Mặt trận

Nhớ Báo Giải Phóng

NGUYỄN HỒ 14/02/2024 10:28

Những số báo Giải Phóng đầu tiên in số lượng ít, chỉ ba đến năm ngàn tờ, máy in tự động chỉ cần chạy một giờ nhưng công nhân kéo tay phải kéo suốt ngày đêm. Nỗ lực ấy đã được đền bù xứng đáng bằng sự ra đời của tờ báo lịch sử - tờ báo lớn nhất ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

anh-1-nho-bao-giai-phong.jpg
Một buổi họp tòa soạn Báo Giải Phóng trong chiến khu, 1969. Bên trái, trong cùng là Tổng Biên tập Thép Mới. Ảnh tư liệu.

1.Mỗi người làm báo đều có cách nhớ về tờ báo mà mình công tác. Còn tôi hễ nhớ về Báo Giải Phóng là nhớ bản vẽ maket báo khi tờ báo chưa ra đời.

Tác giả maket đó là nhà báo Kỳ Phương, tức Trần Phong - Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc. Ông vẽ nó trong những ngày lênh đênh trên tàu không số. Trên chuyến tàu biển bí mật chở vũ khí về Nam ấy, ông cùng đi với bác sĩ Hồ Văn Huê và bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, ba người đều là cán bộ miền Nam tập kết, được phân công trở về quê hương công tác.

Tàu cập bến Khâu Băng, Thạnh Phú, Bến Tre tháng 4/1964. Hai vị bác sĩ lên đường về R (Chiến khu C, Bắc Tây Ninh), chỉ mình Trần Phong nán lại cũng vì cái maket ấy. Hình dáng sơ khai nhất của tờ báo Giải Phóng đã được ông phác họa, còn kế hoạch thực hiện chắc chắn là ở bên trong mái tóc đã ngả màu của ông.

Hình dung tờ báo là một chuyện, còn in ấn, phát hành trong điều kiện chiến trường miền Nam là một chuyện khác. Biết tôi là phóng viên Báo Chiến Thắng, tờ báo có ấn phẩm tốt nhất trong vùng giải phóng Nam bộ lúc bấy giờ, ông tìm gặp tôi, đưa maket Báo Giải Phóng cho tôi để xem có thể in với chất lượng được như tờ Chiến Thắng không. Thấy đây là chuyện trọng đại, rất bức thiết nên tôi xin ý kiến Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bến Tre để giúp ông.

Ông ở lại Bến Tre một thời gian, nhờ chúng tôi đưa đi tham quan nhà in, tòa soạn, phát hành, tiếp liệu xong thì ngược đường lên Khu 8, lên R. Khi tạm biệt, ông nói: Báo rất cần những người quen chiến trường miền Nam như cậu. Mình hy vọng chúng ta còn gặp nhau.

Ông đi rồi nhưng cái maket Báo Giải Phóng thì ở lại trong tôi, 60 năm qua nó đã thuộc về miền ký ức không thể nào quên.

anh-2-nho-bao-giai-phong.jpg
Nhà báo Thái Duy (bên trái) thăm nhà báo Kỳ Phương, năm 2006, tại TPHCM.

2.Tháng 7/1964, tôi lên R học báo chí, nuôi hy vọng sẽ gặp lại ông ở Báo Giải Phóng và mong tờ báo ra đời thuận lợi. Nhưng sau khi học xong và được giữ lại R, tôi mới biết Tiểu Ban Báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, còn Báo Giải Phóng thuộc Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Hai cơ quan hai hệ thống khác nhau, lại ở xa nhau, bên đông lộ 22 là Mặt trận, tây lộ 22 là Tuyên huấn, ông có xin tôi về với báo không phải dễ. Tôi chỉ biết chờ đủ duyên lành.

Ngày 20/12/1964, cầm tờ Báo Giải Phóng trên tay, cảm xúc của tôi thật khó tả. Mừng cho những nét vẽ nguệch ngoạc trên trang giấy kẻ ô đã trở thành khuôn mặt đứa con tinh thần chững chạc, xứng đáng là ngọn cờ đầu của báo chí cách mạng miền Nam.

Đó là một tờ báo đẹp về hình thức, phong phú về nội dung, thể tài, sinh động và bổ ích. Những bài nghị luận trên báo đều của các tên tuổi lớn là Trường Sơn, Cửu Long, Trần Quang. Những nhà cách mạng, những trí thức cách mạng nổi tiếng lần lượt công khai xuất hiện trên báo. Những nhà văn được yêu mến viết khá thường xuyên cho báo, như Trang Thế Hy, Lý Văn Sâm, Anh Đức, Giang Nam, Thủy Thủ, Viễn Phương.

Tôi nhớ mãi bài ký ngắn và súc tích của nhà văn Trang Thế Hy trên Báo Giải Phóng: "Nhìn lên". Một nhà văn lầm lũi nhìn xuống những bước đi của mình trên hè phố, bỗng một hôm ông thấy mọi người nhìn lên bầu trời. Ông cũng nhìn theo. Ông đã thấy lá cờ đỏ xanh sao vàng. "Nhìn lên" là cách viết ý nhị, giàu cảm xúc xuất hiện trên báo Mặt trận.

