Chính trị

Ngoại giao văn hóa, sức mạnh mềm Việt Nam

HOÀNG MAI 14/02/2024 07:00

Ngoại giao văn hóa được hiểu là quá trình tương tác hai chiều, giới thiệu những nét đặc sắc của mình với nhân loại và tiếp thu những cái hay nét đẹp của cộng đồng quốc tế. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã chia sẻ như vậy với Đại Đoàn Kết trong một cuộc trò chuyện bên thềm năm mới về chủ đề rất thời sự: Ngoại giao văn hóa - một trong những yếu tố góp phần làm nên sức mạnh mềm của Việt Nam.

thay.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thân mật mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình dự tiệc trà. ẢNH: TTXVN.

Khi chia sẻ về quan điểm: Ngoại giao văn hóa là công cụ đắc lực của “quyền lực mềm”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng: Nếu “quyền lực mềm” là một cái cây, thì ngoại giao văn hóa là bộ rễ vì nó chuyển hóa sức mạnh của nền văn hiến hơn 4.000 năm của dân tộc ta thành sức mạnh mềm của quốc gia ngày nay. Đồng thời, ngoại giao văn hóa cũng là những bông hoa kết tinh và tỏa hương thơm đưa những giá trị văn hóa Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế.

Tháng 10/2024, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam sẽ cùng với UNESCO Paris và tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị lần thứ 8 các công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tham gia sự kiện này có khoảng 400 khách quốc tế là lãnh đạo UNESCO, các đại sứ, chuyên gia và đại diện của những địa phương có công viên địa chất của 44 quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đây có thể là hoạt động ngoại giao văn hóa có quy mô lớn nhất Việt Nam đăng cai trong năm 2024.

"Đối với địa phương và người dân trong nước, 60 danh hiệu vinh danh của UNESCO không chỉ gia tăng lòng tự hào của người dân mà còn là uy tín, hình ảnh của địa phương", ông Ngọc cho hay, đồng thời phân tích: Ninh Bình, với việc phát huy các giá trị di sản trong đó Di sản thế giới Tràng An là nòng cốt, đã thực hiện hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Hiện nay, trong lực lượng lao động của tỉnh chỉ còn 10% người làm nông nghiệp, 45% làm tại các khu công nghiệp và 45% làm du lịch. Nông nghiệp cũng tập trung vào những sản phẩm sạch, đặc thù, đặc hữu, đặc sản phục vụ du lịch. Doanh thu du lịch năm 2023 nhảy vọt, gấp đôi mức doanh thu năm 2019.

“Như vậy, thành quả của ngoại giao văn hóa trong nhiều năm qua, đặc biệt trong năm 2023 không chỉ góp phần làm cây “quyền lực mềm” của Việt Nam lớn mạnh, xòe tán rộng hơn mà còn lan tỏa kết quả đó đến các địa phương và thấm sâu vào đời sống của nhiều người dân trong cả nước”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định.

Văn hóa là con đường ngắn nhất từ trái tim đến trái tim, là nhịp cầu hữu hiệu kết nối với các dân tộc khác, thông qua việc chia sẻ những nét đẹp, giá trị và truyền thống của dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế. Mỗi ý tưởng, mỗi sự kiện ngoại giao văn hóa được tổ chức đều xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào về văn hóa Việt Nam, với mong muốn thể hiện một hình ảnh Việt Nam thân thiện, hòa bình, hợp tác với các quốc gia trên thế giới, cũng như mong muốn chia sẻ những giá trị văn hóa của mình, và học hỏi, tôn trọng những giá trị văn hóa của các quốc gia khác.

Trở lại với các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, đó không chỉ là những cuộc gặp gỡ chính trị, kinh tế, mà còn là những dịp để thể hiện sự hiếu khách, thân thiện của người Việt Nam.

Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thưởng thức trà, đàm đạo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc dạo ngắm hồ Hoàn Kiếm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng thư pháp “Chân thành, Tình cảm, Tin cậy” cho Thủ tướng Nhật Bản; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng sách cho Chủ tịch Quốc hội Cuba… đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Việt Nam và các nước bạn.

Việc tổ chức những sự kiện ngoại giao văn hóa và trải nghiệm gần gũi với văn hóa địa phương thể hiện sự kết nối và hiểu biết giữa Việt Nam và các quốc gia khác ở nhiều mặt. Trước hết, theo ông Ngọc, đó là sự quan tâm và tôn trọng của Việt Nam đối với các nền văn hóa khác, cũng như sự tự hào và tự tin về bản sắc văn hóa Việt Nam. Thứ hai là sự khám phá và tận dụng những điểm tương đồng cũng như sự đa dạng văn hóa giữa các quốc gia, góp phần tăng cường, thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc. Thứ ba là gửi đi thông điệp về sự phát triển và hội nhập của Việt Nam, cũng như mong muốn hợp tác với các quốc gia khác trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Câu chuyện đưa chúng tôi quay trở lại những ngày tháng 7/2023 trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Áo, lần đầu tiên, một dàn nhạc giao hưởng của Việt Nam với các nghệ sĩ như nghệ sĩ ưu tú Bùi Công Duy (violin), nghệ sĩ ưu tú Tấn Minh, nhạc trưởng Trần Nhật Minh và nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác đã tháp tùng Chủ tịch nước đi thăm và biểu diễn tại đất nước này.

Nói về điều đó, ông Hà Kim Ngọc cho biết, các nghệ sĩ tài năng của chúng ta đã khéo léo mượn chính “ngôn ngữ âm nhạc” của bạn để kể câu chuyện về văn hóa Việt Nam, từ đó thông điệp truyền tải được tiếp nhận một cách tự nhiên và đầy cảm xúc. Buổi biểu diễn khắc sâu hơn ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam trong lòng người dân Áo. Chương trình được yêu thích và phải kéo dài thêm 40 phút để đáp lại sự hưởng ứng sự nhiệt tình từ khán thính giả Áo.

Sự hưởng ứng của công chúng chính là minh chứng rõ ràng nhất thể hiện nền âm nhạc của chúng ta đã và đang hội nhập quốc tế sâu rộng, tiếp thu tinh hoa nhân loại, làm giàu kho tàng âm nhạc dân tộc.

Sau đó, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước đến Nhật Bản đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, các nghệ sĩ Việt Nam - Nhật Bản đã cùng nhau có một buổi biểu diễn vô cùng đặc sắc, tinh tế, tạo ấn tượng mạnh mẽ, được khán giả đánh giá rất cao.

Mỗi ý tưởng, mỗi sự kiện ngoại giao văn hóa được tổ chức đều xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào về văn hóa Việt Nam, với mong muốn thể hiện một hình ảnh Việt Nam thân thiện, hòa bình, hợp tác với các quốc gia trên thế giới, cũng như mong muốn chia sẻ những giá trị văn hóa của mình, và học hỏi, tôn trọng những giá trị văn hóa của các quốc gia khác.

Chia sẻ việc mới đây, Việt Nam đã trở thành Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, ông Ngọc khẳng định: Chúng ta rất tự hào được tín nhiệm bầu là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 42, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trúng cử vào Ủy ban Di sản Thế giới với số phiếu rất cao. Đây là thành công của Việt Nam trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Đồng thời, đây cũng là minh chứng cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng, triển khai hiệu quả Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước.

“Nhận thức đây là cơ hội tốt để Việt Nam chủ động, tích cực đóng góp thực chất hơn vào quá trình điều hành, định hình các chính sách, quyết định quan trọng của UNESCO, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ đồng bộ triển khai, hiện thực hóa các ý tưởng tận dụng các sáng kiến của UNESCO, cùng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, các di sản và danh hiệu UNESCO khác của Việt Nam”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định.

HOÀNG MAI