Những ngày theo Chiến dịch Điện Biên Phủ
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo đã có mặt ở chiến trường. Báo Cứu Quốc khi đó đã cử 2 phóng trực tiếp đi theo bộ đội chủ lực. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), xin ghi lại những ký ức đặc biệt từ nhà báo lão thành Thái Duy.
Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, do tình hình chiến sự, tòa soạn Báo Cứu Quốc phải thường xuyên di chuyển qua nhiều địa điểm thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang...
Nhưng trải qua nhiều khó khăn gian khổ, có cả tổn thất hy sinh, song Cứu Quốc là tờ báo hằng ngày duy nhất vẫn xuất bản và phát hành đều đặn. Chỉ riêng việc báo ra đều đặn suốt gần 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, có thể nói đó là một kỳ tích.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các nhà báo, văn nghệ sĩ đã tập trung đông đảo ở chiến trường. Báo Quân đội Nhân dân có tới 5 phóng viên dạn dày kinh nghiệm là Hoàng Xuân Tùy, Trần Cư, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp và họa sĩ Nguyễn Bích. Thông tấn xã Việt Nam có Hoàng Tuấn, Đài Tiếng nói Việt Nam có phóng viên Nguyễn Nhất, Báo Nhân Dân có Thép Mới và Trần Đĩnh...
Báo Cứu Quốc cử 2 phóng viên là Thái Duy và Chính Yên trực tiếp đi theo bộ đội chủ lực suốt những năm kháng chiến chống Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Là phóng viên của Báo Cứu Quốc (Báo Đại Đoàn Kết ngày nay) trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, vài năm trước, trong những lần trò chuyện với chúng tôi, nhà báo Thái Duy vẫn còn nhớ như in từng thời khắc ở chiến trường.
Trong câu chuyện, ông vẫn thường nhắc đến sự gan góc, dũng cảm, hy sinh vô bờ bến của nhân dân, của những người lính ngoài mặt trận và trí tuệ quân sự của các vị tướng lĩnh chỉ huy mặt trận để có một Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Theo ký ức của nhà báo Thái Duy, suốt những năm kháng chiến chống Pháp, ông và nhà báo Chính Yên không phải làm công việc gì ở tòa soạn, mà được cử hẳn chuyên đi với bộ đội, quanh năm suốt tháng đi ra chiến trường cùng bộ đội. Từ chiến dịch Trung du, Chiến dịch đường 18, Chiến dịch Biên Giới… đến sau này Chiến dịch Điện Biên Phủ, 2 phóng viên của Báo Cứu Quốc là phóng viên mặt trận. “Có những thời điểm như Chiến dịch Biên giới tôi đi theo bộ đội cả năm may chăng mới về tòa soạn một lần” - nhà báo Thái Duy kể.
Nhưng đến Chiến dịch Điện Biên Phủ thì tòa soạn cử thêm các phóng viên Thái Cương, Hữu Tuấn theo các đoàn dân công. Còn Thái Duy và Chính Yên vẫn đi theo bộ đội chủ lực lên Chiến trường Điện Biên Phủ. Phóng viên Chính Yên đi theo Đại đoàn 312, còn Thái Duy theo Đại đoàn 316.
Ông Thái Duy kể: Tôi bắt đầu đi theo bộ đội từ trước Tết, tức là lên chiến trường Điện Biên Phủ rất sớm. Đi bộ từ tòa soạn lên đến mặt trận là 7-8 ngày trời. Điều kiện chiến trường hạn chế, không có điện đài (tuyên huấn ở Mặt trận cũng không đủ thời gian để giúp phóng viên gửi bài về) nên bài vở gửi về tòa soạn rất chậm, muốn chuyển bài về phải đi bộ cả tuần trời. Nhưng đó cũng là những ngày làm báo rất đẹp…
Theo lời kể của nhà báo Thái Duy, quanh năm suốt tháng đi theo bộ đội, tòa soạn cử đi nhưng không cần cấp tiền, cứ đi thôi. Không công tác phí, không tiền văn phòng phẩm, cứ đi theo bộ đội cho ăn. Suốt những năm tháng đi chiến trường không mang theo tiền, kể cả hôm nào lỡ đường chưa tới được đơn vị bộ đội thì cứ vào nhà dân là được ăn, bất kỳ nhà dân nào cũng nuôi, cũng cho ăn mà không bao giờ hỏi tên anh là gì. Nhớ lại hồi ấy vẫn còn thấy đẹp lắm. Người dân quá tốt.
