Hiểu đúng về “Mùng 3 Tết thầy”
Câu “Mùng 3 Tết thầy” nằm trong thành ngữ “Mùng 1 Tết cha, mùng 3 Tết thầy”, là câu nói cửa miệng, ghi trong sách xưa và được lưu truyền trong dân gian, qua nhiều đời nay của dân tộc ta.
Điều thắc mắc hiển nhiên, mang tính logic của nhiều người là ngày mùng 2 là một trong ba ngày Tết sao lại bỏ trống? mọi người đi chúc Tết hay làm gì? Và câu đầy đủ nói kéo theo cho vần điệu đã xuất hiện gần đây, đó là "Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, Mùng 3 Tết thầy". Đây là một thành ngữ có trong kho tàng văn hóa dân gian, chỉ ra hành vi rất cổ truyền mà độc đáo, đã tạo ra cái huyền diệu của Tết Việt.
Có thể nói, vui Tết, mừng Xuân cùng các lễ nghi trong ba ngày Tết là một sự kiện quan trọng của cộng đồng, một cuộc đại đoàn viên ấm áp và lạ lùng nhất về gia thần, gia tiên, gia đình của người Việt và được tổ chức trọng thể hàng năm. Cũng có thể hiểu đây là bài học về luân lý thể hiện đạo hiếu, uống nước nhớ nguồn, nhắc nhớ lịch trình mỗi người phải làm trong ba ngày Tết nguyên đán. Nhiều học giả nghiên cứu về văn hóa dân gian đã đưa ra cách lý giải và khác nhau và đã được xã hội chấp thuận:
Khi nói "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ" là thừa và vô lý. Nói đến Tết cha là đương nhiên nói đến Tết mẹ vì cha mẹ đều là hai đấng sinh thành của mỗi người. Người cha luôn được coi có vị trí cao nhất trong gia đình “Con không cha như nhà không nóc” và “Công cha như núi Thái Sơn” nên nhớ chúc Tết cha là nét đẹp không thể thiếu. Người mẹ giữ vai trò nội trị với tấm lòng thơm thảo, giữ cho sự yên bình, hạnh phúc gia đình và “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” nên chúng ta phải nhớ chúc Tết mẹ. Ngoài ra, Tết cha cũng hàm ý là con cháu về thăm chúc Tết bên nội, còn Tết mẹ là thăm chúc bên ngoại.
Thăm thầy, Tết thầy khi thầy còn sống và thờ thầy khi thầy đã khuất núi là truyền thống đạo lý của dân tộc. Lớp người già thường răn dạy con cháu “Vua, thầy, cha ấy ba ngôi. Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng”.
Ngày xưa, hầu hết các gia đình không có tiền cho con đi học và cũng không có sẵn trường lớp như bây giờ. Vì thế, gia đình giàu thường mời thầy đến nhà để dạy, giúp con đọc được cái chữ sách thánh hiền. Cặm cụi dùi mài kinh sử mong thi thố, đỗ đạt, mong được ra làm quan giúp đời. Từ bao đời nay, nhân dân ta vẫn truyền nhau câu ca: “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Cái “Yêu thầy” ở đây, được hiểu là kính thầy, trọng sự học chứ không phải biếu thầy thầy của cải hay vật chất có giá trị gì. Do vậy, dân ta trọng thầy cũng là trọng nghề dạy học.
Trong xã hội xưa, người thầy, được coi là thần tượng thiêng liêng cho sự học tập, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách, là tấm gương sáng để học trò học tập, noi theo, ước thành người có đức, có nhân cách, có tài để đứng ra giúp dân, giúp nước. Biết hành động, lời nói và cách hành xử cuộc sống chuẩn mực để trò xem Thầy như kiểu mẫu sống trong đời. “Quân - Sư - Phụ” là ba vị vị trí đặc biệt thì người thầy chỉ đứng sau Vua, người được xã hội, nhân dân đặc biệt coi trọng và tôn vinh, là người được gửi gắm niềm tin để giúp con trẻ thành tài và mang lại sự phồn thịnh cho đất nước. Có nhiều câu tục ngữ, ca dao xưa mang ý nghĩa răn dạy con người về vị trí cao sang, không thể thiếu được của người thầy, của nghề “gõ đầu trẻ”: “Không thầy đố mày làm nên”, “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”. Truyền thống của cha ông ta bắt nguồn từ thủa xa xưa cũng đã đề cao vai trò của người thầy, của nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Tuy sống còn đạm bạc, nhưng các thầy đồ xưa lại có tấm lòng thanh cao, không vẩn đục thói hư, tật xấu cuộc đời.
Tất cả những điều chúng ta nhắc lại ở đây đều xuất phát từ sự ngưỡng mộ, trọng kính của mọi người, của các bậc làm cha mẹ có con được học thầy cũng như chưa từng được thầy dạy. Truyền thống cúng tế Thầy khi Thầy mất và giúp đỡ Thầy trong đời thường là một trong những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, được nhiều thế hệ người Việt trân quý. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, đã thành thông lệ cứ vào mùng 3 Tết, trò và cả gia đình trò, quần áo chỉnh tề cung kính tới lễ Thầy, chi ân Thầy với lòng biết ơn vô hạn. Xã hội và người đời đã trao cho nghề dạy học, cho các thế hệ các nhà giáo có tài đức vẹn toàn một đặc ân và một “uy tín” xứng đáng, giúp cho người thầy có động lực để sớm khuya mà khai tâm, mở trí cho lớp trẻ của quê hương đất nước. Như vậy, từ xưa tới nay “uy tín” hay “quyền uy” là một danh từ chỉ sự kính phục, sự tín nhiệm và là giá trị tốt đẹp của xã hội dành cho nghề dạy học và cho mỗi người thầy.
