Tôn giáo

Tết ấm biên cương

Dạ Yến 06/02/2024 20:54

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và những người bạn đồng hành đã về với đồng bào nghèo trên địa bàn huyện Sa Thầy- một huyện miền núi biên giới của tỉnh Kon Tum. Chuyến đi mang theo những ân tình của người miền xuôi với người miền ngược, của hậu phương với tuyến đầu Tổ quốc.

Sa Thầy là huyện có mật độ dân số thấp nhất Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ năm 2019, huyện Sa Thầy có dân số 50.162 người sinh sống trên diện tích 143.172,98 ha. Chúng tôi theo đoàn công tác của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và Bí thư huyện ủy Sa Thầy Nguyễn Minh Tuấn đến thăm Đồn Biên phòng Rờ Kơi vào những ngày áp Tết.

Trong nắng trời rực rỡ, dọc đường biên giới, những bông lau trắng bung nở rung rinh theo chiều gió. Để đến được Đồn Biên phòng Rờ Kơi, đoàn xe của chúng tôi phải “leo lên” đồn bằng một con đường mòn, mới mở tạm cách đây 2 tháng. Con đường xuyên qua Vườn Quốc gia Chư Mom Ray.

vuon-qg-chu-mon-ray.jpg
Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Kon Tum.

Đây được xem là con đường nhanh nhất để có thể lên đến đồn biên phòng. Mặc dù vậy, cả đoàn đã phải mất gần 1 tiếng đồng hồ vật vã, lắc lư mới có thể đi hết quãng đường gần 20km. Xóc nảy, hiểm trở và đất đỏ bụi mù. Càng lên cao, không khí càng loãng. Giữa trưa, nắng rát hầm hập phả vào cửa kính xe. Để chinh phục con đường này, chỉ có những tài xế quen thuộc địa hình mới có thể cầm lái. Ông Hùng, nhân viên của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, người đưa chúng tôi vượt qua cung đường hiểm trở- không chỉ bằng kinh nghiệm 35 năm trong nghề mà còn bằng tình yêu của ông với mảnh đất này.

Vườn quốc gia Chư Mom Ray là di sản của Đông Nam Á, nơi có cấu trúc địa hình đa dạng, tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Nhờ đặc trưng khí hậu nên nơi đây sở hữu nhiều kiểu rừng độc đáo. Ông Hùng say sưa kể về những cánh rừng bằng lăng, rừng khộp vào mùa khô, còn vào mùa mưa là dịp thu hút các loài thú móng guốc ăn cỏ, các loài chim di cư đến những đồng cỏ lớn. Ông thuộc từng cây đại thụ trong rừng, ông có thể đếm vanh vách những loài cây, loại vật quý hiếm. Ông bảo, ý thức giữ rừng, bảo tồn thiên nhiên được nhân viên và người dân nơi đây xem như một sứ mệnh. Chính vì vậy, càng đi qua những cung đường hiểm trở chúng tôi càng thấy trân trọng hơn ý chí, nghị lực, lòng quả cảm và sức mạnh nội lực của đất và người nơi đây trong hành trình vươn lên cùng quê hương, đất nước.

vinl5244_original.jpg
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và Bí thư huyện ủy Sa Thầy Nguyễn Minh Tuấn cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Rờ Kơi.

Đó là khi chúng tôi đứng giữa Đồn biên phòng Rờ Kơi đầy nắng và gió, dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhất là đường sá đi lại, nhưng anh em cán bộ, chiến sĩ ở đồn vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Bởi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Điều này đã khắc sâu trong trái tim mỗi người lính mang quân hàm xanh. Những ngày cận Tết, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Rờ Kơi tất bật thay “áo mới” cho đồn. Những cây mai được cắt tỉa. Khuôn viên doanh trại được trang trí rực rỡ cờ hoa. Hình ảnh chiếm trọn trong tầm mắt là lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa nền trời xanh thẳm, không một ai có thể nén nổi sự xúc động tự hào.

