Cuộc đua tỷ đô của trái cây Việt
Lần đầu tiên trong lịch sử, quả sầu riêng của Việt Nam có giá trị xuất khẩu vượt mốc 2 tỷ đô la (USD), đem lại nguồn thu khổng lồ cho người nông dân, doanh nghiệp.
Và không chỉ có sầu riêng, nhiều loại trái cây Việt khác cũng được kỳ vọng có thể đạt mức xuất khẩu “tỷ đô”, hứa hẹn một năm mới 2024 đầy tươi sáng cho người nông dân.
Niềm vui ở những cù lao sầu riêng
Chỉ mới bắt đầu xuất khẩu từ năm 2016, giá trị xuất khẩu sầu riêng ra thế giới chưa tới 30 triệu USD, nhưng tới nay, con số đã lên tới hơn 2 tỷ USD, tăng đến vài trăm lần. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính khiến sầu riêng có một năm cực kỳ thành công là do thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ kỷ lục trái cây này.
Những ngày đầu năm 2024, chúng tôi chạy dọc tuyến tỉnh lộ 864 để sang cù lao Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang), một trong những nơi trồng sầu riêng lâu đời và nổi tiếng nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn.
Cùng với cù lao Tân Phong nằm sát bên, đây được coi là “vương quốc” sầu riêng từ khoảng 10 năm trước. Giờ, khi sầu riêng đã trở thành cây trồng chủ yếu ở vùng đất châu thổ thì diện tích trồng sầu riêng ở 2 cù lao Ngũ Hiệp và Tân Phong lại thành nhỏ bé. Tuy nhiên, lợi nhuận mà loại trái cây thơm ngon này mang lại cho người nông dân thì vẫn rất lớn.
Ông Phạm Văn Bảy (65 tuổi) ở cù lao Ngũ Hiệp cho biết gia đình ông có 4 công đất trồng sầu riêng từ nhiều năm qua. Ở đây người dân thường trồng sầu riêng Ri6, giống cây thuần Việt do một nông dân tên Sáu Ri ở Vĩnh Long lai tạo ra. Sầu riêng năng suất nhất là từ năm thứ 5 tới năm thứ 15, trung bình có thể cho 2 đợt trái/năm. Ngoài đợt dịch Covid-19 thì hầu hết các vụ sầu riêng đều cho lợi nhuận tốt, trung bình từ 200-300 triệu đồng mỗi năm/ha.
“Năm nay sầu riêng còn mang lợi nhuận cao hơn, có nhà thu tới 400 triệu đồng/ha sầu riêng vì cắt trúng đợt giá lên”, ông Bảy phấn khởi cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận sầu riêng là loại cây rất khó trồng, từ công đoạn kích ra bông cho tới đậu trái, chăm sóc và xử lý những đợt mưa lớn hay xâm nhập mặn, bởi vậy, người nông dân phải rất thành thục các kỹ thuật này.
Cách cù lao Ngũ Hiệp chừng 30 cây số, cũng được coi là “cù lao sầu riêng”, vùng đất cù lao Dài thuộc địa giới hành chính 2, xã Quới Thiện và Thanh Bình (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) những vườn sầu riêng đang đơm bông kết trái. Nếu như cù lao Ngũ Hiệp được bồi đắp bởi sông Tiền thì cù lao Dài cũng được dòng sông Hàm Luông rộng lớn ôm trọn, tạo nên các vườn sầu riêng trĩu quả.
Anh Nguyễn Văn Hiệu (37 tuổi) tốt nghiệp kỹ sư, làm cho một công ty nước ngoài ở trung tâm quận 1, TPHCM nhưng quyết định bỏ phố về quê để bắt đầu từ mảnh vườn của gia đình. Sau 3 năm đầu vất vả, đến nay những trái sầu riêng đầu tiên của anh đã đến tay người dùng.
Anh Hiệu cho biết, xuất khẩu sầu riêng có giá cao nhưng phần lớn trái cây của anh hiện lại tiêu thụ ở TPHCM. “Những trái ngon nhất mình chuyển lên các chuỗi cửa hàng tiện ích trên TPHCM, vừa tạo uy tín, vừa để khách hàng có cơ hội thưởng thức loại quả đặc sản này. So với bán cho thương lái đem xuất khẩu thì chi phí bán nội địa cao hơn do phải tự vận chuyển. Tuy nhiên mình nghĩ một vài vụ, khách hàng sẽ biết thương hiệu sầu riêng quê mình để tìm tới”- anh Hiệu chia sẻ.
