm học 2022 - 2023 thi chọn học sinh giỏi quốc gia có 59/89 thí sinh dự thi đoạt giải (có 4 giải Nhất, 14 giải Nhì, 16 giải Ba và 25 giải Khuyến khích) nằm trong tốp 8 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về số giải Nhất và đứng thứ 12 cả nước về số lượng giải.
Có 8 học sinh được dự thi vòng 2 và 3 học sinh được tham dự các kỳ thi khu vực và quốc tế và cả 3 học sinh đều đoạt giải (1 Huy chương Bạc Olympic Hóa học Quốc tế Al-Beruniy, 1 Huy chương Đồng Olympic Vật lý khu vực châu Á và 1 Huy chương Bạc Olympic Vật lý Châu Âu). Chất lượng giải quốc gia cao nhất từ khi tái lập tỉnh Bắc Giang đến thời điểm năm 2023.
Đặc biệt, trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023 - 2024, tỉnh Bắc Giang có 86 giải, trong đó có 4 giải Nhất, 25 giải Nhì, 38 giải Ba và 19 giải Khuyến khích, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố về số lượng giải (tăng 27 giải và 5 bậc so với năm học 2022-2023).
Chất lượng giải cũng có tiến bộ (Số giải Nhất 4 giải, bằng năm trước; số giải Nhì tăng 11 giải; số giải Ba tăng 22 giải; số giải Khuyến khích giảm 6 giải).
Bắc Giang có 7 học sinh được tham dự vòng II chọn đội tuyển tham dự thi Olympic quốc tế và khu vực. Chất lượng và số lượng giải quốc gia cao nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay.
Bắc Giang cũng chỉ đạo và tổ chức thành công Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh; tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, kết quả 2/2 sản phẩm dự thi đều đạt giải Tư quốc gia.
Mục tiêu năm 2024, ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang tập trung chỉ đạo và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo tiêu chuẩn của trường học đạt chuẩn quốc gia.
Sở GD&ĐT tỉnhBắc Giang đã chỉ đạo tất cả các trường rà soát toàn bộ các tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia. Đối với trường chưa đạt chuẩn, tiếp tục chuẩn bị các điều kiện bảo đảm các tiêu chí để công nhận mới.
Đối với trường đã đạt chuẩn, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhằm củng cố vững chắc các trường đã đạt chuẩn quốc gia.
Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện nâng chuẩn cho các trường từ mức độ 1 lên mức độ 2. Phấn đấu hết năm 2024, có 717 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (mầm non 238 trường, tiểu học 218 trường, THCS 225 trường, THPT 36 trường); 205 trường đạt chuẩn mức độ 2 (mầm non 71 trường, tiểu học 82 trường, THCS 47 trường, THPT 5 trường).