Đồn Biên phòng Rờ Kơi đóng trên địa bàn xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới tiếp giáp với huyện Tà Veng, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia và 13 cột mốc. Chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Rờ Kơi, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đã nói về sứ mệnh của những người lính canh giữ biên cương. Giữa bao khó khăn, thiếu thốn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Rờ Kơi đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới; tham gia đấu tranh với các loại tội phạm…Với những người chiến sĩ mang quân hàm xanh ở nơi này, Tết không chỉ có mai vàng, chậu vạn thọ mà còn thắm đượm tình nghĩa quân dân. Để hộ dân nào cũng có một cái Tết đủ đầy, năm nào cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Rờ Kơi cũng chung tay góp sức trao những phần quà Tết ý nghĩa, làm vơi đi khó khăn vất vả của đồng bào nghèo nơi đây.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh gọi họ là những Anh hùng giữ mùa xuân biên cương của đất nước. Xuân của người lính là sự hy sinh thầm lặng. Nhất là những dịp Tết đến, cán bộ, chiến sĩ nơi đây gạt đi nỗi nhớ nhà, vẫn tiếp tục những bước chân không mỏi, duy trì các đội tuần tra, kiểm soát biên giới để đảm bảo giữ vững chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn, giúp cho đồng bào các dân tộc đón Tết yên vui.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và những người bạn đồng hành đã gửi tới cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng Rờ Kơi những món quà ân tình của hậu phương với lời chúc "Một cái đầu lạnh, một trái tim hồng, vững đôi chân, chắc tay súng" cùng đồng bào các dân tộc gìn giữ biên cương.

Trong không khí xúc động chân tình, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đã chia sẻ rằng, ông là một người Công giáo và là một Đại hiệp sĩ của Giáo hội, nhưng trước hết ông là người Việt Nam và Tổ quốc Việt Nam là nơi cho ông làm người và làm tín đồ tôn giáo. Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một “ngọn lửa” bất diệt, đó là tình yêu Tổ quốc. Tổ quốc này không của riêng ai. Tổ quốc là của tất cả mọi người Việt Nam và mọi người đều có quyền và trách nhiệm đóng góp cho Tổ quốc. Sứ mệnh của người lính là gìn giữ biên cương lãnh thổ như gìn giữ máu thịt của chính mình. Còn trách nhiệm của một tín đồ tôn giáo như ông là tỏa sáng đức tin bằng những hành động thiết thực để phục vụ dân tộc và bảo vệ dân tộc.

vinl5382_original.jpg

Với Tây Nguyên và đặc biệt là vùng đất Kon Tum đã in dấu chân biết bao lần trở đi trở lại của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh. Huyện Sa Thầy - một mảnh đất giàu truyền thống cách mạng- đây cũng là nơi mà ông và những người bạn đồng hành quay trở lại chỉ trong vòng một tháng. Mong muốn mang đến một cái Tết ấm áp hơn cho những người còn nghèo khó ở hai xã Hơ Moong và Sa Nghĩa, hành trình trở lại Sa Thầy đã mang theo ân tình của người miền xuôi lên với miền ngược, 450 suất quà đã được trao gửi, đong đầy yêu thương.

Nhận món quà trên tay, ông A Giáp, một hộ nghèo sống ở thôn Đắk Tân, xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy không giấu nổi xúc động. Tết đến rồi nhưng gia đình A Giáp vẫn chẳng có gì nên khi được chính quyền địa phương, Hiệp sĩ Đại Thánh giá và các nhà hảo tâm tặng quà ăn Tết ông vui mừng khôn xiết. “ Tôi không biết nói gì, chỉ nói được lời cảm ơn sự quan tâm của các cấp, của Hiệp sĩ và các nhà hảo tâm đã đến với đồng bào vùng biên giới còn nghèo khó như chúng tôi”, ông A Giáp chia sẻ.

vinl5783_original.jpg
Ông A Giáp, hộ nghèo sống ở thôn Đắk Tân, xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy cảm ơn sự quan tâm của các cấp, của Hiệp sĩ và các nhà hảo tâm đã đến với đồng bào vùng biên giới còn nghèo khó.

Chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, trong mỗi dịp Tết đến Xuân về là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Chia sẻ với đồng bào dân tộc hai xã Sa Nghĩa và Hơ Moong, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cho rằng sứ mệnh của ông là bước chân tới đâu lo cho người nghèo tới đó, bước chân tới đâu là toả sáng đức tin trong sứ mệnh đồng hành, cộng tác và yêu thương. Đặc biệt ở Sa Thầy, dù còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào các dân tộc vẫn luôn là nền tảng văn hóa, lịch sử quan trọng để giữ gìn, phát triển kinh tế, xã hội trên mảnh đất hết sức thiêng liêng này.

“Chúng tôi vẫn luôn nhớ đến đồng bào, bởi vì chính đồng bào là phên dậu để bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Vì vậy chúng tôi quay trở lại và mang tới sự động viên, chia sẻ để đồng bào luôn vững một tinh thần nỗ lực phấn đấu, tìm hạnh phúc trong gian khó để vươn lên, xây dựng mảnh đất nơi biên cương của Tổ quốc mỗi ngày một ấm no”, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh khẳng định.

Đồng hành cùng với Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh lần này có ông Ngô Minh Nhựt, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Tân Định, TP. HCM. Theo ông Nhựt, bà con nơi biên giới chính là những cột mốc chủ quyền kiên trung hàng ngày cùng các chiến sĩ biên phòng và các lực lượng chức năng bảo vệ từng đường biên, mốc giới thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình tự nhiên khó khăn, kinh tế còn chưa được phát triển đồng đều nên đời sống một số gia đình còn gặp nhiều khó khăn hơn ở miền xuôi. Vì vậy đến với bà con dịp Tết này, chia sẻ tình cảm, gửi lời cảm ơn và tặng những món quà giúp bà con có thêm điều kiện đón Tết cổ truyền của dân tộc vừa là trách nhiệm, vừa là một niềm vui của những cán bộ Vietcombank.

“Chúng tôi hy vọng hàng năm sẽ tiếp tục được tới các vùng biên cương của Tổ quốc để chia sẻ, động viên bà con từ đó góp phần nhỏ bé cùng Đảng và Nhà nước xây dựng sự phát triển và bình yên nơi biên giới”, ông Ngô Minh Nhựt khẳng định.

Là người đồng hành cùng Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh trong hơn 20 năm qua trên hành trình thiện nguyện, ông Đặng Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Việt Phú An cho rằng, việc trích một phần lợi nhuận để tham gia các hoạt động xã hội như xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ các đồng bào khó khăn, đặc biệt đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới giúp đồng bào vơi bớt khó khăn là trách nhiệm xã hội và cũng là tình cảm của những doanh nghiệp như ông.

Huyện Sa Thầy có khoảng 1.025 hộ nghèo và 698 hộ cận nghèo, ngay từ sớm UBND huyện đã thực hiện chính sách chăm lo Tết cho người nghèo là 600.000 đồng/ hộ nghèo và 300.000 đồng/ hộ cận nghèo. Cùng với đó, việc vận động các tổ chức cá nhân triển khai sớm kế hoạch hỗ trợ và tặng quà tết cho người dân có một ý nghĩa rất lớn. Theo ông Dương Quang Phục, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, cho đến thời điểm này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cùng với các văn phòng liên quan, đặc biệt là Ủy ban nhân dân các xã đã tổ chức trao tặng quà Tết đến tận tay cho bà con. Qua việc kiểm tra sơ bộ, đến nay các suất quà đã cấp đến tận tay bà con và chưa phát hiện trường hợp nào là thuộc đối tượng tặng quà mà không nhận được quà.

Những suất quà Tết được trao đã phần nào giúp các hộ nghèo đón một cái Tết đầm ấm. Và Tết khơi dậy trong mỗi chúng ta niềm hy vọng. Mỗi người, mỗi nhà, dù ở bất cứ đâu, miền xuôi hay miền ngược, biên giới hay hải đảo xa xôi cùng vượt qua những khó khăn thử thách để chào đón một năm mới tươi sáng hơn.

Dạ Yến