“Nhớ về Chiến dịch Điện Biên Phủ điều nhớ nhất là công của dân lớn lắm. Lương thực thực phẩm chuyển ra chiến trường bằng ô tô ít thôi, chủ yếu là bằng sức gánh, sức thồ của dân công, từ Lạng Sơn, gánh qua Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, lên Điện Biên Phủ, thật sự kinh khủng, công lao của nhân dân lớn lao lắm” - ông Thái Duy nói.
Cũng theo nhà báo Thái Duy, trên đường ra chiến trường, lúc nào cũng gặp hàng nghìn dân công gánh gạo, thồ gạo ra mặt trận, dũng cảm, gan góc. Lúc cao điểm chiến dịch, tập trung ở chiến trường Điện Biên Phủ khoảng 5 sư đoàn, vận chuyển lương thực nuôi ngần ấy bộ đội, toàn là sức dân. Mà lúc ấy đang mùa đông, rét lắm.
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi về trí tuệ quân sự - nhà báo Thái Duy kể: Lúc kéo pháo ra ai cũng hoang mang không hiểu ra làm sao, tôi với anh Chính Yên cũng thắc mắc với nhau. Nhưng sau này mới hiểu, nếu không kéo pháo ra để đào hầm thì chỉ trong vài ngày là pháo bị tiêu diệt hết.
Khi Tướng De Castries đầu hàng thì tất cả các phóng viên có mặt ở chiến trường lúc ấy đều kéo nhau vào hầm. “Tôi với anh Khắc Tiếp của Báo Quân đội Nhân dân cùng vào, còn định rủ nhau tối nay sẽ ngủ ở đây một giấc, nhưng sau vì không còn chỗ ngủ nên chúng tôi lại ra” - ông Thái Duy nhớ lại.
Sau này nhà báo Thái Duy còn làm phóng viên ở nhiều chiến trường khác như chiến trường Lào, chiến trường miền Nam, nhưng ông bảo Điện Biên Phủ là trận đánh trực tiếp lớn nhất mà ông được trực tiếp chứng kiến. Theo ông, bất kỳ ai có mặt ở đó vào thời điểm ấy đều thấy tự hào.
Ông Thái Duy cho biết: “Điều kiện gửi bài về khó, nên tôi cũng không viết được nhiều. Tiếc nhất là không có máy ảnh. Hồi ấy phóng viên chiến trường của phương Tây viết được nhiều hơn chúng tôi vì họ được bên địch đưa đến bằng máy bay rồi lại chở bằng máy bay về. Sau này khi viết báo ở chiến trường Lào, bài vở của tôi gửi về Hà Nội bằng đường hàng không, đã khác hẳn, rất đều đặn”.
Sau Chiến thắng, nhà báo Thái Duy không trở về tòa soạn ngay mà còn ở lại Điện Biên Phủ thêm một thời gian nữa. Ông chính là phóng viên được cử viết bài tường thuật về Lễ duyệt binh Điện Biên Phủ sau chiến thắng đăng trên số báo xuất bản ngay tại chiến trường của Báo Quân đội Nhân dân. “Trong ngày duyệt binh, thật ngậm ngùi khi nhìn những đoàn quân đã không còn đủ quân số như trước khi vào chiến dịch. Sự hy sinh là vô bờ bến” - ông kể.
Đầu chiến dịch, nhà báo Thái Duy lên Điện Biên Phủ bằng cách đi bộ, và vài tháng sau, khi từ Điện Biên Phủ trở về tòa soạn Báo Cứu Quốc, ông cũng đi bộ.
“Nhưng nói gì thì nói so với dân công, so với bộ đội, làm cái anh nhà báo ở chiến trường vẫn còn sướng lắm. Mình đi bộ chỉ đeo cái ba lô cá nhân còn dân công thì phải gánh gạo, thồ gạo, gian khổ và chịu đựng lớn lắm” - nhà báo Thái Duy đã nói về những ngày gian khổ, làm phóng viên chiến trường của Báo Cứu Quốc, trực tiếp chứng kiến Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, một cách nhẹ nhõm như thế.