Văn hóa

Đầu năm hành hương về đỉnh Am Tiên

Nguyễn Chung 17/02/2024 18:06

Theo thông lệ, phải đến ngày mùng 9 tháng Giêng, lễ hội Am Tiên mới bắt đầu với nghi lễ “mở cửa trời”. Tuy nhiên, từ đêm 30 đến ngày mùng 8 Tết năm Giáp Thìn, khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Am Tiên - một trong những huyệt đạo linh thiêng trên đỉnh Ngàn Nưa đã đón hơn 70 nghìn lượt du khách.

am-1.jpg
Hàng cây xà cừ cổ thụ trên đường dẫn vào Di tích Am Tiên. Ảnh: Nguyễn Chung.

Theo thông lệ, Lễ hội đền Nưa - Am Tiên bắt đầu từ ngày đầu năm mới đến 20 tháng Giêng hàng năm. Ngày mồng 9 tháng Giêng hàng năm là ngày mở cửa trời. Tuy nhiên năm nay do thời tiết ấm áp, khô ráo, ngay từ ngày mùng 1 Tết năm Giáp Thìn, hàng chục nghìn du khách đã hành hương về đây để du Xuân, chiêm bái và cầu mong những điều tốt đẹp cho năm mới 2024.

am-9.jpg
Mặc dù chưa đến thời khắc "mở cửa trời", tuy nhiên đã có hàng chục nghìn lượt du khách hành hương về Am Tiên. Ảnh: Nguyễn Chung.

Chị Lê Thị Duyên, một du khách đến từ khu phố 2, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa vui vẻ cho biết, vào những ngày đầu năm mới, chị thường cùng gia đình và một số bạn bè sẽ bắt đầu cho chuyến xuất hành đầu năm, đến các khu du lịch tâm linh để cầu mong cho gia đình một năm mới nhiều sức khỏe và hanh thông trong công việc. Năm nay, gia đình chị chọn đỉnh thiêng Am Tiên là điểm đến đầu tiên vì thời tiết đẹp và thuận tiện cho tuyến đường di chuyển.

am-7.jpg
Đây là dịp để giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và những nét đẹp trong văn hóa của dân tộc. Ảnh: Nguyễn Chung.

“Năm nay do thời tiết đẹp, tôi đã quyết định đưa cả các con đi cùng. Với tôi, đây không chỉ là cơ hội cho các cháu trải nghiệm mà còn góp phần giáo dục về truyền thống yêu nước vốn đã có tự ngàn đời của dân tộc!”, chị Duyên chia sẻ.

am-8.jpg
Thời tiết thuận lợi đã góp phần giúp đỉnh Am Tiên hút khách. Ảnh: Nguyễn Chung.

Theo tìm hiểu, Đỉnh Am Tiên nằm trong hệ thống dãy núi Nưa cao 520 m so với mực nước biển. Di tích này còn gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Triệu Trinh nương, chống lại ách đô hộ của nhà Ngô xâm lược.

am-4.jpg
Đông đảo du khách đã đưa con, cháu tìm đến "giếng Tiên" trên đỉnh Am Tiên để mong cầu được thông minh, sáng láng sau khi được rửa mặt bằng nguồn nước được lấy lên từ đáy giếng. Ảnh: Nguyễn Chung.

Với diện tích khoảng 100 ha, quần thể danh thắng Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Am Tiên là một địa danh khá đặc biệt trong lòng người dân Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung. Hàng năm, đúng ngày “mở cửa trời” (ngày mồng 9, tháng Giêng), người dân thường đến đây để chiêm bái, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

am-5.jpg
Chỉ tính từ giao thừa đến ngày mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn đỉnh Am Tiên đã đón khoảng trên 70 nghìn lượt du khách hành hương về đây để dâng hương và chiêm bái. Ảnh: Nguyễn Chung.

Ông Tào Quang Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Nưa, đơn vị phụ trách công tác vận chuyển hành khách tại lễ hội đền Nưa cho biết: Tính từ Giao thừa đến ngày mùng 8 Tết, đỉnh Am Tiên đã đón khoảng trên 70 nghìn lượt du khách hành hương về đây để dâng hương và chiêm bái. Năm nay, Công ty đã đầu tư, xây dựng mở rộng 2 bến xe, trang bị 19 đầu xe. Trong đó, có 15 xe được thay thế mới, hiện đại. Dự kiến, dàn xe sẽ phục vụ trung chuyển từ 2.000 đến 2.500 khách một ngày, đáp ứng nhu cầu du Xuân, chiêm bái tại di tích của du khách.

am-6.jpg
Ông Lê Quang Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn trao đổi với phóng viên. Ảnh: Nguyễn Chung.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Quang Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết, ngay từ đầu năm 2023, huyện Triệu Sơn đã xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền về công tác tổ chức lễ hội, triển khai quảng bá về lễ hội trên các kênh thông tin; làm tốt công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

am-2.jpg
Dòng xe cộ tấp nập đổ về di tích Am Tiên trong sáng ngày mùng 8 tháng Giêng. Ảnh: Nguyễn Chung.

“Theo truyền thuyết, đỉnh Am Tiên không chỉ là nơi luyện kiếm, mài gươm của nghĩa quân Bà Triệu mà còn là một trong 3 huyệt đạo lớn của quốc gia, nơi trời đất giao hòa. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trong nhiều năm qua, chính quyền các cấp và Nhân dân tại địa phương đã không ngừng tu bổ, tôn tạo nhằm phát huy những giá trị vốn có của di tích!”, ông Chung nói.

Nguyễn Chung