Tinh hoa Việt

Ông chủ thương hiệu nức tiếng một thời

TRẦN MINH TUẤN 18/02/2024 07:48

Ông là người tiên phong tạo ra hình thức kinh doanh làm tăng giá trị chất lượng nước mắm Việt, để món nước chấm này không thể thiếu được trên mâm cơm của người Hà Nội và các tỉnh thành - nước mắm Quảng Tài nức tiếng một thời.

Từ nhỏ đã mày mò tìm hiểu...

z5079164446109_a59a58705128acf09502c9981fb8bb08.jpg
Ông Trần Văn Tài (1912- 1996).

Ông Trần Văn Tài sinh năm 1912, nhằm tuổi Nhâm Tý trong một gia đình nghèo ở làng bánh cuốn Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội). Nghề tráng bánh cuốn quê ông được truyền qua nhiều đời trong cuộc mưu sinh.

Những gánh bánh cuốn Thanh Trì đã rong ruổi khắp phố thị, có mặt trên mọi vùng miền đất nước. Thứ bánh cuốn Thanh Trì mỏng tang như lụa, hành mỡ thoa vào mướt mặt nhưng nếu thiếu nước chấm ngon, thứ bánh trở nên vô vị. Nước mắm đóng vai trò quan trọng thế nào cho bữa ăn của Việt bao đời chẳng cần nói ai cũng hiểu.

Từ nhỏ ông đã "nghiện" nước mắm - thứ quốc hồn quốc túy của người Việt. Ông chủ động tự mày mò tìm hiểu từ các cao nhân, sành ăn trong nghề.

Không dừng ở đó, cậu bé Tài còn chủ động đi làm thuê cho các ông chủ buôn nước mắm chuyến ở ngoài cảng. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng trong nghề buôn, ông theo những chuyến thuyền, lần tới các địa danh, các vùng sản xuất nước mắm nổi tiếng ở Cát Hải (Hải Phòng), Ba Làng (Thanh Hóa), Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc… ngon có tiếng thời ấy để tìm hiểu, tìm ra nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ông tự mày mò kinh doanh, tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng chắt chiu từ bao năm làm thuê để khởi sự. Ông Tài tự tin, chủ động mở cửa hiệu, với tấm biển với thương hiệu nước mắm Quảng Tài.

Sinh thời, ông từng chia sẻ bí quyết chọn nước mắm ngon: Khi mở nắp hũ ra, ông chưa ngửi, chưa nếm, nhưng chỉ nghe mùi, ông đã biết nước mắm mặn hay nhạt, thiếu muối hay nhiều muối, đủ nắng hay quá nắng, non nắng.

Còn để mua được mẻ nước mắm ngon, ông sẽ moi vài chỗ trong thùng để xem chất lượng nước mắm, tính thể tích thùng quy ra khối lượng, trọng lượng rồi thỏa thuận giá với người sản xuất. Cách tính toán của ông tuy đơn giản nhưng kết quả hầu như không sai. Thỏa thuận giá cả xong xuôi, ông cho người bốc vác xuống thuyền xuôi về Hà Nội.

Hàng về tới nơi, việc đầu tiên là ông chú trọng bảo quản trong các thùng, hũ để nước mắm không bị bẩn, mất chất, hương vị nên việc đầu tiên ông làm là khâu lưu trữ hàng để đảm bảo chất lượng. Nước mắm ông thu mua về chứa trong lu lớn, trong thùng gỗ ghép, hũ sành, đựng trong những kiệu cao bằng đầu người, chôn xuống đất, đậy nắp, vợi ra thùng gỗ chế biến theo tỉ lệ, công thức riêng để bán dần...

z5079164476366_bfa815900895363d19e590298afd2035.jpg
Người dân gánh nước mắm đi bán trên phố. Ảnh tư liệu

Giữ chữ tín

Thứ nước mắm Quảng Tài một thời được người Hà Nội ăn, dường như không thể thiếu được khi thực khách ngồi vào mâm cơm là cảm nhận có nước chấm ngon. Thứ nước mắm ấy, càng không thể thiếu trong từng bữa ngon của người Hà Nội tinh tế và sành ăn. Thứ nước mắm Quảng Tài vị đậm ngon, thơm khó cưỡng. Thứ nước mắm truyền thống ngon nhất và vẫn giữ được "chất" của nước mắm xưa.

Cảm nhận đầu tiên của thực khách từng dùng nước mắm mang thương hiệu Quảng Tài khi ngửi người tiêu dùng sẽ cảm được hương thơm dịu, thoang thoảng. Còn lúc nếm thấy có vị ngọt, mặn và béo vừa phải, không quá gắt, vị mặn đậm đặc trưng ở các sản phẩm có đặc trưng địa lý từng vùng miền. Với nước mắm có đạm cao thì họ còn sẽ có cảm giác vị ngọt đậm thấm dịu trong cổ họng lúc nuốt vào. Màu sắc của nước mắm Quảng Tài có màu nâu vàng, nâu đỏ, vàng rơm hay cánh gián trong suốt, không vẩn đục, tùy thuộc vào các vùng nước mắm có màu sắc khắp nhau, đáp ứng nhu cầu của người mua.

Chính vì thế, trong góc bếp của mỗi gia đình Hà Nội khi ấy không thể thiếu được chai nước mắm mang thương hiệu Quảng Tài. Nước mắm Quảng Tài đã thành “quà biếu” khi đến chơi nhà người bạn đã từng dùng thử, vang danh nức tiếng một thời về món ngon đất Việt khi ấy.

Nước mắm Quảng Tài ngày ấy vừa bán buôn để nước mắm đến với mâm cơm người dân ở các vùng xa và vừa bán lẻ cho người dân Hà Nội. Nước mắm Quảng Tài có nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người có điều kiện kinh tế, hay sản phẩm để bán cho người chế biến nước chấm kinh doanh.

Tang tảng sáng, dòng người quẩy quang gánh, xếp hàng mua nước mắm ở cửa hiệu Quảng Tài, người thì dùng để đi bán bánh cuốn, rảo trên khắp con phố của Hà thành, trở thành món quà quê rẻ tiền nhưng vẫn no cái bụng... Người thì mua gánh hàng nước mắm Quảng Tài đi bán lẻ. Tiếng lành đồn xa, nhiều tư thương đã cất công về Hà Nội để mua buôn. Thương hiệu nước mắm Quảng Tài xuôi theo những chuyến thuyền, đường bộ để khắp nẻo đất nước, len lỏi trong mâm cơm của gia đình có điều kiện kinh tế.

Làm ăn phát đạt, từ cậu bé nhà nghèo khó trăm bề, nhưng bằng ý chí và bản lĩnh ông chủ nước mắm Quảng Tài đã thành ông chủ. Là ông chủ thương hiệu nước mắm nức tiếng một thời nhưng ông không ham "chơi bời hưởng thụ" luôn tích lũy gia sản, mở rộng kinh doanh, luôn chú trọng đến công việc để giữ chất lượng nước mắm của mình, giữ chữ tín trong kinh doanh là yếu tố sống còn của thương hiệu. Trong công việc hay trong đời thường ông rất nghiêm khắc, làm ra làm, chơi ra chơi.

Ngay đến việc thuê người làm, phụ công việc kinh doanh. Ông quan niệm đối với người làm thuê cho mình như người thân trong nhà. Dù được coi là nhà tư sản thời ấy, nhưng ông luôn đối xử một cách tốt nhất. