Nhà báo Thái Duy, một cuộc đời làm báo đặc biệt
Năm 2023, ở tuổi 97, nhà báo Thái Duy đón nhận 2 sự kiện đặc biệt. Ông được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và Bảo tàng Báo chí Việt Nam chiếu ra mắt bộ phim “Thái Duy: Sống và viết”. Một đời làm báo chỉ làm ở một tờ báo duy nhất là tờ báo Mặt trận, chỉ với một danh xưng duy nhất là phóng viên, ông nói trong buổi tọa đàm ra mắt bộ phim rằng: “Chỉ làm phóng viên, với tôi là sung sướng lắm rồi”.
Nhà thơ Hữu Việt, trong buổi tọa đàm ra mắt bộ phim về nhà báo Thái Duy, kể rằng: “Có lần tôi hỏi ông vì sao sau thành công vang dội của cuốn “Sống như Anh” ông không tiếp tục viết văn mà chỉ đi làm báo. Ông đã trả lời: Tôi mà viết văn thì dân khổ”.
Câu trả lời ấy gói gọn hết ý nghĩa cuộc đời làm báo của ông. Một đời làm báo đồng hành cùng cách mạng, cùng dân tộc và chỉ viết vì dân, vì sự thật. Một người làm báo suốt đời chỉ làm phóng viên nhưng từng được cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông tiếp.
Cả cuộc đời, người mà Thái Duy mong muốn bảo vệ nhất, mong họ có cuộc sống tốt hơn, muốn những nhà lãnh đạo đất nước lắng nghe họ nhất, đấy là nhân dân.
Nhà báo Thái Duy luôn luôn nói: "Nhân dân là vĩ đại nhất, không có dân là không có gì đâu, không có Đổi mới...".
Nhà báo Thái Duy đã có hàng trăm bài báo như “Một cuộc cách mạng”, “Ngọn gió Hải Phòng”, “Phá thế độc canh ở Thái Bình”, “Cơ chế mới, con người mới”, “Khoán chui hay là chết”… Những bài báo đó đã góp phần tạo nên một cuộc cách mạng trong nông nghiệp đi từ Chỉ thị 100 đến Khoán 10. Sau này được tập hợp in thành sách “Khoán chui hay là chết” (NXB Trẻ, 2013) - một thành tựu rực rỡ trong sự nghiệp làm báo của nhà báo Thái Duy, mà đúng như ông nói, nếu sau “Sống như Anh” ông đi theo con đường văn chương thì dân khổ. Ông, bằng sự nghiệp làm báo vẻ vang của mình, đã góp phần giúp dân bớt khổ.
Đánh giá về đóng góp của nhà báo Thái Duy, nhà báo Hữu Thọ viết: “Cuộc đấu tranh cho chủ trương khoán sản phẩm ra đời rất quyết liệt, không chỉ quyết liệt ở cơ sở mà quyết liệt cả từ những người và cơ quan cấp cao, không chỉ trong nội bộ mà cả với ý kiến có gang có thép của một số cố vấn của Liên Xô...
…Các bạn đồng nghiệp cùng chung lưng đấu cật trong cuộc đấu tranh này như Thái Duy, Lê Điền ở Báo Đại Đoàn Kết, Hồng Giao ở Tạp chí Học tập, Đình Cao ở Thông tấn xã, Đắc Hữu ở Báo Hà Sơn Bình... và những đồng chí hết lòng ủng hộ sự nghiệp đổi mới nông nghiệp, ủng hộ nhà báo như các anh Nguyễn Khánh, Minh Chương, Trần Đức Nguyên ở Văn phòng Trung ương... trong đó theo tôi thì nhà báo hăng hái xông pha trận mạc, viết nhiều nhất trong số chúng tôi chính là Thái Duy”. (Chui ra chỗ sáng - Báo Nhân Dân số ra ngày 22/4/2013)
Năm 1960, thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cần có một tờ báo làm cơ quan ngôn luận. Báo Cứu Quốc ở miền Bắc đã cử Tổng Biên tập Trần Phong (bí danh Kỳ Phương) đi đường biển theo đoàn tàu không số; hai nhà báo Tống Đức Thắng (bí danh Tâm Trí) và Thái Duy (bí danh Trần Đình Vân) lội bộ vượt Trường Sơn 3 tháng ròng vào Tây Ninh cùng một số đồng chí Nam bộ sáng lập Báo Giải Phóng.
