Xã hội

Cúng rước ông bà ngày 30 Tết ở miền Tây

Nguyên Du 09/02/2024 11:56

Ngày 30 tháng Chạp, giữa bầu không khí tất bật chuẩn bị đón năm mới, nhiều gia đình ở Miền Tây cũng sắp xếp công việc làm mâm cơm tất niên dâng cúng gia tiên.

Cúng rước ông bà ngày Tết không chỉ là phong tục truyền thống mà còn là nét đẹp văn hóa của người Việt. Ý nghĩa của phong tục này thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ của con cháu đối với ông bà tổ tiên cũng như những người đã khuất trong gia đình.

z5148078500095_5009e2f1653d8fb68e0a7c36b4b90202.jpg
Vợ chồng anh Phạm Thành Đông (Tp Bạc Liêu) chuẩn bị mâm cúng rước ông bà ngày 30 tết.

Gia đình anh Phạm Thành Đông, sinh năm 1979, ngụ ở Khóm 3, phường 5, thành phố Bạc Liêu dậy từ rất sớm đi chợ mua đồ về chuẩn bị cho mâm cơm tươm tất cúng đưa ông ngày Tết.

Cho dù cuộc sống có tất bật, bận rộn đến đâu, vào ngày này gia đình anh Thúy cũng chuẩn bị mâm cơm dâng cúng ông bà với những món Nam bộ rất quen thuộc như cơm, thịt kho, đồ xào canh, trái cây. Năm nay gia đình anh làm ăn thuận lợi khấm khá hơn nên có cả vịt luộc.

"Cúng mâm cơm ông bà ngày 30 Tết mong ông bà độ con cháu một năm luôn được bình an, mạnh khỏe, làm thuận lợi, phát đạt”, anh Đông chia sẻ.

z5148004727914_5bc5f66b9d9006aec8bbb653bcd01fe8.jpg
Ông Nguyễn Công Dân thắp nhang khấn vái mong muốn sang năm mới ông bà phù hộ cho gia đình sức khoẻ, may mắn, công việc làm nông thuận lợi hơn.

Cũng như mọi năm, hôm nay, gia đình ông Nguyễn Công Dân ở ấp Tường Thắng B, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long chuẩn bị mâm cơm cúng lên ông bà 30 tết từ sáng sớm. Năm gia đình ông Dân được mùa lúa tốt nên mâm cúng được thịnh soạn hơn hơn những năm trước.

"Dâng mâm cơm cúng ông bà cũng dịp gia đình tôi tạ lễ, hướng lòng tri ân đến đấng sinh thành, tưởng nhớ người thân quá cố", ông Dân chia sẻ.

z5148078476925_5b138438af6da01aa0b4c88dc9b7ddc5.jpg
Mâm cơm cúng ông bà ngày 30 tết của người miền Tây.

Những gia đình có điều kiện khá giả có thể bày thêm nhiều món ngon, vật lạ khác để cúng ông bà, nhưng đối với những gia đình nghèo thì mấm cúng ông bà cũng đơn giản chủ yếu là tấm lòng hướng về những người đã khuất. Nhưng những món truyền thống luôn phải có, cũng là cách để nhớ những món ăn quen thuộc của ông bà xưa như: tôm khô, củ kiệu, cơm với món canh khổ hoặc khổ qua xào...để cầu trong năm mới cái khổ sẽ qua đi…

Theo truyền thống, trong lễ cúng, gia chủ đốt ba nén hương và dâng bốn lạy, nói lên sự tôn kính tối thượng của cháu con dâng ông bà.

Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận cho biết, tục đưa, rước ông bà ăn Tết mang ý nghĩa tâm linh lâu đời của người Việt Nam nói chung và người Nam bộ nói chung. Đó dịp để các thành viên trong gia đình báo cáo trước ông bà Tổ tiên về những việc làm, thành quả lao động trong cả một năm, thành kính báo cáo với các bậc tiền nhân cả chuyện vui, chuyện buồn, việc đi xa, việc làm ăn buôn bán, việc cưới gả con cái...

"Đây đã trở thành phong tục truyền thống tốt đẹp được các thể hệ nối tiếp nhau gìn giữ tỏ lòng biết ơn đối với ông bà tổ tiên, những bậc sinh thành đã có công dưỡng dục và dạy dỗ ta nên người", nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận chia sẻ.

z5147982276503_42d31135646b21b02b9e6a950df49fcd.jpg
Theo quan niệm của người miền Tây, lễ cúng ngày 30 tháng chạp rất quan trọng.

“Con người có tổ có tông như cây có cội như sông có nguồn”. Cúng đưa, rước ông bà, Tổ tiên hay những vị gia thần hiện diện trong nhà như lời nhắc nhở của con cháu giữ lấy truyền thống tốt đẹp dòng họ tổ tiên như: giữ nếp sống thanh bạch, truyền thống hiếu học, chăm chỉ làm ăn, sống lương thiện, không làm chuyện thất đức.

Nguyên Du