Văn hóa

Nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Vi: Cách tốt nhất để bảo tồn là cho nghệ thuật một sự tiếp nối

Việt Quỳnh (thực hiện) 14/02/2024 10:29

Khi nói về Huế, nghệ thuật Trúc Chỉ thường được nhắc tới và là một điểm đến văn hóa nghệ thuật. Gắn bó với Trúc Chỉ được 10 năm, nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Vi thấy rằng còn rất nhiều điều cần khai mở trong tương lai.

ns-ngo-dinh-bao-vi(1).jpg
Nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Vi. Ảnh: NVCC.

Chị mong có đủ sức khỏe lẫn sự hiểu biết có thể tạo một cội rễ vững chắc để “cây Trúc Chỉ” lớn mạnh hơn về sau: “Thế hệ chúng tôi tạo ra Trúc Chỉ, bảo vệ nó cho các thế hệ sau này. Thẩm mỹ là giá trị sẽ được gìn giữ và phát triển lâu dài mãi về sau” - nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Vi tâm sự.

Thời kì đầu, họa sĩ Phan Hải Bằng dùng Trúc Chỉ để sáng tác các tác phẩm nghệ thuật thị giác. Khi nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Vi tham gia, Trúc Chỉ đã xác định hai hướng song song gồm: Nghệ thuật thị giác và Nghệ thuật ứng dụng.

Với nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Vi, Trúc Chỉ là một công nghệ mới, chị đã làm việc với tâm thế của người sáng tạo nên mỗi ngày đều có những niềm vui và sự thu hoạch trên hành trình. Triển lãm “Thắm” giới thiệu nghệ thuật Trúc Chỉ, được trưng bày tại Hội Quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội), là sự kiện hưởng ứng Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023.

Triển lãm “Thắm” giới thiệu đến công chúng 79 tác phẩm, chia thành 18 chuyên đề. Các tác phẩm nghệ thuật và ứng dụng của Trúc Chỉ đối thoại với không gian 200 năm của di sản đã nêu bật tính truyền thống lẫn tính tiếp biến đương đại mà Trúc Chỉ theo đuổi. “Thắm” là sự ra mắt toàn bộ hệ sinh thái mà Trúc Chỉ đã nghiên cứu phát triển, với mong đợi chia sẻ đến người yêu nghệ thuật tại Hà Nội một cái nhìn đầy đủ về nghệ thuật Trúc Chỉ, cũng như hệ thống ý niệm, con đường và hành trình đã qua.

Nói về Trúc Chỉ, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức đánh giá: “Trước đây, các sắc phong có những ám họa mà phải đưa lên trước ánh sáng mặt trời mới thấy. Và tuy nghệ thuật giấy chúng ta đã làm nhiều nhưng để bồi đắp và cho nó một diện mạo khác thì chỉ Trúc Chỉ mới làm được. Trúc Chỉ tạo ra những sự ám họa mang tính cung đình, lúc ẩn lúc hiện, chỉ hiển thị rõ ràng nhờ ánh sáng, đã mang lại sự kỳ bí và sang trọng. Và khi thưởng thức tác phẩm, mỗi người lại phát hiện một góc độ khác nhau”.

Từ năm 2014 đến nay, Trúc Chỉ xuất hiện ở nhiều nơi. Gần đây Trúc Chỉ phát triển dòng tranh thuận sáng, là phương tiện thay đổi đa dạng chiều sâu trong không gian. Nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Vi tâm sự: “Trúc Chỉ đi vào đời sống rất nhanh, từ không gian sinh sống, không gian công cộng, không gian tâm linh… Trúc Chỉ có tính mở rất lớn dành cho các nhà thiết kế sáng tạo phát triển.”

Triển lãm “Trúc Chỉ - Lời của sông” năm 2016 là sự kiện để lại trong nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Vi ấn tượng đặc biệt. Tất cả người yêu nghệ thuật đến với “Trúc Chỉ - Lời của sông” đều bị choáng ngợp bởi sự rực rỡ vàng son, Cung đình Huế mà triển lãm mang lại. Chị khẳng định: “Chúng tôi không làm giấy mà chúng tôi chế tác và sáng tác các tác phẩm nghệ thuật và sản phẩm ứng dụng trên nền tảng nghề giấy”.

Nhắc đến bảo tồn, xã hội sẽ nghĩ đến “rào lại”, “giữ nguyên hiện trạng”. Điều này thực sự cần thiết với các tác phẩm nghệ thuật có tính duy nhất. Tuy nhiên, với các giá trị văn hóa, theo nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Vi, cách bảo tồn hiệu quả là cho chúng một sự tiếp nối: “Trên nền tảng truyền thống đó, chúng ta giữ gìn, tôn kính, nhưng cộng thêm vào cho nó hơi thở của thời đại để sáng tạo ra những giá trị mới phù hợp với thời cuộc. Đó là cách để các giá trị văn hóa mãi trường tồn”.

Trong triển lãm “Thắm” vừa qua, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển của triển lãm chia sẻ: “Hoạt động nghệ thuật thực hành đương đại mới là hoạt động chính của Trúc Chỉ… Trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, Trúc Chỉ hiện diện như một sự góp sức với họa sĩ Phan Hải Bằng để công nhận một giá trị đáng trân trọng”.

Việt Quỳnh (thực hiện)