Kinh tế

‘Sức bật’ từ cơ chế đặc thù

Quốc Trung - Thành Luân 14/02/2024 07:10

Dù vẫn giữ được vai trò “đầu tàu” vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, thế nhưng đà phục hồi của TPHCM đã chậm lại do ảnh hưởng “kép” của suy giảm kinh tế toàn cầu và những hệ quả dai dẳng để lại sau 2 năm Covid-19.

anh5.jpg
TPHCM kỳ vọng trở thành một Trung tâm tài chính quốc tế của khu vực. Ảnh: Hồng Phúc.

Tuy nhiên với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 đã tạo hành lang cơ chế, chính sách mạnh để TPHCM quyết tâm vượt qua khó khăn, tiếp tục khẳng định vị thế trong năm 2024.

Điểm nhấn hạ tầng “liên vùng”

Năm 2023, “siêu dự án” hạ tầng liên vùng Vành đai 3 được triển khai, cùng với đó là nhiều công trình trọng điểm được tái khởi động sau thời gian dài “đóng băng” sẽ tạo đà cho TPHCM phát triển xứng tầm với vị trí đầu tàu của cả nước.

Dự án xây dựng đường Vành đai 3 dài 76 km, đi qua 4 địa phương, bao gồm: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng. Riêng dự án Vành đai 3 đoạn TPHCM là công trình giao thông lớn nhất phía Nam được khởi công vào tháng 6/2023.

Bên cạnh Vành đai 3, trong năm 2023, Tuyến Metro số 1 (lộ trình Bến Thành - Suối Tiên) cũng chính thức chạy thử nghiệm trên toàn tuyến với tổng cộng 14 ga (gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao), từ ga Bến Thành đến ga Suối Tiên và ngược lại. Hiện nay, chủ đầu tư dự án đã kết thúc xây dựng và đang chuẩn bị đưa tuyến Metro số 1 vào vận hành khai thác trong năm 2024.

Sự kỳ vọng của TPHCM đối với dự án này được ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh tại phiên họp cuối năm 2023 của Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98: Quy hoạch các đường sắt đô thị TPHCM đã được triển khai liên tục từ 15-16 năm qua.

Trong đó, thành phố đã dành nhiều nguồn lực để triển khai làm tuyến Metro số 1 dài 19,7 km và đến nay dự án chuẩn bị hoàn thành. Do đó, TPHCM quyết tâm thực hiện đúng tiến độ Kết luận 49 của Bộ Chính trị giao TPHCM đến năm 2035 phải cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị.

Đây cũng chính là cơ sở để thành phố tiếp tục đề xuất cơ chế, xây dựng đề án để triển khai trong các năm tiếp theo. Trong đó, người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết, TPHCM sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội để hoàn thiện cơ chế về phát triển đường sắt đô thị theo hướng huy động nguồn vốn, tín dụng đủ lớn, có thể vượt trần nợ địa phương để triển khai đầu tư.

Ngoài 2 dự án trọng điểm kể trên, trong năm 2023, cũng đã khởi công, triển khai 12 công trình trọng điểm khác, như: Quốc lộ 50, đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, hầm chui nút giao đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý…

Đây đều là các công trình có tính đồng bộ với quy hoạch hạ tầng đô thị của TPHCM nói riêng và liên kết vùng, có sức lan tỏa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Trong một năm chịu nhiều tác động, TPHCM cũng kịp hoàn thành đưa vào sử dụng 19 dự án, hạng mục công trình, tiêu biểu như: mở rộng đường Lê Văn Chí (TP Thủ Đức), đường Bình Đăng (quận 8), đường Lê Cơ (quận Bình Tân), cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ), cầu Long Đại (TP Thủ Đức)…Các công trình đang từng bước tạo nên diện mạo mới, góp thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các khu vực đi qua.

“Công nghiệp không khói” phục hồi mạnh

“Điểm sáng” lớn nhất trong một năm đầy thách thức của TPHCM phải kể đến ngành du lịch, được coi là động lực cho quá trình phục hồi kinh tế - xã hội của đơn vị “đầu tàu” kinh tế sau 2 năm đại dịch đến nay.

Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, du lịch TPHCM tiếp tục vững chắc, là đơn vị dẫn đầu cả nước về tỉ lệ khách du lịch, doanh thu và cả tỉ lệ về đóng góp cho ngành du lịch cả nước.

Nhiều con số biết nói, có thể kể đến như TPHCM thu hút được gần 5 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 35 triệu lượt khách nội địa; tổng thu du lịch trên 160.000 tỷ đồng. Theo ông Hòa, kết quả này đã vượt so với kế hoạch đề ra và cao hơn 25% so với năm 2019, năm đạt doanh thu cao nhất trước dịch bệnh Covid-19.

TPHCM đã xây dựng các chương trình liên kết vùng, liên kết các điểm du lịch khác trong cả nước, nhờ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thêm các tour mới, đạt hiệu quả cả về chất lượng tour cũng như giúp cho giá thành tour được giảm đi.

Động lực từ mô hình “Thành phố trong thành phố”

Từ Nghị quyết 54 đến Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã thể hiện bằng một thành quả hết sức cụ thể là việc thành lập TP Thủ Đức - mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước.

TP Thủ Đức được thành lập vào ngày 1/1/2021 trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 3 quận phía đông TPHCM, bao gồm quận 2, 9 và Thủ Đức. Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có diện tích rộng trên 211 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 1 triệu người.

Nhờ lợi thế về địa kinh tế, tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức nhiệm kỳ 2020-2025 (mở rộng) vào ngày 18/12/2023, ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, ước đến nay TP Thủ Đức thu ngân sách gần 11.000 tỷ đồng (đạt 61,6%, phấn đấu hết 2023 đạt 64,32% kế hoạch). Sau gần 3 năm thành lập, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị TP Thủ Đức cũng từng bước được sắp xếp, kiện toàn theo lộ trình. Đặc biệt, mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước đã cơ bản hoàn thành việc thành lập các đơn vị mới, sắp xếp, củng cố, kiện toàn tên gọi và nhân sự các cơ quan, đơn vị trực thuộc Thành ủy, UBND TP Thủ Đức theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội.

Trong đợt hoạt động cao điểm 500 ngày thi đua chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, thành phố đặt ra các mục tiêu quan trọng.

Điển hình là đến năm 2025 dự ước tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ của thành phố sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 46,90%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 53,08%; nông nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 0,03%.

Hiện nay, với động lực phát triển từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm (phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức) được quy hoạch thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, TP Thủ Đức được đặt kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cho TPHCM và chiếm khoảng 7% tổng sản phẩm quốc gia (GDP).

Điều này cũng đặt ra mục tiêu trở thành một đô thị hạt nhân và phát triển mạnh trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TPHCM cũng như của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng.

Quốc Trung - Thành Luân