Xã hội

Mùa Xuân đến sớm trên đảo Cô Tô

Nguyễn Quý 07/02/2024 08:08

Những ngày này, trên khắp vùng biển, đảo của tỉnh Quảng Ninh, đâu đâu cũng thấy không khí rộn ràng, hối hả. Tàu thuyền xuôi về bến, ngư dân nở nụ cười rạng rỡ, những cái ôm siết người thân khi trở về sau chuyến đi biển cuối cùng cho vụ Tết...

anh-bai-chinh.jpg
Quân và dân đảo Trần chung niềm vui đón Tết. Ảnh: N.Quý.

“Tết trên đảo không khác gì đất liền”

Đó là khẳng định của ông Lê Bá Tùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá huyện Cô Tô. Cô Tô giờ đây không còn là cái tên xa lạ nữa. Chỉ mất 1 tiếng 15 phút đi xuồng cao tốc từ Vân Đồn, khách có thể đặt chân lên đảo.

Gần Tết, huyện đảo vắng khách du lịch, nhưng lại là thời điểm những người đi biển làm ăn xa nhà tạm gác lại công việc chài lưới, trở về đoàn tụ, sum họp cùng gia đình chung vui, hưởng lợi thành quả lao động vất vả sau một năm đầy nỗ lực.

Ông Tùng cho biết: Năm qua nhờ thời tiết mưa thuận, gió hòa, nhiều gia đình bám biển làm ăn được. Đến ngày 26 tháng Chạp, tàu thuyền đã về bến, thuyền viên trở về bên gia đình đoàn tụ, sum họp.

Mặc dù là huyện đảo, thế nhưng Tết ở Cô Tô cũng không khác đất liền là mấy, bởi hạ tầng kinh tế, văn hóa ở đây trong những năm qua đã được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại. Anh Đoàn Ngọc Linh (thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô), chia sẻ: “Tết ở huyện đảo tuy không nhộn nhịp bằng đất liền, nhưng cấp ủy, chính quyền ở đây luôn tạo ra bầu không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân bằng những hoạt động văn hóa, văn nghệ, những trò chơi dân gian đặc sắc đầy ý nghĩa trong dịp Tết. Chúng tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc, yên tâm bám biển, bám đảo, xây dựng và làm giàu từ biển”.

Chuyến đi biển cuối năm “phát tài”

Gần 1 tháng hải trình trên ngư trường Vịnh Bắc Bộ, tại khu vực thượng, hạ Mai (phía Đông Đảo Trần, huyện Cô Tô), đúng ngày 23 tháng Chạp (ngày ông Táo về trời), đội tàu của anh Lê Quý Trọng (xã Đường Hoa, huyện Hải Hà) đã về đến bến Cái Tó.

Anh Trọng cho biết, chuyến này đi tuy cũng có mấy hôm gió mùa, sóng to biển động, nhưng nhìn chung vẫn là một chuyến ra khơi thành công, thuận buồm xuôi gió. Gần 1 tháng đánh bắt, đội tàu đã thu về được cả trăm tấn cá cơm và hải sản các loại. “Biển khơi cho lộc thế này, chắc chắn bà con ngư dân sẽ được đón một cái Tết đủ đầy, ấm áp, hạnh phúc bên gia đình người thân” - anh Trọng phấn khởi nói.

Là xã ven biển có truyền thống đánh bắt lâu đời, đến nay số phương tiện hoạt động thủy sản của xã Đường Hoa đã lên đến gần 300 chiếc. Trong đó, có 18 tàu lớn có chiều dài trên 15m, chuyên vươn khơi ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ; tàu từ 12 - 15m có hơn 30 chiếc, cũng hoạt động khơi xa. Hầu hết tàu được trang bị hầm lạnh, máy phát điện, máy định vị, máy thông tin liên lạc tầm xa, máy dò ngang, hệ thống đèn chiếu sáng, máy tời, cần cẩu, neo dù và nhiều thiết bị hàng hải khác… không chỉ đảm bảo an toàn và hiệu quả cho hoạt động khai thác thủy sản, mà còn giúp bà con tuân thủ tốt pháp luật trên biển. Trong đó, nhiều tàu hiện đại, vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng, thu về hiệu quả cao.

Lần trở về dịp Tết này, cùng với cá nặng lưới đầy sau một chuyến biển thành công, anh Trọng cùng nhiều bà con ngư dân chuẩn bị mâm lễ dâng lên tạ ơn các vị thần linh ở Đình làng Tó (thôn Tiến Tới, xã Đường Hoa). Trong không gian linh thiêng, khói hương trầm đầm ấm, cụ thủ từ đọc bài văn khấn, ông Trọng cùng bà con ngư dân thành tâm cúi đầu lễ tạ, cầu mong các vị Thần Linh phù hộ cho năm mới mưa thuận gió hòa, biển khơi ban lộc, đời sống bà con tiếp tục khấm khá, no đủ hơn…

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, tàu 285 của Lữ đoàn 170 Hải quân xuất phát từ cảng Vạn Hoa (huyện Vân Đồn) đã cập cảng đảo Trần.

Có mặt đón đoàn, ông Hoàng Việt Tuân - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô), cho biết: Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đơn vị quân đội, 13 hộ dân với 53 nhân khẩu ở đảo Trần đều được hỗ trợ nhà ở khang trang cùng với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ sau khi có điện lưới quốc gia, đời sống của người dân và cán bộ chiến sĩ (CBCS) trên đảo đã thay đổi hoàn toàn. Các công trình hạ tầng an sinh, tâm linh, văn hóa cũng được quan tâm xây dựng giúp quân và dân yên tâm công tác, bám biển, bám đảo…

Ở đảo Trần, ngày đông vui nhộn nhịp nhất trong dịp Tết lại là ngày tất niên. Vào ngày này, CBCS các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo và người dân đảo cùng nhau gói bánh chưng, trang trí cây đào, cây quất và tổ chức chương trình văn nghệ vui Tết đón Xuân. Mới đi đến đầu thôn, từ Nhà sinh hoạt cộng đồng đã vang tiếng nhạc rộn ràng, tiếng trẻ con cười nói, tiếng mọi người í ới gọi nhau trải chiếu, sắp khuôn, sẵn sàng gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn để gói bánh chưng.

Ghi nhận ở các địa phương có biển, đảo của tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm này, công tác đảm bảo vui Xuân, đón Tết cho nhân dân các xã đảo đều được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chuẩn bị chu đáo và triển khai rất tích cực. Đặc biệt, các địa phương đã thực hiện rà soát đầy đủ các hộ gia đình chính sách xã hội, gia đình khó khăn, trẻ em cơ nhỡ, người yếu thế để động viên, hỗ trợ kịp thời. Đồng thời đáp ứng đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết cho nhân dân, đảm bảo mọi người dân vùng biển, đảo của tỉnh đón một cái Tết đầy đủ, vui tươi, phấn khởi, an toàn.

Mỗi năm, huyện đảo Cô Tô đều được tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và phát triển dịch vụ, du lịch. Cô Tô là huyện đảo đầu tiên của tỉnh và cả nước hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Riêng năm 2023, sản lượng thủy sản do người dân nuôi trồng, khai thác, đánh bắt trên địa bàn huyện đạt 5.800 tấn, đạt trên 107% kế hoạch năm, tăng 1,75% so với năm 2022.

Nguyễn Quý