Tát đìa (tát ao) là cách bắt cá mang đậm nét đặc trưng của người dân miền Tây và nhiều vùng quê khác. Hình ảnh người nông dân “chân lấm, tay bùn” hì hục mò từng con cá dưới lớp bùn trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống dân dã miền quê mỗi khi năm cũ sắp qua. Tờ mờ sáng, anh Đào Việt Triều (ngụ ấp 1, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), đã dậy chuẩn bị máy bơm để hút nước đìa (ao) gần nhà bắt cá ăn Tết. Ông Tư Chiến (cha ruột anh Triều) sửa soạn xô, thau, rổ… chờ đìa cạn bắt cá. Mấy người cháu của ông Tư Chiến cũng tranh thủ qua phụ giúp một tay. Ông Tư Chiến cho hay, ngày xưa, nguồn lợi cá đồng nhiều vô số, mỗi lần nhà nào tát đìa thu hoạch, cá nhiều cho cả xóm ăn Tết. "Nhưng bây giờ cá ít quá nên mạnh nhà nào nhà nấy làm, không còn dằn công như xưa nữa", ông Tư Chiến nhớ lại. Niềm vui khi bắt được cá to. Dầm mình dưới bùn bắt cá Anh Ngô Minh Chiểu (ngụ Thành phố Cà Mau – đồng nghiệp với anh Triều) từ thành phố về quê cùng mọi người tát đìa. "Tát đìa vui nhất là lúc bắt cá", anh chia sẻ. Tát đìa xong, chọn vài con cá lóc to đem đi nướng trui bằng rơm. Cá lóc nướng rơm có mùi hương đặc biệt. Khi cạo sạch lớp vảy cháy khét, người ăn chỉ cần lấy từng lớp thịt chín trắng chấm muối ớt khiến những ai một lần được thưởng thức khó thể nào quên.
Nguyên Du