Du lịch

Nghĩ từ những đỉnh núi

NGUYỄN XUÂN THỦY 14/02/2024 08:22

Nhiều người trẻ đã lựa chọn leo núi với đam mê chinh phục những đỉnh trời như một triết lý sống. Điều gì khiến những đỉnh núi cao bốn mùa mây phủ ngày càng hút chân lữ khách đến thế?

nghi-1.jpg
Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Rủ nhau đi “test nhân phẩm”

Săn mây ngày nay đã là một cụm từ khá quen thuộc trong giới trẻ. Từ những ngọn núi trên 1.000 m đã có thể có mây, thậm chí mây cực đẹp. Thiên đường mây Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La) là một ví dụ.

Dân phượt có một hình tượng để ví von cho độ may mắn gặp được mây trong chuyến đi dài, đó là “test nhân phẩm”. Nhân phẩm tốt thì gặp mây lộng lẫy, được “sống ảo” 360 độ, tạo dáng các kiểu; nhân phẩm không tốt thì gặp mưa, trời mù, ẩm thấp ướt át.

Săn mây cũng là lý do để trở lại một điểm đến nào đó mà lần trước họ chưa có hạnh ngộ. Một cô gái từ Hà Đông (Hà Nội) đi cùng chồng đã nói với tôi bên biển mây Tà Xùa, em lên đây lần này là lần thứ 5 và lần này mới gặp được mây. Cả cô và chồng đều “nghiện” săn mây, cộng với vài ba “đồng nghiện” khác, sẵn có xe ô tô, cứ nghe trên diễn đàn báo tín hiệu tốt là họ rủ nhau lên đường, nhưng phải đến lần thứ 5 lên Tà Xùa mới đạt mục tiêu. Từ chỗ chỉ dành cho giới trẻ rảnh rang thì nay biên độ tuổi của các “thợ săn” đã mở rộng đến cả nam phụ lão ấu.

Nếu bạn đứng trước thiên đường mây Tà Xùa hay tiên cảnh lộng lẫy của núi Muối trên Bạch Mộc Lương Tử trước một bình minh thì bạn sẽ hiểu lý do vì sao dân phượt lại chịu đánh đổi để được hòa mình vào tiên cảnh này.

Bên cạnh đó, vô số thứ trên các đỉnh núi có sức hấp dẫn với những người yêu thiên nhiên và cái đẹp. Những ngọn thác, những dòng suối, những loài hoa lạ, những mảng rêu đều là những tuyệt tác của tạo hóa lưu giữ nơi núi cao. Trước mùa lúa chín dưới các thung lũng, mùa lá phong trên núi chín đỏ, mùa hoa đỗ quyên nở… tất cả đều có một sức hút tuyệt đối đối với những người đam mê leo núi.

nghi-10.jpg
Chinh phục đỉnh Tà Chí Nhù. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Đánh thức những ngọn núi

Những đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử, Putaleng, Nhìu Cồ San, Tà Chì Nhù, Khang Su Văn, Nam Kang Hồ Tào, Lảo Thẩn, Ngũ Chỉ Sơn, Tả Liên Sơn… được đưa vào danh sách cần phải đến của rất nhiều người. Vào các dịp lễ tết được nghỉ dài trong năm, đặc biệt là vào mùa leo núi, những đoàn lữ khách chen chân ngược nắng ngược gió chinh phục các ngọn núi. Tắc đường lên núi ngày nay đã là chuyện có thể xảy ra.

Lai Châu là “thủ đô” của những ngọn núi khi nắm giữ 6/10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Tiềm năng phát triển nguồn thu cho du lịch từ loại hình chinh phục các ngọn núi đang được tỉnh này chú trọng đầu tư, quảng bá khai thác.

Sát đó, Lào Cai với lợi thế nắm giữ nóc nhà Đông Dương Fansipan cùng với kinh nghiệm làm du lịch lâu năm luôn nằm trong lựa chọn hàng đầu của dân trekking (leo núi) vì những tiện ích và bề dày thương hiệu. Bạch Mộc Lương Tử, Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San luôn ở hàng top của dân mê chinh phục độ cao bằng đôi chân lựa chọn để bắt đầu.

