Tinh hoa Việt

Xuân hội ngộ

TRẦN HỮU THĂNG 11/02/2024 09:56

Cách đây 300 năm, câu thơ mà đại thi hào Nguyễn Du đã xác định được là “Ngẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay” đối với lứa tuổi U80, U90 chúng tôi mới thật thú vị và đã gợi lại biết bao kỷ niệm.

img-4806.jpg
"Tinh hoa Việt” là ấn phẩm chuyên đề của Báo Đại Đoàn Kết – nơi hội tụ nhiều cây bút ở trong và ngoài nước. Tranh cắt giấy từ những trang báo Tinh hoa Việt Xuân Quý Mão 2023 của họa sĩ Công Quốc Hà - một họa sĩ có nhiều năm sống ở Thụy Điển.

Càng đáng quý, đáng trân trọng hơn nữa nếu có cái duyên gặp gỡ, hội ngộ lại đúng vào dịp Tết đến, xuân về thì lại càng thêm gắn bó và đáng nhớ.

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Hội ngộ là gặp nhau (thường là không hẹn, giữa những người thân thiết). Thí dụ: Mong có ngày hội ngộ. Duyên hội ngộ (gặp nhau tình cờ mà trở nên gắn bó). “Nhà lan thanh vắng một mình/ Ngẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay” (Nguyễn Du)”.

Nhớ mãi và yêu mãi câu đồng dao đã thuộc lòng từ thuở còn thanh niên: “Vì tình nên phải đa mang/ Vì duyên nên thiếp theo chàng về đây”. Bài viết nhỏ này xin được nhắc lại một số kỷ niệm không bao giờ quên vì cái tình, cái nghĩa, cái duyên trong mọi nẻo đường công tác đã qua.

Trước hết, xin nói về lòng yêu nước. Tôi có may mắn được tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam trong 3 khóa VI, VII và VIII. Trong 15 năm ấy đối với tôi rất đáng quý vì đã có cơ hội được gặp gỡ để học hỏi nhiều điều từ nhiều vị đáng kính, trong đó có nhà thơ Huy Cận. Một lần nhà thơ hỏi tôi: “Ông nhớ nhất câu thơ nào của Nguyễn Khoa Điềm, thi sĩ xứ Huế?”.

Tôi trả lời: “Dạ thưa bác, em nhớ nhất câu: “Đất nước là nơi ta hò hẹn”. Nhà thơ nheo mắt tán đồng: “Câu ấy hay lắm đấy. Trong trường hợp này phải hiểu “hò hẹn” ở đây là “nơi hội ngộ”, “ngày hội ngộ”, “dịp hội ngộ” của những người có lòng yêu nước, cùng chung chí hướng giúp ích cho việc xây dựng đất nước giàu mạnh”. Tôi còn nhớ lời giải thích quá hay ấy của nhà thơ Huy Cận đã khiến cho những người cùng lắng nghe lúc đó vỗ tay tán thưởng.

Triết gia người Italia, ông Silvio Pellico (1789 - 1854) đã khẳng định: “Chỉ có những người nào hiểu rõ và yêu quý các bổn phận của mình và tự buộc mình phải làm trọn vẹn các bổn phận ấy mới là người yêu nước chân chính”.

Triết gia danh tiếng, ông Richard Wagner (1892 - 1980) đã nói rất cụ thể về lòng yêu nước mà mỗi công dân, dù là trí thức chuyên ngành nào, dù là lao động giản đơn cũng tuyệt đối phải tuân theo. Ông viết: “Lòng yêu nước buộc ta phải biết tôn trọng trật tự công cộng, luật pháp và định chế quốc gia. Đồng thời nó cũng dạy ta đối với đồng bào phải giữ trọn lòng nhân hậu”.

Nhờ có lòng yêu nước mà đã có nhiều người tự nguyện xung phong lên vùng sâu, vùng xa lâu dài để giữ vững an ninh biên giới, nhiều người đã âm thầm tận tụy làm việc trong các viện nghiên cứu cơ bản, nhiều người tham gia vào các vụ chống dịch, trong số đó nhiều người đã hy sinh... Nhờ có lòng yêu nước của nhân dân ta mà đất nước ta mới phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao như ngày hôm nay.

Tiếp theo, xin nói về “duyên hội ngộ”. Tôi còn nhớ, mùa xuân năm 2000, mở đầu cho một thiên niên kỷ mới, kỹ sư Nguyễn Túc công tác ở UBTƯ MTTQ Việt Nam có giới thiệu để tôi làm quen với bác sĩ Nguyễn Ý Đức, kiều bào sinh sống tại Mỹ, là đồng hương với anh Túc. Bác sĩ Đức mong muốn về Việt Nam để xuất bản một số cuốn sách anh viết về tuổi già.

Anh Đức rất cởi mở và bắt kịp rất nhanh với tình hình xuất bản sách y học và trình độ bạn đọc trong nước. Anh em trong văn phòng Tổng hội Y học Việt Nam cũng góp một số ý kiến vào các bản thảo của bác sĩ Đức.