Tháng 3/1965, Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức tại căn cứ Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Chị Phan Thị Quyên, vợ Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, lúc này đã tham gia biệt động, là đại biểu. Nhà báo Thái Duy được giao nhiệm vụ gặp và ghi chép lại những chuyện kể của chị Quyên về anh Trỗi, hạn trong 15 ngày phải xong. Bản thảo được một phóng viên Liên Xô (trước kia) mang ngay ra miền Bắc, qua đường hàng không từ Phnôm Pênh, tới Bác Hồ, được Bác khen ngợi, chỉ đạo in thành sách. Từ cái tên ban đầu là “Những lần gặp gỡ cuối cùng”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đổi tên thành “Sống như Anh”, đăng nhiều kỳ trên các báo và xuất bản lần đầu ở NXB Văn học tháng 7/1965, với 302 nghìn bản. Sau đó được tái bản liên tục, lên tới hàng triệu bản.
Nhà báo Kim Toàn - nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Phòng, người từng làm việc với nhà báo Thái Duy ở Báo Giải Phóng, kể: Để chuyển vào cơ sở Thành Đoàn Sài Gòn bí mật rồi nhân bản phát tới các thanh niên năm 1968 thì "Sống như Anh" đã phải chui trong ruột một chiếc bánh chưng.
Năm 1990, tham gia một chuyến đi công tác xuyên Việt vào TPHCM cùng Tổng Biên tập Ngọc Thạch của Báo Đại Đoàn Kết, ông Thái Duy đã lẳng lặng tìm gặp các chiến sĩ là cựu tử tù, có người sống ở TPHCM, có người sống ở các tỉnh.
Ông đau đáu khi thấy các chiến sĩ từng là tử tù nhiều người có cuộc sống vô cùng khó khăn. Sau chuyến đi, loạt bài "Chuyện những người tử tù" đăng trên Đại Đoàn Kết đã gây ra hiệu ứng xã hội rất lớn lúc bấy giờ...
***
Trong nhiều năm qua, tôi là người được phỏng vấn ông nhiều lần, viết nhiều bài báo về ông. Đến Tết này khi được được phân công viết bài về ông, nhìn lại năm qua, tôi là người cảm thấy rất vui vì cuối cùng bộ phim “Thái Duy: Sống và viết” làm về cuộc đời nhà báo Thái Duy đã được hoàn thành khi ông vẫn còn đủ sức khỏe để đến tận Bảo tàng Báo chí dự lễ ra mắt bộ phim. Ông là một cuộc đời xứng đáng được ca ngợi.
Nhà báo Thái Duy (tên thật là Trần Duy Tấn, còn có bút danh khác: Trần Đình Vân) sinh năm 1926 tại Bắc Giang. Ông làm Báo Cứu Quốc từ năm 1949.
Nhà báo Thái Duy được kết nạp Đảng năm 1950 tại chi bộ Báo Cứu Quốc (Đại Đoàn Kết ngày nay) ở chiến khu Việt Bắc, ngay trước khi tham gia Chiến dịch Biên giới.
Đầu năm 1964, ông đi B vào Nam, cùng Tổng biên tập Trần Phong và nhà báo Tâm Trí thành lập Báo Giải Phóng.
Ngày 4/2/1977, 3 tổ chức Mặt trận được thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng được sáp nhập thành Báo Đại Đoàn Kết. Nhà báo Thái Duy tiếp tục làm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đến khi nghỉ hưu (1995).
Ông là một trong 7 nhà báo lão thành được tôn vinh tại Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu” năm 2020.