Nhiều đỉnh núi nằm ở giữa hai tỉnh đều được nhấn mạnh ưu thế ở mỗi cung leo khác nhau, như Tà Chì Nhù nằm giữa Yên Bái và Sơn La, phía Yên Bái ra sức gắn đỉnh núi này với đặc sản hoa Chi pâu và nghỉ ngơi tắm khoáng nóng Trạm Tấu ở lối lên xã Xà Hồ; trong khi đó phía Sơn La lại nhấn mạnh cung leo ở hướng Nậm Nghiệp của tỉnh này với cung đường hoa Sơn Tra nở rộ mỗi khi mùa đông đến. Nam Kang Hồ Tào giữa Lào Cai và Lai Châu cũng vậy. Nhiều du khách đã chọn giải pháp dung hòa khi lên ở tỉnh này, xuống ở tỉnh kia để tăng trải nghiệm.

Và có lẽ không cần quá đề cao sự cạnh tranh giữa các địa phương, thay vào đó cần có sự tương hỗ giữa các vùng lân cận cũng như chuyên sâu hóa đội ngũ porter (người khuân vác) gắn với những cung leo nhất định, bởi với dân nghiện leo núi, chỉ là sự sắp xếp lần lượt có khác biệt, nhưng ít khi họ leo lại đỉnh đã chinh phục, sau đỉnh này sẽ là đỉnh kia, chỉ là khác nhau về thứ tự mà thôi nên là cơ hội chia đều cho các đỉnh núi. Nếu ở trong hàng top, ngọn núi nào rồi cũng sẽ đến lượt được chinh phục.

nghi-9b.jpg
Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Lý do để hy vọng

Gần đây một số cơ sở của người bản địa đã hình thành và phát triển đúng hướng, được sự quan tâm, chuyển giao kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ năng thiết thực từ các tổ chức đã đem lại sinh kế mới cho đồng bào. Một số thanh niên người dân tộc thiểu số sau khi học xong đại học đã trở về quê hương lập nghiệp. A Su Homestay của chàng trai Thào A Su ở bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Căng Chải, Yên Bái cũng là điểm sáng về du lịch cộng đồng tại địa phương. Sự táo bạo dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với khó khăn để khởi nghiệp và kiên trì trụ vững để thành công của một số thanh niên bản địa là những điểm rất đáng mừng ở miền núi, vùng sâu vùng xa hiện nay.

Tầm nhìn của địa phương với du lịch cũng là điều đáng ghi nhận. Anh Khang A Chua, một cán bộ trẻ của huyện Trạm Tấu, Yên Bái đã tìm tòi đưa sản vật du lịch địa phương đi xa. Với hai thế mạnh là khoáng nóng và núi cao, Trạm Tấu đã ấn định phương hướng phát triển du lịch theo hướng “ấm áp suối nguồn, bát ngát biển mây”. Năm 2023, UBND huyện Trạm Tấu phối hợp tổ chức giải leo núi “Bước chân trên mây” chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù như một sự đánh thức tiềm năng, kích cầu thu hút khách du lịch đến với Trạm Tấu, kết hợp săn mây và ngắm hoa Chi pâu. Sau sự kiện, số lượng tour đăng ký lên Tà Chì Nhù đã tăng đột biến.

Năm 2023, tỉnh Sơn La cũng đã tổ chức đoàn khảo sát đỉnh Pha Luông để chuẩn bị cho việc lập dự án cáp treo lên “nóc nhà Mộc Châu” gắn với tour lịch sử truyền thống Tây Tiến và bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng.

Như vậy, leo núi đã là hoạt động rơi vào tầm ngắm của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cũng như các cơ quan quản lí phát triển du lịch địa phương để đánh thức tiềm năng của núi. Những nhìn nhận trên là chỉ dấu khá rõ cho sự thức giấc của núi rừng Việt Nam gắn với ngành công nghiệp không khói trong thời gian tới.

NGUYỄN XUÂN THỦY