Không chỉ có ông Bảy, anh Hiệu mà hàng ngàn nông dân miền Tây đang thu được những lợi nhuận rất tốt từ cây sầu riêng. Giờ việc nông dân xây nhà, mua xe hơi nhờ sầu riêng là chuyện bình thường. Chẳng thế, bà con nông dân ở đây đều gọi sầu riêng là “cây tiền tỷ”.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có khoảng 18.000 ha sầu riêng, tập trung chủ yếu ở huyện Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Mặc dù diện tích cây sầu riêng có tăng so với vài năm trước nhưng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, sầu riêng vẫn nằm trong cân đối cơ cấu cây trồng của tỉnh. Đây cũng là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Đồng Tháp…cũng có khoảng từ 2.000 tới 3.500 ha sầu riêng. Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, do sầu riêng mới được cấp chứng nhận xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc nên diện tích tăng nhanh bởi nhu cầu thị trường lớn, cung không đủ cầu.
Theo ông Mẫn, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương làm việc với các địa phương, nông dân, doanh nghiệp đầu mối để hướng dẫn thủ tục, hồ sơ xuất khẩu chính ngạch đảm bảo có giá cao, ổn định khi vào chính vụ.
Nhiều kỳ vọng bứt phá
11 tháng của năm 2023, ngoài sầu riêng có vị trí vượt trội thì thanh long cũng đứng liền kề, đạt 523 triệu USD, tiếp theo là chuối, đạt 242 triệu USD, mít 168 triệu USD và xoài 154 triệu USD lần lượt ở các vị trí tiếp theo.
Một điều thú vị là hầu hết các loại trái cây trên đều là thế mạnh của nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Là vùng trồng thanh long lớn thứ 2 (sau Bình Thuận), cây thanh long chủ yếu được trồng ở Tiền Giang và Long An với diện tích khoảng 14.000 ha (cuối năm 2023), giảm đáng kể so với vài năm trước. Lý do những năm gần đây, từ loại cây “tỷ đô”, giá thanh long bắt đầu sụt giảm do cung vượt cầu. Tuy nhiên, hiện nay, thay vì tăng diện tích thì người trồng thanh long ở Long An và Tiền Giang hướng tới sản xuất chất lượng cao.
Ông Trương Quang An - Phó Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết, về cơ bản thanh long vẫn là cây trồng chủ lực ở Long An bởi có nhiều điều kiện phù hợp. Ngoài thị trường Trung Quốc (chiếm 80%), trái thanh long đã xuất khẩu vào các thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo tính toán, trái thanh long có giá bán khoảng 20.000 đồng thì nông dân có lợi nhuận nên Hiệp hội đang tìm cách cân bằng thị trường tiêu thụ giúp nông dân những thời điểm chính vụ.
Xếp theo vị trí, xoài là loại trái cây đứng thứ 5 với khoảng 154 triệu USD nhưng đây là loại trái cây có thể bứt phá mạnh mẽ trong năm tới. Nguyên nhân là những năm qua, chỉ một lượng nhỏ xoài được xuất khẩu, phần lớn loại trái cây đặc sản này vẫn chỉ tiêu thụ nội địa. Vì vậy, nếu được “mở cửa” và xuất khẩu chính ngạch qua các thị trường khác, xoài hoàn toàn có thể “tăng tốc”, vượt thứ hạng.
Năm 2023 đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho những nông dân trồng sầu riêng, mít Thái, xoài…
Dự báo năm 2024, giá trị xuất khẩu mà những trái cây đó mang lại sẽ còn tăng cao hơn nữa. Ngoài thị trường có nhiều dấu hiệu khởi sắc thì việc đưa vào sử dụng nhiều trục đường cao tốc cũng được kỳ vọng sẽ giúp trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhanh chóng tiếp cận với thị trường xuất khẩu và giảm thiểu chi phí vận chuyển, bảo quản hay trung gian. Đó cũng là động lực mới giúp trái cây Việt vươn ra thị trường thế giới.