Kết quả rất tốt đẹp là bác sĩ Đức đã xuất bản được 4 cuốn chuyên khảo về “Dinh dưỡng”, “Các phương pháp tập luyện”, “Các bệnh thông thường” và “Những giải đáp về sức khỏe tinh thần ở tuổi già” có giá trị chuyên môn khá cao. Tôi và anh Đức đi lại thăm hỏi nhau hoặc ở Mỹ hoặc ở Việt Nam rất tâm đắc và giúp ích cho nhau trong nhiều việc. Rất tiếc là trong năm 2023 anh Đức đã đi xa. Anh em chúng tôi thương tiếc mãi một bác sĩ Việt kiều có nhiều đóng góp cho khoa học người cao tuổi với những ứng dụng thiết thực và bổ ích.

Mùa xuân năm 2002 tôi có dịp tham dự Hội thảo quốc tế về Chiến tranh Việt Nam tại Trường Đại học Kỹ thuật Texas (Texas Tech University, viết tắt là TTU) tại thành phố Lucbock thuộc bang Texas, Mỹ. Đây là một Hội thảo quốc tế lớn có chu kỳ 3 năm tổ chức một lần để các nhà khoa học thuộc nhiều ngành như quân sự, kinh tế, y học, xã hội học... đánh giá toàn diện lại về chiến tranh Việt Nam. Đoàn Việt Nam có ông Lưu Văn Lợi - nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ và tôi là một bác sĩ đã tham gia công tác trong thời kỳ chiến tranh.

Chuyến đi này tôi có cơ hội gặp được các trí thức người Việt sống xa Tổ quốc, các nhà khoa học này đều vui vẻ, thân tình và cởi mở khi trao đổi về tình hình trong nước ngày càng phát triển và đổi mới.

Càng lớn tuổi, chúng ta càng kính trọng và trân quý những cuộc gặp gỡ đầy ắp kỷ niệm, những cuộc hội ngộ thắm nồng sự tử tế không thể nào quên được trong cuộc đời mình.

Sau Hội thảo ở Texas năm 2002, tôi còn có dịp làm quen với một số bác sĩ kiều bào khác, có người về nước thăm gia đình, có người về hẳn để hành nghề, lập nghiệp trong nước. Nói chung họ đều thành công nhờ các cơ chế thông thoáng và cập nhật nhanh với quốc tế của Nhà nước về hành nghề tư nhân, cũng như đối với các doanh nghiệp.

Trong 3 tháng cuối năm 2023 vừa qua có nhiều hội thảo quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam. Có nhiều nhà khoa học người Việt Nam từ các nước trên thế giới đã về nước để tham gia báo cáo khoa học ở các hội thảo, nhiều người trong số này còn có mục đích về nước để nghiên cứu tình hình thực tế trong nước đang có kế hoạch hành nghề trong tương lai.

Trong những dịp gặp gỡ, trò chuyện với các nhà trí thức kiều bào mà chúng tôi có duyên được gặp ấy, nói chung họ đã có được một số nhận thức đúng đắn về tình hình tương đối khả quan và có nhiều hứa hẹn của đất nước ta trong năm 2024 này.

Hiện nay nước ta đang có nhiều dự án rất mới và quan trọng để thu hút và giữ chân người tài. Bên cạnh những hội thảo lớn, tổ chức thảo luận trực tiếp và thảo luận online có kết quả rất khả quan thì những cuộc hội ngộ, những cuộc gặp gỡ thân tình của từng nhóm nhỏ cũng đem lại những kết quả tích cực không kém.

Bây giờ, Hà Nội đã tràn ngập sắc xuân. Năm Giáp Thìn 2024 sắp đến. Rất nhiều bạn cũ, bạn mới lại có dịp hội ngộ, gặp gỡ, tay bắt mặt mừng tại quê hương đất nước. “Xuân hội ngộ” lại tươi thắm, vui vẻ.

Càng lớn tuổi, chúng ta càng kính trọng và trân quý những cuộc gặp gỡ đầy ắp kỷ niệm, những cuộc hội ngộ thắm nồng sự tử tế không thể nào quên được trong cuộc đời mình.

Rồi đây sẽ có nhiều cuộc gặp mặt ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam để đón tiếp người thân và đồng bào xa xứ về quê ăn Tết. Rồi đây sẽ có nhiều mâm cơm đoàn tụ gia đình lúc giao thừa, lúc chào đón xuân mới và ngày mồng 1 Tết Nguyên đán với những lời thủ thỉ, những ánh mắt trìu mến thiết tha, những lời dạy bảo đạo đức của các vị cao niên, những ý kiến mạnh dạn xây dựng của các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học từ châu Âu, châu Mỹ và các nơi trên thế giới về quê ăn Tết. Tất cả những điều nhỏ to ấy rộn ràng trong mùa xuân mới thúc đẩy chúng ta hăng hái bước vào một năm mới tràn đầy hy vọng.

Khi nói về “Xuân hội ngộ” để phát huy mọi tấm lòng yêu nước, thương dân nhằm đóng góp cho quê hương, đất nước, bài thơ ngắn sau đây của nhà thơ Chế Lan Viên mãi mãi làm chúng ta yêu quý và trân trọng:

“Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt,

Như mẹ, như cha, như vợ, như chồng.

Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết,

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn lúa, con sông”.

TRẦN HỮU THĂNG