Khai mỏ vàng xanh
Nằm lọt thỏm giữa bình nguyên rộng lớn, từng bản làng thuộc dãy Pù Luông hùng vĩ trở thành địa chỉ đỏ đối với du khách trong và ngoài nước. Sức sống mãnh liệt của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, những giá trị văn hóa thuần khiết do cư dân bản địa dày công chắt chiu là mạch nguồn xúc cảm bất tận đối với những tâm hồn ưa xê dịch, khám phá.
Đánh thức một vùng đất
Sau hơn 5 năm, tôi mới quay lại Pù Luông vào một ngày cuối năm Quý Mão. Không thể ngờ được, vùng đất vốn hoang sơ khi xưa, mỗi lần muốn ngược Cao Sơn, chúng tôi chỉ có cách cưỡi xe máy, cài số hai, ì ạch vượt qua từng con dốc cao vút, gồ ghề đá núi thì nay thay vào đó là những tuyến đường thảm nhựa phẳng lì. Khung cảnh hoang vu cách đây chưa xa, nay thay vào là vô số các khu du lịch mới kiến thiết, bài trí đẹp mắt.
Bên cạnh đó, có hàng trăm homestay của bà con dân bản, tấp nập khách vào ra, giúp cho cuộc sống của đồng bào thay da, đổi thịt từng ngày.
Khi đêm về, từng nếp nhà sàn ẩn mình dưới tán rừng trở nên lung linh, huyền ảo đến mê mẩn lòng người. Tôi có cảm giác, cả dãy Pù Luông đẹp như một thành phố đồng quê nào đó của nước Pháp. Ông Lò Văn Năm, trú bản Kho Mường, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) chia sẻ: Nhìn từ trên cao, Kho Mường hiện ra với vẻ đẹp đơn sơ, bình dị của những xóm nhà sàn nằm sát chân núi, mang lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Và hơn thế, Pù Luông trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách, bởi cảnh sắc nơi này tạo cho con người cảm giác yên bình.
Bao quanh bản làng là khung cảnh hùng vĩ của núi rừng bát ngát, ruộng bậc thang, vào mỗi mùa lúa chín vàng óng ả lẫn trong lớp sương sớm tràn sát mặt đất đẹp như bức tranh thủy mặc.
Bên cạnh đó là những dòng suối, con thác còn nguyên vẹn từ thuở hồng hoang, sự đa dạng sinh học của khu bảo tồn thiên nhiên cùng giá trị văn hóa của các dân tộc Thái, Mường chắt chiu, gìn giữ từ bao đời nay. Khi mùa xuân về, những thân đào cổ thụ, rừng mơ cổ thụ năm qua lại đua nhau đơm hoa trên các lèn đá, tô điểm cho cảnh sắc khiến lòng người càng trở nên mộng mị.
Không chỉ tận dụng tối đa giá trị của thiên nhiên ban tặng, người dân sống trong vùng lõi Pù Luông còn biết phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tạo dấu ấn níu chân du khách muốn quay trở lại nhiều lần. Đó còn là những căn nhà sàn truyền thống được làm từ gỗ pơ mu, thoáng mát khi hè về, ấm áp khi đông đến.
Ông Năm nhớ lại: “Tôi lớn lên, nghe cha, ông kể rằng, lịch sử hình thành Kho Mường bắt đầu khi có một nhóm thợ sơn chàng tới đây, bị thu hút bởi vẻ đẹp của những thung lũng xanh tươi đầy nước được cung cấp từ một hệ thống suối rộng lớn, sau đó họ chuyển cả gia đình đến định cư. Tên bản Kho Mường bắt nguồn từ câu chuyện thần thoại như vậy”.
Mong ước kết nối cộng đồng
Tôi ghé thăm khuôn viên rộng khoảng 3.000m² của gia đình anh Hà Văn Thược nằm giữa bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước. Thược nhớ lại: Những du khách đầu tiên đến Pù Luông, họ rất thích khi được đưa đi ngắm biển mây, khám phá sắc thái văn hóa bản địa, đi thăm thác nước, ruộng bậc thang. Nhiều du khách khi về vẫn liên lạc qua điện thoại, mạng xã hội để cảm ơn tình cảm và sự mến khách của người dân bản địa, thậm chí họ còn kết nối với bạn bè, mang quà tết lên tặng trẻ em nghèo vùng cao.
