Tết là phiên bản nguồn cội đậm đặc
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý nhớ khá nhiều về những ngày Tết thời bé vì với anh, chỉ đến ngày Tết không khí đời sống mới có sắc màu rực rỡ, tựa như quanh năm xem phim đen trắng, đến một ngày được chuyển sang phim màu. Vì thế, Tết với anh là kỷ niệm về màu sắc và mùi thơm…
Anh chia sẻ: “Tôi nhớ màu đỏ của những tờ giấy màu dùng để cắt những bông hoa trang trí cho căn nhà, áp dụng luôn bài tập thủ công để làm những hoa dây hay xúc xích giấy giăng khắp cành đào hay các góc nhà. Nghĩ lại thấy thật là buồn cười vì nhà mình như một cái lớp học. Được cái bố mẹ và người lớn trong nhà chiều đứa trẻ con là mình nên mình cứ nghĩ mình đã làm đẹp lắm.
Còn về mùi thơm, tôi nhớ mùi gạo nếp được ngâm, có một mùi thơm ngát trong hơi ẩm của mưa phùn giáp Tết, cứ thấm thía lẩn khuất trong mấy gian nhà, gợi một cái gì đó ấm áp dù trời rét. Tôi nhớ sự vun vén và tất tả của mẹ, sự khéo léo trong việc gói bánh, sự cần mẫn của việc sửa chữa những thứ hỏng hóc trong nhà của bố, mọi người đều cực kỳ nghiêm túc để chuẩn bị một cái Tết trọn vẹn, mà mãi sau này tôi mới hiểu là cho chính chúng tôi, để luôn yêu thương gia đình, chung tay làm với nhau và ít nhất thì cũng nhớ về những tập tục sống của ông cha”.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý, Tết ở Hà Nội có một điểm hay là hội tụ các đặc trưng Tết của cả vùng châu thổ Bắc bộ xung quanh, đồng thời cộng đồng văn hóa ở mỗi khu phố Hà Nội dù đô thị hóa nhưng cứ đến Tết thì trung tâm của cộng đồng lại chính là những đình chùa đền miếu nằm giữa các khu phố: “Tín ngưỡng bản địa và phong tục dân gian vẫn là một sợi dây gắn kết con người đô thị, chứ không hẳn đã biến mất hoàn toàn.
Vì vậy ở Hà Nội bạn có thể đón Tết phố nhưng vẫn thấy người ta làm lễ tế ở đình, lên chùa cầu phúc hay ra đền cầu may giống như ở các vùng quê. Thêm vào đó, Tết ở Hà Nội không bị nặng nề về các thủ tục rườm rà của lễ nghi, phần lớn do các mối quan hệ lỏng lẻo hơn và phai nhạt hơn.
Một điều dĩ nhiên ưu thế của Tết ở Hà Nội là các chương trình giải trí cũng có phần đa dạng hơn ở quê, chẳng hạn vừa có những không gian hợp thời kiểu quốc tế hóa như rạp chiếu phim, lễ hội đếm ngược đón giao thừa, các quán xá, các sân khấu cho giới trẻ, lại vừa có những sân khấu truyền thống và những không gian hoài cổ tái hiện các loại hình văn hóa xưa.
Điểm nữa thú vị ở Tết Hà Nội là sự đa dạng của các sản vật phục vụ cho cỗ Tết, cho các thú chơi chim cây cá cảnh Tết và nhu cầu trang hoàng nhà cửa, được thị dân sàng lọc một cách tương đối khắt khe, làm nên một không khí rực rỡ mà khá tinh tế. Không dễ để bán một cành đào cho thị dân sành sỏi, nhưng một cành đào đẹp ắt sẽ được giá với dân Hà Nội”, Trương Quý chia sẻ.
Ngoài các thứ quen thuộc như chuẩn bị cho bàn thờ hay mâm cỗ Tết, đào quất hay lọ hoa, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý quan sát và nhận ra, người dân Hà Nội thường dành thời gian cho thưởng thức văn hóa nhiều hơn. Họ chuẩn bị không gian thưởng thức âm nhạc tại nhà, hay tìm hiểu phong tục xưa để mặc áo dài truyền thống. Nhiều người còn kết hợp về quê với đi thăm các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, hoặc lên đường du xuân.
Anh cho hay: “Tết giờ mọi người có vẻ chú trọng phần nhìn và bắt đầu phần “cảm” nhiều hơn. Hà Nội thực tế vẫn còn bảo lưu không gian cộng đồng, với trung tâm là những không gian tín ngưỡng và sinh hoạt kiểu truyền thống, đóng vai trò then chốt cho sắc thái Tết đô thị.
Bản thân Hà Nội cũng vốn là nơi hình thành từ các phường thợ tứ trấn tụ hội, đồng thời quá trình đô thị hóa cũng bao trọn phạm vi các làng cổ xung quanh, vì thế lẽ thường là thành phố vẫn có cái kiểu “quê”, trong cách vẫn thấy những dư ảnh của các phong tục địa phương. Tất nhiên, sự đô thị hóa một thế kỷ rưỡi đã khiến Hà Nội cũng tạo ra một kiểu truyền thống riêng của nó, với kiểu cách và mã văn hóa đặc trưng được bồi đắp và tiếp nối qua vài thế hệ”.
Theo Nguyễn Trương Quý, chừng nào người Việt còn thấy Tết có ý nghĩa thì họ sẽ thấy cần níu giữ. Nói chung Tết chính là một phiên bản nguồn cội được chưng cất đậm đặc hơn.