Xã hội

Đề xuất xác định nồng độ cồn trong hơi thở của lái xe

Bích Thủy 07/02/2024 08:12

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa nghiên cứu cho ý kiến đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông.

anh-bai-tren.jpg
Lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý một trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Cục CSGT.

Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế như: nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu, cho ý kiến và gửi các đề xuất nội dung quy định về Cục Quản lý khám, chữa bệnh trước ngày 20/2, để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế. Đề xuất từ các chuyên gia, các đơn vị chuyên môn là cơ sở để đơn vị nghiên cứu, đề xuất quy định nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở lái xe.

Trước đó, đại diện Bộ Y tế cũng đã có cuộc họp với Bộ Công an về một số vấn đề liên quan đến quy định nồng độ cồn với lái xe. Vấn đề này sẽ được hai bộ và các cơ quan liên quan thảo luận trong thời gian tới.

Tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin quý I/2024 của Bộ Y tế mới đây, trả lời câu hỏi của báo chí về xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn "vượt ngưỡng", Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh: “Chúng tôi ủng hộ việc xử lý vi phạm hành chính có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhờ có việc xử lý vi phạm nghiêm về nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông đã giảm khá nhiều. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thống kê và sắp tới sẽ có con số cụ thể giảm số vụ tai nạn giao thông".

Về vấn đề xử phạt vi phạm khi nồng độ cồn vượt khung, ông Khoa cho biết: Với quan điểm cá nhân tôi, trong trường hợp vi phạm nồng độ cồn nếu gây tai nạn thì phải xử lý hình sự. Trường hợp nồng độ cồn cao không đủ điều kiện lái xe thì cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải tham khảo thêm quy định các nước trên thế giới để đưa ra một quy định hài hòa.

Liên quan đến quy định hiện hành về nồng độ cồn với các lái xe, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cấm điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Quy định này áp dụng ổn định đối với người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trong 10 năm, trước khi luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã kế thừa quy định này, mở rộng thêm đối với người điều khiển xe máy và các phương tiện giao thông khác.

Tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và để tăng cường các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán và các dịp lễ hội năm 2024, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông đồng thời tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông hiệu quả, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các ngày lễ, ngày hội trong năm 2024 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo đó, các địa phương tập trung tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình và cộng đồng, để bảo đảm an toàn giao thông, trật tự và an toàn xã hội; tuyên truyền quy định về những hành vi bị nghiêm cấm; tác hại của rượu, bia đối với người chưa đủ 18 tuổi; không uống rượu, bia trước và trong khi lái xe; thời gian, địa điểm không được uống, không được bán rượu, bia và thực hiện các quy định khác trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt vào các dịp cao điểm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định…

Hiện, Nghị định 100/2019 quy định ba ngưỡng nồng độ cồn, tương ứng với ba mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy, ôtô, như sau: Với xe máy, mức thấp nhất chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa quá 0,25mg/lít khí thở thì người điều khiển bị phạt 2 - 3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10 - 12 tháng. Mức cao nhất vượt quá 80mg/100ml máu hoặc quá 0,4mg/lít khí thở thì người điều khiển bị phạt 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.

Với ô tô, mức thấp nhất chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa quá 0,25mg/lít khí thở thì tài xế bị phạt 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10 - 12 tháng. Mức cao nhất vượt quá 80mg/100ml máu hoặc quá 0,4mg/lít khí thở thì tài xế bị phạt 30 - 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.

Về ngưỡng nồng độ cồn, tại Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23/1/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế có quy định về định lượng ethanol (định lượng nồng độ cồn) trong máu, tại mục 60 của quyết định này. Theo đó, tại điểm 4 "nhận định kết quả" có ghi: trị số bình thường dưới 10,9 mmol/lít (tương đương 50mg/100 ml).

Bích Thủy