Ông Ngọ Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: “Ngày 29/11/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Pù Luông”, trên diện tích gần 17.000 ha. Nguồn kinh phí thực hiện đề án dự kiến khoảng hơn 182 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2025 đón khoảng 15.800 lượt khách, doanh thu đạt 12,6 tỷ đồng; năm 2030 đón khoảng 27.000 lượt khách, doanh thu đạt 33 tỷ đồng”.
Thược cho rằng, nguyên nhân khiến Pù Luông hút du khách, ngoài cảnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng còn là văn hóa. Văn hóa ở đây không có gì cao siêu mà chính là cuộc sống của đồng bào diễn ra hàng ngày như: Chợ phiên, nếp nhà, các lễ hội. Chính vì hiểu điều đó, anh Thược cũng như nhiều người dân khác thường xuyên đăng lên trang cá nhân của mình những hình ảnh về Pù Luông, các câu chuyện về phong tục, tập quán của người dân địa phương... Mùa lúa thì cập nhật từ khi đổ nước đến bao ngày nữa thì lúa sẽ chín vàng. Mùa mây thì đăng tải clip biển mây bồng bềnh tà tà xuống áp sát từng thửa ruộng, khiến người xem cảm thấy rất thú vị.
Ước mơ của Thược không chỉ là xây dựng, phát triển kinh tế của gia đình mình, mà còn mong muốn giúp đồng bào nơi đây liên kết để phát triển du lịch, cuộc sống ngày càng ấm no hơn. Vì thế, anh và nhiều chủ homestay khác đang có kế hoạch thành lập một câu lạc bộ các homestay ở Pù Luông để dần chuyên nghiệp hơn trong phục vụ khách.
Câu lạc bộ sẽ là nơi trao đổi và hỗ trợ nhau. Cụ thể, nhà này hết phòng có thể giới thiệu khách sang nhà khác. Hoặc cùng kết hợp để tổ chức các tour văn hóa truyền thống phục vụ khách mà không cần đợi đến mùa lễ hội.
Anh Thược tâm sự: “Tôi thấy phát triển du lịch văn hóa mà cứ mạnh ai nấy làm, ganh đua, cạnh tranh nhau thì không đúng. Văn hóa thuộc về cộng đồng chứ không phải của cá nhân nào cả. Vì thế, làm du lịch cũng phải đoàn kết với nhau chứ không nên cạnh tranh”.
Ông Lò Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: “Với lợi thế thiên nhiên sẵn có, Pù Luông đang tập trung khai thác, chào bán các sản phẩm nghỉ dưỡng vùng núi, du lịch sinh thái, cộng đồng và hình thành một số sản phẩm mới như: Tuyến du lịch sông Mã, lòng hồ thủy điện Bá Thước II, du lịch mạo hiểm khám phá hang động, thăm đỉnh Pù Luông, đi bộ xuyên rừng... Hy vọng, tương lai gần, địa danh Pù Luông sẽ có trên bản đồ du lịch toàn cầu, là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế bởi vẻ đẹp của thiên nhiên cùng người dân thân thiện, hiếu khách.
Xóa quan điểm du lịch mùa vụ
Những năm gần đây, Thanh Hóa chú trọng liên kết phát triển du lịch, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm mới thu hút du khách. Nhờ đó, việc kết nối liên địa phương, liên vùng miền tạo ra không gian phát triển mới, kéo theo nhiều du khách về với xứ Thanh.
“Ngay sau khi kết thúc mùa cao điểm du lịch biển, những tháng cuối năm, tại Thanh Hóa có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch sôi động, hấp dẫn được tổ chức như: Liên hoan đặc sản xứ Thanh tại TP Sầm Sơn; Giải Marathon băng rừng Việt Nam tại Pù Luông...”, bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết.
Sự khác biệt giữa mùa du lịch cao điểm và mùa du lịch thấp điểm ở Thanh Hóa đang dần được xóa nhòa, do nhu cầu du lịch của khách đã có sự thay đổi.
Mùa thấp điểm tại Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa lại là mùa cao điểm của khách du lịch nói chung và khách du lịch quốc tế nói riêng tại Pù Luông (Bá Thước), bản Bút (Quan Hóa), Trí Nang (Lang Chánh). Các sản phẩm du lịch của Thanh Hóa được hình thành rõ nét, phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự, đánh dấu bước đột phá mới. Sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng miền núi đang trở thành thế mạnh, được đông đảo khách du lịch biết đến...