Đài Phát thanh Giải Phóng, Thông tấn xã Giải Phóng là những phương tiện giúp tờ báo lan tỏa, góp thêm tiếng nói chính nghĩa của cách mạng đến với đồng bào, cả trong các thành phố miền Nam.

Những số báo Giải Phóng đầu tiên in số lượng ít, chỉ ba đến năm ngàn tờ, máy in tự động chỉ cần chạy một giờ nhưng công nhân kéo tay phải kéo suốt ngày đêm. Nỗ lực ấy đã được đền bù xứng đáng bằng sự ra đời của tờ báo lịch sử - tờ báo lớn nhất ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tuy nhiên, sau một năm ra đều kỳ hằng tháng, Báo Giải Phóng đã bộc lộ một số mặt hạn chế. Báo ra hằng tháng là quá chậm, số lượng phát hành còn thấp, chất lượng ấn phẩm mau xuống cấp, tòa soạn và nhà in xa cách. Đó là chưa kể quân viễn chinh Mỹ đã có mặt ở miền Đông Nam bộ, căn cứ địa Bắc Tây Ninh nhanh chóng trở thành tuyến lửa.

Từ năm 1965, phi pháo của quân Mỹ đã uy hiếp sự an toàn của rừng chiến khu. Đầu năm 1966, máy bay B52 đánh trúng Tiểu ban Văn nghệ, một tổ nghệ sĩ cải lương gạo cội hy sinh, trong đó có soạn giả Trần Hữu Trang - Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng. Tình hình chiến cuộc khiến các cơ quan tuyên truyền của Trung ương Cục và Mặt trận phải khẩn trương chuyển đổi để thích nghi.

Lúc bấy giờ, Tạp chí Thời sự Nhân dân khổ như cuốn sách 13x19cm nên in ấn, phát hành thuận lợi, đang có triển vọng phát triển thành bán nguyệt san hoặc tuần báo thì được lệnh sáp nhập vào Báo Giải Phóng để ưu tiên phát triển tờ báo của Mặt trận. Cơ quan Báo Giải Phóng trở thành B18. Trong cái rủi phải “buông bỏ” tờ tạp chí đang phát triển tốt, tôi có cái may, không hẹn mà gặp lại ông Kỳ Phương để cùng chung tay xây dựng tờ báo trong giai đoạn mới.

Tòa soạn Báo Giải Phóng được tăng cường các nhà báo từ miền Bắc vào, từ ngành giáo dục chuyển sang, phóng viên, biên tập viên trên chục người, trong đó phân nửa là các nhà báo nhiều kinh nghiệm: Tịnh Đức, Trần Đình Vân, Lê Thiện, Tiều Dân, Đinh Phong, Nguyễn Hồ, Cao Kim. Tổng Biên tập Kỳ Phương - Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Trưởng Tiểu ban B18, thư ký tòa soạn Trần Tâm Trí và nhà báo Tịnh Đức (Trương Quang Lộc) phụ trách nội dung. Báo số thường 4 trang, số đặc biệt 6 hoặc 8 trang đều khổ lớn, số lượng 5.000 bản, ra đều kỳ nửa tháng.

Để chuẩn bị ra báo tuần từ đầu năm 1967, phóng viên được đưa xuống các chiến trường. Tưởng như Báo Giải Phóng đủ sức để phát triển mạnh, xứng tầm với sứ mạng lịch sử, nhưng…

3.Đông Xuân năm 1966-1967, quân Mỹ mở cuộc càn thăm dò mang tên Birmingham, đánh vào Lò Gò, Suối Cây gần căn cứ Mặt trận và Trung ương Cục. Du kích các cơ quan và những đơn vị bảo vệ căn cứ đã đánh chặn.

Lệnh trên chuẩn bị chuyển hẳn cuộc sống giữa rừng sang thời chiến. Những người khỏe mạnh ở R đều trở thành đội viên du kích, từ nhân viên đến nhà báo, nhà văn, văn công đều cầm súng. Báo Giải Phóng là đơn vị “neo đơn” nhất bởi cả chục phóng viên đi chiến trường, cơ quan chỉ còn người lớn tuổi, phụ nữ, thiếu nhi. Ba vị lãnh đạo báo thì Kỳ Phương chỉ còn một chân lành, Tịnh Đức xanh xao vì sốt rét kinh niên, Trần Tâm Trí đau dạ dày. Lấy đâu ra người khỏe mạnh để làm du kích?

Tôi bị sốt rét, không đi chiến dịch nên trực tòa soạn, nghe bom đạn ngày càng gần nên xin Tổng Biên tập Kỳ Phương ra mặt trận. Tôi theo đường dây điện thoại mà đi, tìm đến đại đội 11 của Sư đoàn 9 vừa bắn cháy xe tăng M48 của Mỹ để viết về trận đánh ở Đồi Thơ.

