Lễ hội tịch điền sau 15 năm phục dựng và tổ chức thường niên đã trở thành một mỹ tục tốt đẹp trong lòng nhân dân. Gắn liền với lễ hội Tịch điền là Chùa Long Đọi Sơn - di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng năm 2017, cũng là năm lễ hội Tịch điền được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Dàn trống Đọi Tam biểu diễn khai mạc lễ hội Tịch Điền 2024. Hà Nam, quê hương núi Đọi, sông Châu, mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Từ ngàn xưa, nơi đây đã trường tồn các di tích lịch sử văn hóa mang đậm dấu ấn về sự phát triển của các triều đại phong kiến Việt Nam. Theo sử sách ghi chép, năm Đinh Hợi 987 cách đây 1037 năm, vua Lê Đại Hành đã chọn vùng đất Đọi Sơn linh thiêng để tổ chức cày tịch điền, khuyến khích, nhắc nhở thần dân coi trọng, chăm lo sản xuất nông nghiệp, cái gốc của sự no ấm, hạnh phúc. Một cụ cao niên ở Đọi Sơn được lựa chọn để làm lễ nhập linh khí của vua Lê Đại Hành. Theo “Việt sử lược”, vào năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7, vua Lê Đại Hành đã về Tịch Điền ở Đọi Sơn - mở đầu phong tục tốt đẹp để các triều đại sau noi theo. Theo phong tục, Lễ Tịch điền là ngày hội xuân. Sau khi làm lễ cúng Thần nông, nhà vua đích thân xuống cày 3 sá, các vương tôn, công khanh cày 7 sá, sĩ phu cày 9 sá. Giống lúa cấy r trên ruộng tịch điền được tuyển chọn cho thứ gạo ngon, quý được dùng làm phẩm vật trong các tế lễ quan trọng của triều đình. Ở lễ hội Tịch Điền còn có cuộc thi vẽ trang trí trâu, cuộc thi được mở vào dịp đầu năm để đánh dấu một năm mới với những ước vọng mới, có ý nghĩa như việc khai bút tân Xuân với những họa tiết và gam màu tươi sáng thể hiện những mong ước tốt đẹp. Ông Trần Ngọc Dụng ở xóm Nội, xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên là chủ của 2 con trâu được giải Nhất và Nhì năm nay. Đông đảo nhân dân tại địa phương và các vùng lân cận đến xem lễ hội. Du khách thích thú chụp ảnh bên những con trâu được vẽ bởi các hoạ sĩ.
Quang Vinh