ĐBSCL với đề án 1 triệu héc - ta lúa chất lượng cao: Chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo
Thời tiết thuận lợi nên năng suất vụ Đông Xuân này tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Bà con nông dân phấn khởi vì lúa tiếp tục được mùa, được giá. Đây cũng là tiền đề chuẩn bị triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc - ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” mà người dân đang ngóng chờ.
Cần thị trường ổn định
Ngày 6/2, ghi nhận tại một số tỉnh ĐBSCL, giá lúa chững lại, nhiều thương lái bắt đầu nghỉ Tết và ngưng thu mua. Tuy nhiên, nhiều diện tích lúa Đông Xuân cắt sau Tết, nông dân vẫn chào giá tăng. Theo cập nhật của Sở NNPTNT tỉnh An Giang, giá lúa OM 18 ở mức 9.400 - 9.500 đồng/kg; OM 5451 ở mức 9.200 - 9.400 đồng/kg, lúa IR 504 ở mức 9.000 - 9.200 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 duy trì quanh mốc 9.600 - 9.700 đồng/kg. Đây là mức giá mà người nông dân đảm bảo có lợi nhuận khá tốt.
Theo lời ông Bé Hai (xã Tân Bình, huyện Châu Thành, Đồng Tháp), tháng trước khi giá lúa tăng cao rất nhiều thương lái tìm về đặt cọc. Mỗi công lúa họ cọc 500.000 - 1 triệu đồng, với 10.200 đồng/kg lúa. Tuy nhiên, mấy hôm nay khi lúa chững lại và xuống thì thương lái lại gọi điện nói nông dân giảm giá. Hiện giá lúa đang từ 10.200 đồng hạ xuống còn 9.300 đồng/kg, hạ gần 1.000 đồng. Thường một công lúa (1000m2) cho thu hoạch khoảng 8 tạ. Nếu giá lúa khoảng 9.200 đồng/kg thì một công trừ chi phí lời khoảng gần 2 triệu đồng.
“Nhìn chung giá lúa 2 năm nay tăng, người trồng lúa đã có lời, tuy nhiên tôi vẫn thấy giá lúa tăng chưa ổn định. Giá lúa tăng thì thương lái săn đón, tìm về đặt cọc, giá lúa hạ họ sẵn sàng bỏ cọc, thiệt thòi vẫn là người trồng lúa” - ông Bé Hai nói.
Cũng giống như ông Bé Hai, mong muốn có một thị trường lúa gạo ổn định, đảm bảo người nông dân không còn cảnh được mùa mất giá, ông Đỗ Văn Luông - Giám đốc HTX Nông nghiệp ấp Kinh 5A (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) cho biết, mặc dù giá lúa 2 năm nay tăng cao ông và một số bà con ở HTX vẫn canh cánh nỗi lo giá cả bấp bênh có thể tái diễn.
Theo ông Luông, để không còn cảnh được mùa mất giá, nông dân cần chuyển dần sang hướng canh tác lúa sạch để phát triển bền vững. Với kinh nghiệm trồng lúa cha truyền con nối, ông cho rằng mặc dù giá lúa vẫn đang tăng, bà con trồng lúa đã đảm bảo lợi nhuận, tuy nhiên cần cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng. Hiện HTX Nông nghiệp ấp Kinh 5A đã đăng ký tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc - ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Ông Luông cho biết rất kỳ vọng đề án này sẽ gỡ được mọi nút thắt, để đảm bảo cho người nông dân có thể làm giàu từ lúa gạo.
Nâng chất hạt lúa, giảm phát thải, tăng thu nhập
ĐBSCL với diện tích tự nhiên hơn 4 triệu héc - ta, trong đó hơn 2,5 triệu héc ta đất dùng cho sản xuất nông nghiệp. Sản lượng lúa tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn, chiếm trên 55% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng.
Gạo Việt đang tăng cả về lượng và chất, vì thế giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng và tiến dần tới nhóm cao nhất thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ĐBSCL vẫn còn những hạn chế như chưa có nhiều vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị giữa người trồng lúa với hợp tác xã, doanh nghiệp; canh tác lúa chưa bền vững do người nông dân còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học gây ảnh hưởng đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính…
Với sản lượng lúa gạo lớn, ĐBSCL tạo ra khoảng 26 - 27 triệu tấn rơm rạ, trong đó 70% được đốt và vùi vào đất, 30% còn lại được thu gom sử dụng cho trồng nấm, phủ gốc cây trồng, đệm lót vận chuyển trái cây, là thức ăn gia súc. Việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường trong khi vùi rơm rạ vào ruộng ngập nước làm tăng phát thải khí methane (CH4) và khí nhà kính khác. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn nhằm tăng tối đa dinh dưỡng chứa trong rơm, giảm thất thoát dinh dưỡng, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính đồng thời tăng thu nhập cho người trồng lúa và các dịch vụ sản xuất thương mại liên quan.
Sẽ có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” của Chính phủ ra đời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL.
Đề án đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải…
Từ thí điểm thành công, mô hình này tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.
Ông Hoan cho rằng, Đề án hướng tới khắc phục tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng ĐBSCL; xác định yêu cầu tiên quyết “chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo”, thông qua việc hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, cập nhật tri thức, kỹ năng cho nông dân; nâng cao năng lực quản trị, khả năng hợp tác của hợp tác xã nông nghiệp, đủ năng lực liên kết bền vững với doanh nghiệp.
Chia sẻ tại Hội nghị triển khai “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 5/2, đại diện các hiệp hội, các viện nghiên cứu và các địa phương đều đánh giá Đề án là “luồng gió mới”, thể hiện quyết tâm mới của Chính phủ trong việc từng bước hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo của cả nước. Đề án không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho gần 1,5 triệu người nông dân ĐBSCL, mà còn góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu và giảm phát thải khí nhà kính.
Còn ở góc độ địa phương, theo ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL là lợi thế của vùng. Bà con nông dân vùng ĐBSCL nói chung và nông dân tỉnh Kiên Giang nói riêng rất kỳ vọng qua thực hiện đề án sẽ tăng thu nhập cho người trồng lúa. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50% vào năm 2030. Đây là con số đáng mong đợi.
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” sẽ được triển khai tại 12 tỉnh. Mục tiêu của đề án là giảm 20% chi phí đầu vào sản xuất lúa của các hộ nông dân khoảng 9.500 tỉ đồng. Việc áp dụng các quy trình xử lý và tái chế phụ phẩm, xây dựng thương hiệu gạo phát thải thấp sẽ góp phần nâng cao giá trị toàn chuỗi lúa gạo trên 40%, trong đó tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%.