Lễ hội Gióng đền Sóc là lễ hội truyền thống được tổ chức từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm, để tưởng nhớ, ca ngợi người anh hùng huyền thoại Thánh Gióng, một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Năm 2010, lễ hội Gióng ở đền Sóc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, ngay từ sáng 15/2 hàng nghìn người dân cùng nhau đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc để xem lễ hội Gióng. Hội Gióng tại đền Sóc được chuẩn bị nhiều lễ vật vô cùng công phu như ngựa, voi và giò hoa tre. Quần thể khu di tích đền Sóc, bao gồm 6 công trình: đền Hạ (tức đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (tức đền Sóc), tượng đài Thánh Gióng và nhà bia. Trong đó, đền Thượng là nơi thờ Thánh Gióng và tổ chức lễ hội với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ mộc dục; lễ rước; lễ dâng hương; lễ hóa voi và ngựa… Từ sáng sớm, các thôn làng tham gia lễ hội có mặt tại khu di tích đền Sóc, chuẩn bị nghi lễ dâng lễ phẩm tế thánh. Các lễ vật truyền thống của dân làng 8 thôn thuộc 6 xã của huyện Sóc Sơn đã rước vật phẩm vào tế lễ, gồm thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) rước giò hoa tre; thôn Phù Mã (xã Phù Linh) rước ngựa sắt; thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược) rước voi chiến; thôn Xuân Tảo (xã Xuân Giang) rước cỏ voi; thôn Xuân Tàng (xã Bắc Phú) rước nữ tướng; thôn Xuân Dục (xã Tân Minh) rước cầu húc; thôn Đức Hậu (xã Đức Hòa) rước ngà voi và thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) rước trầu cau. Lễ rước nữ tướng. Lễ rước voi chiến vào đền Sóc. Lễ rước thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương đến xem. Nhân ngày đầu năm mới, nhiều người đến đền Sóc cầu nguyện cho gia đình bình an. Lễ dâng trầu cau của thôn Đan Tảo. Người dân lấy lá trầu không và cau để lấy lộc đầu năm.
Lê Khánh