Ngày nay quan niệm về người thầy đã có những thay đổi theo đà của sự phát triển xã hội. Thầy ngày nay được trả công dạy bằng lương của nhà nước hay của phụ huynh đóng góp, khác thầy đồ xưa chỉ được trả công vào dịp Tết thầy. Thầy không phải là nguồn kiến thức duy nhất do thầy trao cho trò. Người học sẽ tìm được nguồn kiến thức vô cùng tận trong thư viện sách hay trong không gian mạng. Do đó, “Tết thầy mùng 3” đã được mở rộng ra là “Tết của sự biết ơn” về những ân nhân của mỗi người, nó là sự nối dài từ truyền thống từ xa xưa tới ngày nay và luôn là bài học cái lẽ ở đời cho tất cả những ai có dòng máu “con Lạc cháu Hồng”.
Tết Thầy vào ngày Mùng 3 Tết là một hành vi đặc trưng văn hóa điển hình của Tết Nguyên đán là nếp sống cộng đồng của cả dân tộc, nên nó không thể mất đi, như không thể mất được văn hóa Việt.
Thiết nghĩ, giáo dục phải phát triển theo quy luật tiến hóa, tức là phải có sự kế thừa mà không thể cắt bỏ quá khứ tất cả, như kiểu làm cách mạng. Giáo dục phải tìm ra phương cách tư duy tốt nhất để thay đổi giữa cái truyền thống và hiện đại, giữa xã hội Việt Nam thuần nông với tập tùng ngàn đời và phát triển đất nước với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cái gì của quá khứ cần thêm thắt, buông bỏ hay duy trì, đó là chuyện bình thường trong giáo dục và của xã hội Việt Nam thời công nghệ 4.0 hay 5.0.
Truyền thống hiếu học, kính trọng người thầy. Sống yêu thương, độ lượng, có nghĩa có tình như lời thầy dạy. Đó là những giá trị nhân văn sâu sắc được sinh dưỡng qua bao đời, là sức mạnh cội nguồn giúp đất nước phát triển. Hiểu sâu rộng “Mùng 3 Tết thầy”, đó là sự biết ơn, trả nghĩa cho thầy, là tăng sức mạnh cội nguồn truyền thống dân tộc. Thật cảm động, một Hội các cựu học sinh nay đã trưởng thành là những Bác sĩ giỏi liên kết nhau lại chỉ để làm một nghĩa cử cao đẹp là để thăm khám chữa bệnh cho các thầy cô. Một câu nói thật giản dị mà sao khiến các thầy cô đã có tuổi, cảm động rưng rưng: “Chúng em trả ơn thầy cô, cần nhất là chăm lo sức khỏe thầy cô khi không may tuổi già có bệnh”. Đây thực sự là một ví dụ mang ý nghĩa nhân văn và giá trị sống về “mùng 3 Tết thầy” thời hiện tại.
“Mùng 3 Tết thầy” là nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc. Một cách nói lấp láy khác đi của thành ngữ này là “Mùng 3 là Tết của Sự biết ơn”. Hiểu như vậy ta sẽ định hướng và biết cách nối dài giá trị truyền thống từ xa xưa vào thực tế xã hội ngày nay. Hãy dạy cho lớp trẻ nhớ ghi “4 đại ơn” trong hành trang cuộc đời mỗi người: Biết ơn cha mẹ dưỡng dục sinh thành. Thầy cô đã dạy bảo mình, cho mình tri thức. Người chỉ dẫn khi ta lúng túng tìm đường đi và ơn những ai giúp mình lúc khó khăn và hoạn nạn. Biết ơn là một trong những phẩm chất tốt nhất mà con người có thể có. Nó giúp chúng ta đánh giá cao những điều mình đang có và còn trân trọng những nỗ lực hay thành công của người khác. Việc có lòng biết ơn còn giúp ta hành xử đúng mực và mang lại hạnh phúc cho chính mình. Hãy biết ơn mà từ đó biết trân trọng cái mình có được hôm nay. “Cha mẹ là người đã đưa ta vào cuộc đời, nuôi dưỡng ta lớn lên và dạy ta giá trị sống quý báu. Ta sẽ biết ơn Người suốt đời”. “Hãy biết ơn những người đã giúp đỡ bạn khi bạn cần họ nhất”
Dạy lòng biết ơn cho học sinh là một trong nội dung cơ bản của xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” do tổ chức UNESCO khởi xướng. Hạnh phúc của mỗi người là biết sống buông bỏ quá khứ và sống với biết ơn. “Sự biết ơn là chìa khóa của hạnh phúc” và “Hạnh phúc của cuộc sống không phải những gì mình đang có mà ở những gì bạn biết ơn”.
Cuộc sống với “Mùng 3 Tết thầy” sẽ không mai một, mất đi và ngày một sáng đẹp với tất cả những ai luôn sống vì sự biết ơn và mong có được hạnh phúc đong đầy.