Du lịch

Khi buôn làng trở thành điểm du lịch

THANH NGA 14/02/2024 07:16

Du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thời gian qua đã có sự phát triển tích cực, nhiều buôn làng đã và đang trở thành điểm nhấn về du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm.

anh-1.jpg
Khung cảnh bình yên của buôn Akô Dhông (TP Buôn Ma Thuột).

Người trong buôn vui lắm

Buôn Akô Dhông (TP Buôn Ma Thuột), buôn du lịch cộng đồng đầu tiên của Đắk Lắk, được ra mắt vào tháng 3/2023. Từ trước khi trở thành buôn du lịch cộng đồng, Akô Dhông đã được xem là một trong những buôn đẹp nhất thành phố với khung cảnh đậm chất Tây Nguyên. Từ những nếp nhà dài trầm mặc, chen giữa cỏ cây hoa lá muôn sắc, đến những con đường uốn lượn xanh mát...

Từ những vị khách đầu tiên tìm đến buôn Akô Dhông trải nghiệm người dân còn khá bỡ ngỡ thì đến nay, sau 1 năm đi vào hoạt động chính thức, buôn Akô Dhông đã thực sự đổi khác. Những con đường luôn được giữ sạch sẽ, mỗi cư dân trong buôn, kể cả những người nơi khác đến để kinh doanh luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường; cửa hàng kinh doanh đặc sản xuất hiện nhiều hơn; những sản phẩm du lịch luôn được các đơn vị kinh doanh, các hộ làm du lịch làm mới, thay đổi…, mang đến những trải nghiệm thú vị nhất cho du khách.

Anh Y Wôn Knul, một nghệ nhân trẻ của buôn chia sẻ, từ khi tỉnh có chủ trương chọn nơi đây làm buôn du lịch, thì chúng tôi đã ý thức giữ gìn truyền thống của dân tộc, của gia đình; giữ ngôi nhà sàn, giữ cách nấu rượu cần, đánh chiêng… Đến nay, nhóm nghệ nhân trong buôn đã ngồi với nhau nhiều hơn để cùng tập luyện; sự hài lòng của du khách chính là thước đo để người dân cùng cố gắng.

Còn chị H’Min Niê, một người con của buôn làng cũng vui mừng bày tỏ rằng, từ việc xem nghề dệt là nghề phụ, nay nhiều chị em đã dành thời gian và trau chuốt hơn cho nghề. Không chỉ dệt thành những tấm vải đẹp, đậm văn hóa truyền thống, chị Min còn tận dụng thế mạnh này để cùng phát triển du lịch với buôn, bằng việc thường xuyên kết hợp với các công ty du lịch tham gia các chương trình trải nghiệm như dệt vải, bán các sản phẩm từ dệt, không chỉ nâng cao thu nhập mà còn lan tỏa việc gìn giữ nghề truyền thống.

Nhìn thành quả của buôn Akô Dhông, anh Y Wer Ktul - Trưởng buôn Tuôr, xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột) không giấu được sự ngưỡng mộ, bởi cũng từ nền tảng văn hóa, nhưng người dân nơi đây đã biết phát huy giá trị truyền thống của dân tộc mình để phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương và lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng.

anh2.jpg
Du khách chụp hình cùng phụ nữ buôn Akô Dhông (TP Buôn Ma Thuột).

Lối mở cho du lịch cộng đồng

Đến nay, ngoài buôn Akô Dhông thì còn có 15 thôn, buôn khác trên địa bàn tỉnh được quy hoạch trở thành buôn, điểm du lịch cộng đồng. Để trở thành một điểm du lịch được nhiều người yêu thích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe hơn của du khách, những năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định về cơ chế, chính sách để trợ lực du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng. Điển hình như việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, ngành du lịch Đắk Lắk cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho những hộ gia đình, đơn vị kinh doanh du lịch tại các địa phương về kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khách du lịch tham quan các làng nghề, nghề truyền thống và sản phẩm OCOP…

Hay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thiện hồ sơ dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) và buôn Jun (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) (Dự án).

Trong đó, buôn Tơng Jú được đánh giá khá cao, nơi đây còn giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của người Ê Đê từ những nếp nhà sàn, những nghi lễ truyền thống cho đến ẩm thực vô cùng phong phú.

anh-4.jpg
Du khách nước ngoài trải nghiệm Lễ chúc sức khỏe của người Ê Đê ở buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột).

Ngoài ra, nơi này đã có homestay, có hợp tác xã thổ cẩm Tơng Bông, kết hợp làm du lịch; có đội cồng chiêng, đội múa, sẵn sàng phục vụ du khách trong những đêm lửa trại. Nhiều năm qua, du khách đến nơi đây cảm thấy vô cùng hào hứng khi được trải nghiệm làm nông dân, học dệt thổ cẩm, học ủ và nấu rượu cần…

Và với Dự án, buôn sẽ được trang bị nhạc cụ, đạo cụ biểu diễn bằng tre nứa, cấp trang phục truyền thống, hỗ trợ kinh phí mua sắm máy vi tính, bàn ghế đặt máy vi tính và trang thông tin điện tử du lịch, lắp đặt nhà vệ sinh, hệ thống thu gom, xử lý rác thải, cải tạo cảnh quan môi trường… cùng nhiều hạng mục khác. Điều này đã cổ vũ tinh thần người dân trong buôn, nhất là những hộ gia đình tham gia mô hình du lịch cộng đồng.

anh-3.jpg
Chị H’Min Niê (trái) giới thiệu về thổ cẩm Ê Đê truyền thống cho du khách.

Bà H’Yam Bkrông - Trưởng nhóm du lịch cộng đồng buôn Tơng Jú tâm sự rằng, khi chính thức được chọn để đầu tư làm điểm du lịch, bà con ai nấy đều vui mừng, hồ hởi tham gia. Còn chị HJi Bkrông, sau một chuyến đi trải nghiệm thực tế du lịch cộng đồng tại các tỉnh phía Bắc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức cũng đã tích luỹ được nhiều kiến thức, kinh nghiệm để xây dựng du lịch cộng đồng tại dia phương mình.

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tin rằng những chính sách hỗ trợ đã tạo ra “làn gió mới” cho các làng du lịch cộng đồng. Qua thực tế cho thấy bước đầu có hiệu quả trong việc mở rộng không gian du lịch, thu hút du khách, quy tụ nhiều thành phần kinh tế tham gia, vai trò chủ thể của người dân ngày càng được đề cao. Hy vọng, cùng với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, sẽ ngày càng có nhiều buôn du lịch cộng đồng đặc sắc, hấp dẫn trên địa bàn ra đời, nâng cao sinh kế cho người dân và đưa du lịch Đắk Lắk ngày càng phát triển bền vững.

THANH NGA