Quốc tế

Ẩn họa dưới lớp băng vĩnh cửu

Thanh Đức 06/02/2024 07:42

Nhiều nhà khoa học lên tiếng cảnh báo nhân loại đang phải đối mặt với mối đe dọa đại dịch nguy hiểm, do sự hồi sinh của virus "xác sống" (virus zombie) dưới lớp băng vĩnh cửu.

anhbaitren(3).jpg
Lắp đặt thiết bị trên đỉnh sông băng Helheim nhằm tìm kiếm những loài virus cổ đại. Nguồn: Reuters.

Ngày 5/2, truyền thông Pháp dẫn lời nhà di truyền học Jean - Michel Claverie (Đại học Aix-Marseille) cho biết, hiểu theo một cách nào đó thì đó là các loại virus cổ đại đã bị đóng băng trong lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực. Trái đất ngày một ấm lên khiến băng tan chảy sẽ giải phóng chúng và rất có thể gây ra một đợt bùng phát dịch bệnh lớn.

Các chủng vi khuẩn Methuselah, hay còn gọi là virus "xác sống", đã từng gây ra những đại dịch trong quá khứ.

Giáo sư Claverie cho biết, với rất nhiều nỗ lực, các nhà khoa học đã thành lập một mạng lưới giám sát ở Bắc Cực nhằm xác định chính xác các trường hợp bị mắc bệnh đầu tiên do vi sinh vật cổ đại gây ra. Mạng lưới này sẽ cung cấp chỉ định cách ly và điều trị y tế cho những người nhiễm bệnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, cũng như ngăn những người nhiễm bệnh rời khỏi khu vực.

Hiện tại, những phân tích về mối đe dọa của virus “xác sống” tập trung vào các bệnh có thể xuất hiện ở các khu vực phía nam của Bắc Cực. “Nhưng nếu ít chú ý đến một đợt bùng phát có thể xuất hiện ở phía bắc thì đó sẽ là sơ suất lớn” - theo GS Claverie.

Quan điểm này được ủng hộ bởi nhà virus học Marion Koopmans (Trung tâm Y tế Erasmus Rotterdam, Hà Lan). "Chúng ta không biết loại virus nào đang ẩn náu trong lớp băng vĩnh cửu, nhưng tôi nghĩ có nguy cơ thực sự là có một loại virus có khả năng gây bùng phát dịch bệnh, chẳng hạn như một dạng bệnh bại liệt cổ xưa".

10 năm trước, vào năm 2014, GS Claverie dẫn đầu một nhóm các nhà khoa học đã phân lập được virus dưới những lớp băng ở Siberia. Kết quả nghiên cứu cho thấy chúng vẫn có thể lây nhiễm sang các sinh vật đơn bào, mặc dù đã bị chôn vùi trong lớp băng vĩnh cửu hàng nghìn năm. Nghiên cứu sâu hơn được công bố trong năm 2023 cho thấy sự tồn tại của một số chủng virus khác nhau từ 7 địa điểm khác nhau ở Siberia và chúng có thể lây nhiễm sang các tế bào nuôi cấy.

"Các loại virus mà chúng tôi phân lập được chỉ có khả năng lây nhiễm amip nhưng không gây nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các loại virus khác đang ngủ yên trong lớp băng vĩnh cửu lại không có khả năng gây bệnh ở người. Và đó chính là ẩn họa” - GS Claverie nói với Observer và nhấn mạnh rằng lớp băng vĩnh cửu lạnh, tối và thiếu oxy là điều kiện hoàn hảo để lưu trữ vật liệu sinh học. “Bạn có thể đặt sữa chua vào lớp băng vĩnh cửu và nó vẫn có thể ăn được sau 50.000 năm".

Một công bố trên tạp chí Viruses còn cho biết, virus "xác sống" đã trải qua 48.500 năm bị đóng băng có thể thức tỉnh trở lại khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy do biến đổi khí hậu. Mức độ rủi ro mà vi khuẩn và virus "ngủ đông" bên trong băng khi được đánh thức cần phải được nghiên cứu rất kĩ lưỡng. Tuy rằng dịch bệnh gây ra bởi một loại vi khuẩn gây bệnh thời tiền sử được hồi sinh rất khó lẩn tránh được các loại thuốc kháng sinh hiện đại mà chúng ta sử dụng.

Xưa nay, giới khoa học cho rằng các lớp băng ở Bắc Cực giống như một nhà tù nhốt những loại virus, vi khuẩn cổ đại thời tiền sử. Không loại trừ một số trong số đó có khả năng lây nhiễm dịch bệnh cho con người. Biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ Bắc Cực ấm lên, một lượng lớn băng tan chảy đã giải phóng vi khuẩn, virus khỏi nhà tù băng giá, nơi chúng đã bị “nhốt” hàng triệu năm.

Trước những ý kiến cho rằng đó cũng chỉ là sự lo sợ thái quá trước dịch bệnh, GS Claverie tuyên bố chúng ta không thể đánh liều số phận nhân loại trước bất cứ nguy cơ dịch bệnh nào. Những nghiên cứu về virus cổ đại dưới những lớp băng giá lạnh Bắc Cực không chỉ dừng lại ở mức cảnh báo mà đang ngày một rõ ràng hơn, đòi hỏi phải có biện pháp giải quyết trước khi sự việc vượt khỏi tầm kiểm soát.

Dẫn ý kiến của các nhà khoa học từ Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, trang Science Alert cho biết 13 loại virus cổ đại bị đóng băng trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia đã được phát hiện. Một nghiên cứu khác do nhà vi sinh học Zhi Ping-zhong (Đại học bang Ohio, Mỹ) thực hiện cho rằng băng tan chảy sẽ giải phóng chúng ra môi trường. “Điều đó liệu có nghĩa là biến đổi khí hậu có thể mời gọi một đại dịch khác? Không chính xác như vậy! Nhưng khi biến đổi khí hậu dẫn đến sự thay đổi phạm vi và sự phân bố của các loài thì cũng có thể mang đến các vật trung gian truyền bệnh” - TS Zhi cảnh báo.

Theo nhà vi trùng học Matthew Sullivan (Đại học bang Ohio, Mỹ), những loại virus cổ đại được một số nhà khoa học cho là có thể vẫn âm ỷ sống trong môi trường băng giá khắc nghiệt. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giả thiết, chỉ là “những dấu hiệu của sự tưởng tượng khoa học”. Tuy nhiên, TS Sullivan cũng cho rằng, dù sao đi nữa thì sự tận tâm trong khoa học cần được ghi nhận. Nhất là những nghiên cứu ấy nhằm mục đích bảo vệ con người.

Thanh Đức