Kinh tế

Nâng tầm sản phẩm nông nghiệp bản địa

Nghĩa Văn 09/02/2024 09:13

Những năm trở lại đây, nhiều sản phẩm nông nghiệp tại huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) đã và đang được lựa chọn nhân rộng, phát triển thành sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương này đến năm 2025.

Theo tìm hiểu, chuối lùn bản địa, nếp than, lợn Vân Pa (còn được gọi là lợn mini) là những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng có chất lượng cao tại huyện miền núi Đakrông (tỉnh Quảng Trị).

anh-chuoi-lun-ban-dia.jpg
Chuối lùn bản địa tại huyện Đakrông được đánh giá dẻo thơm, ngọt lành. Ảnh: K.K.S.

Chủ tịch UBND huyện Đakrông Thái Ngọc Châu xác nhận, địa phương đã và đang nhân rộng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp nói trên trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương đến năm 2025.

Theo đó, đến nay, trên địa bàn huyện Đakrông đang có gần 101 hộ sản xuất chuối lùn bản địa với tổng diện tích khoảng 80 ha. Năng suất chuối lùn bản địa đạt 36 tạ/ha, thu nhập bình quân 144 triệu đồng/ha.

Để nâng tầm sản phẩm chuối lùn bản địa, một số địa phương tại huyện Đakrông cũng đã chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển giống cây này, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích và ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, UBND huyện Đakrông cũng đã phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng “Mô hình trồng chuối lùn bản địa” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn năm 2021 - 2025.

Đối với giống lúa nếp than, vụ hè thu 2021, huyện Đakrông đã hỗ trợ người dân xây dựng mô hình trồng giống lúa nếp than thí điểm trên diện tích 0,25 ha cạnh công trình thủy lợi Kỳ Xay, cho năng suất 40 tạ/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình đã mang lại lợi nhuận cho các hộ dân tham gia khoảng 100 - 120 triệu đồng/ha.

Vụ đông xuân 2021 - 2022, xã A Ngo mở rộng diện tích trồng lúa nếp than lên khoảng 7 ha với 37 hộ tham gia. Hiện nay, từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn năm 2021 - 2025, mô hình trồng lúa nếp than tiếp tục được đầu tư, nhân rộng ở các xã, thị trấn của huyện Đakrông theo hướng thâm canh, tăng năng suất. Huyện Đakrông cũng đã phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng “Mô hình trồng lúa nếp than” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn năm 2021 - 2025.

Huyện Đakrông đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Trị, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị về việc cho phép sử dụng tên địa danh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với 2 sản phẩm nói trên. Trong đó, nếp than sẽ sử dụng tên địa danh “Đakrông” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Nếp than Đakrông” và chuối lùn bản địa sẽ sử dụng địa danh “Tà Rụt” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chuối lùn vùng Tà Rụt”.

Về giống lợn Vân Pa, huyện Đakrông định hướng, trong giai đoạn năm 2022 - 2025, sẽ hình thành các cơ sở chăn nuôi lợn Vân Pa nhằm cung cấp con giống cho người dân trên địa bàn huyện. Hiện nay, người dân có xu hướng phát triển chăn nuôi lợn Vân Pa theo hướng gia trại vừa cung cấp con giống, vừa cung cấp thịt đảm bảo chất lượng.

Nghĩa Văn