Bác sĩ 'mách nước' bí quyết giữ giọng trong mùa lạnh
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào - Trưởng khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đưa ra 8 lời khuyên giữ giọng trong mùa lạnh, đặc biệt là dịp cuối năm.
Cuối năm là thời điểm diễn ra nhiều cuộc thi tiếng hát, thi học kì II ở các trường thanh nhạc, tổng kết năm của các đơn vị… và cũng là mùa mà các ca sĩ có nhiều show, lịch diễn nhất.
Tuy nhiên, đi diễn nhiều nơi tại các tỉnh, biểu diễn giữa thời tiết mùa đông, đồ uống lạnh, mặc thật đẹp nên thường khó giữ ấm, do vậy họ hay nói vui rằng “mùa lạnh đầy thử thách đối với các ca sĩ”. Nhiều người khác lại dễ bị cảm lạnh hoặc cúm hơn khi giao tiếp xã hội, đi du lịch trong kỳ nghỉ đông...
Nhiều người khác lại dễ bị cảm lạnh hoặc cúm hơn khi giao tiếp xã hội, đi du lịch trong kỳ nghỉ đông... Theo lời khuyên của PGS.TS Phạm Thị Bích Đào - Trưởng khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), nếu muốn giữ giọng trong suốt mùa lạnh cần:
Thở bằng mũi
Thanh quản cần hoạt động trong môi trường nhiệt độ ổn định, vì vậy không khí trước khi đi vào thanh quản và phổi phế quản cần phải được làm ấm, làm ẩm và làm sạch nên phải thở qua mũi. Không khí qua mũi được làm ấm và ẩm bởi hệ thống các mao mạch và chất nhầy của mũi. Không khí bảo đảm độ ẩm mới bôi trơn được thanh quản.
Uống đủ nước để cung cấp ẩm cho các mô thanh quản
Giữ đủ nước cho các mô thanh quản đặc biệt quan trọng trong những tháng lạnh hơn để giúp duy trì sự linh hoạt trong giọng nói. Niêm mạc và biểu mô thanh quản khô làm cho dây thanh âm kém linh hoạt và khó hoạt động hơn nhiều. Phải mất 48 - 72 giờ để cơ thể hấp thụ hoàn toàn nước, vì vậy, hãy chú ý cẩn thận đến những ngày trước buổi biểu diễn để luôn uống đủ nước, cấp ẩm cho các mô thanh quản.
Khí dung hơi nước
Hơi nước có thể mang lại sự mềm mại cho dây thanh âm trong mùa khô lạnh.
Niêm mạc đường hô hấp dễ bị khô trong mùa lạnh do độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, vì vậy lớp nhầy trên bề mặt đường hô hấp trong đó có mũi, xoang họng, thanh quản, khí phế quản trở nên đặc, dính, khó vận chuyển và giảm khả năng làm sạch, đồng thời tăng độ quánh dẫn đến dễ tắc các lỗ thông từ xoang ra mũi khiến vi khuẩn dễ phát triển.
Điều này lý giải tại sao mùa lạnh dễ gây viêm mũi xoang và tình trạng viêm mũi xoang cũng thường nặng nề hơn các mùa khác trong năm. Xoang viêm dẫn tới xoang cộng hưởng bị giảm độ vang đồng thời dịch xoang chảy xuống bám trên bề mặt dây thanh làm giọng trở nên đục, khàn và hay phải đằng hắng khi nói, hát.
Uống nước giúp dưỡng ẩm cho hệ thống biểu mô đường hô hấp trên từ họng trở lên, còn thanh quản thường phải khí dung hơi nước.
Tăng uống trà thảo dược không chứa cafein
Trà thảo dược như dưỡng ẩm dành cho dây thanh. Nếu kèm theo đau họng, có thể pha ít mật ong với trà thảo dược để làm dịu cơn đau họng.
Khởi động giọng đúng cách
- Cần có thói quen khởi động giọng hát trước khi hát giống như khởi động cơ thể trước khi bơi, điều này giúp dây thanh của bạn thích nghi với thời tiết lạnh và di chuyển đúng cách. Đây là cách tốt nhất để tránh đột quỵ thanh quản.
- Cần tập thở bụng ngày 2 lần, mỗi lần duy trì 20 - 30 phút.
Lưu ý đến nơi bạn ở
Hệ thống sưởi và điều hòa không khí trung tâm không tốt cho dây thanh quản của bạn, cần có một số lưu ý nếu bạn sử dụng hệ thống sưởi hoặc điều hòa: làm sạch bộ tản nhiệt và bộ lọc để loại bỏ bụi, cặn tích tụ, tránh hít phải. Có thể thêm một ít hơi nước vào không khí bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm không tỏa nhiệt hoặc đặt một cái bát lên trên bộ tản nhiệt.
Giữ cho hệ thống miễn dịch luôn hoạt động tích cực
Việc sử dụng quá nhiều các loại thuốc ngậm trong mùa lạnh có thể làm khô đường thở và tăng nguy cơ nhiễm trùng, nên sử dụng các thảo dược dạng uống nếu thấy cần để kích thích hệ miễn dịch vùng họng - thanh quản hoạt động thường xuyên giúp ngăn chặn tổn thương viêm khi xâm nhập.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh, đừng hát nếu thấy đau vùng thanh quản. Thực tế, nhiều ca sĩ lên lịch biểu diễn trong kỳ nghỉ lễ khi bị tổn thương thanh quản. Hãy lắng nghe dây thanh của mình để không gây thêm tổn hại và hồi phục nhanh nhất có thể.