Trở về cơ quan, tôi thấy mọi người tập trung trong lán Tổng Biên tập Kỳ Phương. Mỹ dọn bãi đổ quân. Xe tăng cắt ngang rừng chĩa mũi vào trảng Cố Vấn. Tòa soạn họp chuẩn bị chiến đấu. Tôi nói: Sư 9 đã rút khỏi địa bàn, nhưng một tiểu đoàn của Trung đoàn 2 đang dàn trận bảo vệ nhà in Trần Phú. Tôi mạnh dạn đề xuất: Tình hình khẩn trương, tôi và anh em cơ quan đề nghị anh Mười (tức Kỳ Phương), anh Ba Trí, anh Tịnh Đức chuyển đến căn cứ dự bị. Tôi ở lại cùng tổ du kích bảo vệ cơ quan. Tôi sống ở nhiều chiến trường, từng đi viết về vành đai Củ Chi, hiểu cách đánh giặc của dũng sĩ Phạm Văn Cội, Trần Văn Suông, Út Nhỡ, Bảy Mô, Tư Gừng, cũng ít nhiều biết “cái nết” nhả đạn của quân Mỹ, nên các anh đừng lo gì. Rồi tôi vắn tắt kế hoạch: Ngay bây giờ, chúng ta lắp nắp ba miệng giếng, chỉ để một cho nhà bếp. Tổ du kích chôn gạo, muối, cá khô, báo lưu, tài liệu quan trọng phải bọc nhựa, cho vô thùng bột ngọt đem chôn, đề phòng bị cháy.

Các anh bị tôi thuyết phục đã qua bên kia sông Vàm Cỏ Đông, căn cứ dự bị đã có, hầm hố sẵn, thuốc men, lương khô đã chuẩn bị. Bên kia sông Vàm Cỏ Đông trở thành hậu cứ của nhiều đơn vị của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, là hậu cứ an toàn.

Đội du kích do Nguyễn An Liêu và tôi chỉ huy. Chưa ai được huấn luyện chiến đấu bài bản. Liêu nhận súng AK, Minh và Thành mỗi người một khẩu AT chống tăng, tôi, mìn định hướng.

Ngày, chúng tôi ra trảng Cố Vấn thấy Mỹ cụm quân nhưng ngoài tầm súng. Xe tăng Mỹ nghiến nát rừng, cây ngã la liệt. Cả bốn bên chúng tôi đều có quân Mỹ. Trên trời máy bay đủ loại quần thảo, tiếng rít đinh tai. Năm anh em chúng tôi ban ngày bám chiến hào theo dõi địch, đêm về canh giữ cơ quan, khuya dậy lo nắm cơm với khô cá mối, đổ đầy bình toong nước trở ra trận địa. Ngày thứ tư, lương khô cạn, thuốc lá hết. Anh em lấy trà, hái lá mai non làm giấy cuốn thuốc hút. Máy bay oanh kích dữ dội hướng sông Vàm Cỏ. Bên hướng nhà in Trần Phú súng nổ liên hồi. Tiểu đoàn 2 của Sư 9 rất thiện chiến. Du kích nhà in cũng rất trận mạc, có B40, RPD, AK, quyết bảo vệ nhà in.

Trận chiến kéo dài mấy tiếng đồng hồ rồi ngưng tiếng súng. Nghe tiếng phành phạch nặng nề của máy bay Chinook, chúng tôi ra trảng quan sát. Nhìn lên thấy nó khệ nệ cẩu hai khối sắt, khối lớn giống cái máy in báo, khối nhỏ cỡ như máy in pedale. Tôi kêu lên, thôi tiêu rồi anh em ơi, máy in bị Mỹ cẩu đi rồi. Như vậy là quân Mỹ đã vào được nhà in Trần Phú.

Thế là Báo Giải Phóng phải ngừng xuất bản. Đất rừng như sụp xuống. Mỹ thua trận Junction City, còn tụi tôi thua trận máy in rồi, thua đứt rồi! Càng đau xót khi tổ du kích Báo Giải Phóng 5 người thì Liêu, Minh, Thành hy sinh, Đông bị thương.

Vì không còn máy in, Báo Giải Phóng phải tạm ngưng xuất bản. Các vị lãnh đạo báo chuyển công tác theo sự phân công của trên. Phóng viên vẫn bám chiến trường. Đinh Phong và tôi đi viết về Đại hội Anh hùng lực lượng vũ trang Giải phóng lần 2.

Sắp xong đại hội thì được tin báo đã giải thể, nghĩa là chúng tôi không còn nơi để về. Mãi mấy tháng sau mới được biết sự thật không phải vậy. Anh chị em phóng viên tạm thời về đài phát thanh, cũng viết nhưng thay vì in thì phát trên sóng. Cuối năm 1967, được lệnh tập hợp, anh chị em vui mừng khôn xiết. Rồi cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân nổ ra, chúng tôi theo các cánh quân vào các đô thị miền Nam, Báo Giải Phóng tiếp tục ra đều đặn trong chiến khu cho đến ngày 1/5/1975…

NGUYỄN HỒ