Kinh tế

Hợp tác công tư thúc đẩy sản xuất xanh

Lê Bảo 06/02/2024 07:41

Trong bối cảnh an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng đối mặt với nhiều thách thức thì việc thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị là rất cần thiết.

anhtren(1).jpg
Mô hình trồng rau nhà màng đạt hiệu quả cao ở Đà Lạt. Ảnh: Quang Vinh.

Nỗ lực sản xuất xanh trong nông nghiệp

Thực hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26 về việc phát thải ròng bằng không vào năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi, hướng tới phát triển nền nông nghiệp sinh thái, trung hòa các bon bên cạnh mục tiêu an ninh lương thực. Để đạt được mục tiêu này, tháng 12/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam (FIHV). Đề án được thực hiện sẽ góp phần phát triển ngành nông nghiệp xanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu và kết nối với hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu theo hướng “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.

Việt Nam là một trong 3 nước đầu tiên trên thế giới được WEF lựa chọn làm thí điểm Mạng lưới FIH. Mục tiêu cụ thể của FIH là phát triển được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm bằng cách huy động chuyên gia và nhà khoa học trong nước và quốc tế liên kết với các doanh nghiệp (DN) và cơ quan Chính phủ để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong chuỗi giá trị.

Ngoài ra, đề án còn hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm lương thực, thực phẩm Việt Nam, từng bước tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, góp phần đưa tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm. Từ đó, giúp cải thiện thu nhập của nông dân.

Tạo cơ chế doanh nghiệp tham gia

Báo cáo kết quả hoạt động của Nhóm Đối tác công – tư ngành rau quả trong năm 2023, lãnh đạo Công ty PepsiCo Việt Nam cho biết, nhóm công tác đã tập trung vào phát triển chuỗi giá trị nông sản, tăng cường năng lực nông dân. Cụ thể, PepsiCo phối hợp với GDA-USAID và Công ty Syngenta áp dụng công nghệ (máy quan trắc thời tiết, drone, sổ tay nông hộ điện tử), hệ thống tưới chính xác, giải pháp đảm bảo sức khỏe đất, giải pháp quản lý sâu bệnh. Nhờ đó, năng suất khoai tây tăng gấp 3 lần, trung bình đạt 23 - 26 tấn/ha (cao nhất 52 tấn), giảm chi phí thuốc trừ sâu 2 triệu đồng/ha, nước giảm gần 3.800m3/ha.

Tương tự với ngành hàng lúa gạo trong năm 2023, lãnh đạo Công ty Bayer Việt Nam cho hay, trong năm vừa qua, đã chuyển giao kiến thức và kỹ thuật canh tác tốt nhất tới các hợp tác xã, DN và nông dân liên kết với Bayer, với 2.000 nông dân tham gia. Nhóm đã thu thập và nhập dữ liệu để thực hiện báo cáo giảm phát thải đối với ngành lúa gạo.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung đánh giá, DN đóng vai trò quan trọng và trung tâm, nhất là trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản. DN tạo việc làm và thu nhập, nâng cao trình độ sản xuất cho người nông dân và DN tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng; chủ động phát triển thị trường, nâng cao giá trị nông sản.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm, đặc biệt là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã và đang là những thách thức lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho 7,9 tỷ dân toàn thế giới. Để giải quyết các vấn đề này, hệ thống lương thực cần phải đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao năng suất và tính bền vững trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Trong đó, thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị là rất cần thiết, từ đó thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân để tái cơ cấu, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.

Đại diện Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) nhận định: Đầu tư vào công nghệ nhằm giảm phát thải trong ngành nông nghiệp là vấn đề cấp thiết. Thực tế cho thấy, đối với sản xuất, chế biến “xanh”, cần những tiến bộ công nghệ để chế biến đa dạng hóa sản phẩm, chế biến phụ phẩm, cải thiện khả năng phục hồi môi trường và chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm thông minh. Đối với an toàn thực phẩm, cần công nghệ nâng cao chất lượng và thời gian bảo quản; đóng gói và truy suất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số vào giám sát an toàn thực phẩm. Điều đó càng khẳng định vai trò quan trọng của DN và khối tư nhân. Do đó cần có những chính sách cũng như cơ chế thúc đẩy tư nhân tham gia vào quá trình này.

Lê Bảo