Sức khỏe

Nỗi lo ngộ độc rượu

Đức Trân 06/02/2024 07:39

Dù có nhiều cảnh báo, song người bị ngộ độc rượu vẫn có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu ăn uống, liên hoan có sử dụng rượu, bia vẫn rất nhiều.

bai-chinh.jpg
Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Ảnh: BVCC.

Thông tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, vừa tiếp nhận và điều trị cho 3 bệnh nhân ngộ độc do uống rượu không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần, trôi nổi ngoài thị trường. Những loại rượu này bị người sản xuất pha cồn công nghiệp vào để kiếm lợi nhuận.

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin: Bệnh nhân đầu tiên được chuyển tuyến từ Vĩnh Phúc, vào bệnh viện trong tình trạng mê sảng và mắt không nhìn thấy gì. Bệnh nhân thứ hai trước khi vào viện đã đi khám tại chuyên khoa mắt và các bác sĩ nghi ngộ độc rượu nên đã chuyển viện. Bệnh nhân thứ ba cũng bị biến chứng mù mắt do ngộ độc rượu.

Thực tế, tình trạng ngộ độc do bệnh nhân uống rượu không rõ nguồn gốc trôi nổi ngoài thị trường không mới. Thế nhưng, năm nào cũng vậy, vào thời điểm này, số người nhập viện do ngộ độc rượu lại gia tăng trên phạm vi cả nước.

Bệnh nhân nam (61 tuổi, Bắc Ninh) nhập Bệnh viện trung ương Quân đội 108 trong tình trạng ngừng tim, phổi. Bệnh nhân được hồi sinh tim phổi, đặt ống nội khí quản, thở máy. Sau khi tim đập lại, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức nội và chống độc, Trung tâm Hồi sức tích cực.

Theo người nhà bệnh nhân, bệnh nhân uống rượu thường xuyên và gia đình không kiểm soát được. Sau khi thực hiện các thăm khám lâm sàng và xét nghiệm, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị ngộ độc methanol cấp (cồn công nghiệp) mức độ nặng (nồng độ methanol 78,13 mg/dl).

BS Nguyễn Hồng Tốt - khoa Hồi sức nội và chống độc, Trung tâm Hồi sức (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết: Ngộ độc methanol rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao đặc biệt là các trường hợp đến muộn. Trong trường hợp nhập viện quá trễ, bệnh nhân có thể tử vong vì suy đa cơ quan và toan chuyển hóa nặng. Trong trường hợp trên, nếu không được nhập viện, điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong ở mức rất cao, một số trường hợp may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác.

Đáng báo động hơn, không chỉ rượu pha cồn công nghiệp mới gây ra tình trạng người uống gặp nguy hiểm tính mạng. Theo các chuyên gia, với nhu cầu ăn uống, liên hoan tăng cao trong thời điểm này, rượu nào cũng có thể khiến người uống mắc những vấn đề nghiêm trọng tới sức khỏe.

Gần đây nhất, một người đàn ông 53 tuổi đã nhập Bệnh viện đa khoa Tâm Anh trong tình trạng mê man, tổn thương thận cấp do mất cân bằng dịch và điện giải dẫn đến giảm mức lọc cầu thận chỉ vì uống nhiều bia trong bữa tiệc liên hoan do công ty tổ chức.

BS Hoàng Thị Hồng Linh, khoa Nội tiết – Đái tháo đường (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) thông tin, nếu người bệnh không đến bệnh viện và tiếp tục nôn ói, rối loạn điện giải sẽ nặng hơn và có nguy cơ rối loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tim. Tình trạng mất nước cấp sẽ gây tổn thương thận cấp nếu điều trị muộn hơn có thể sẽ gây tổn thương thận vĩnh viễn.

Rượu/bia gọi chung là thức uống có cồn (alcohol). Hầu hết alcohol có ở rượu bia sẽ được hấp thụ vào máu qua dạ dày và ruột non. Alcohol theo máu di chuyển khắp cơ thể cho đến khi được gan chuyển hóa và đào thải, một phần nhỏ còn lại sẽ được bài tiết trực tiếp dưới dạng chưa chuyển hóa qua nước tiểu, mồ hôi hoặc hơi thở.

Alcohol gây độc hầu hết các cơ quan trong cơ thể, có thể gây tổn thương gan, dạ dày, thực quản, ruột, tụy và não bộ… Nồng độ cồn trong máu trên 70 mg/ml đủ làm cho người uống thay đổi cảm xúc (buồn vui, giận dữ đột ngột)… Và nguy hiểm nhất là khi ngộ độc rượu bia do nồng độ alcohol trong máu quá cao, thường bị nhầm lẫn say rượu với các triệu chứng như: Lú lẫn, phản ứng chậm, nói ngọng, buồn ngủ, nôn mửa, khó kiểm soát ý thức… Đây là lý do khiến nhiều người biến chứng, tử vong do không được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Mỗi năm, Việt Nam có tới 40.000 ca tử vong liên quan đến rượu bia. Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Ngoài những tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài, uống nhiều rượu bia còn gây ra nhiều hệ lụy tức thì khác như chấn thương, bạo lực…

Về lâu dài, rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc hơn 200 bệnh khác nhau, bao gồm cả bệnh về gan, tuyến tụy và một số bệnh ung thư, cụ thể: Huyết áp cao, bệnh tim, đột quỵ, ung thư miệng, họng, thực quản, thanh quản, gan, đại tràng, trực tràng. Làm suy yếu hệ thống miễn dịch, gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm và lo lắng…

Theo TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cách tốt nhất để tránh nguy cơ ngộ độc rượu là không uống rượu, đặc biệt là các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong dịp cuối năm, uống rượu bia ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống, uống từ từ, kết hợp với sử dụng đồ ăn, xen kẽ với nước lọc.
Đặc biệt, người thân cần chú ý theo dõi người say rượu. Nếu người say vẫn nhận biết được thì nên cho ăn uống thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn, sữa, nước hoa quả có đường, nước canh, cháo loãng... để có năng lượng, nếu không dễ bị hạ đường huyết. Đồng thời, gia đình cần chú ý quan sát những dấu hiệu nặng ở người thân để đưa đi cấp cứu kịp thời.

Đức Trân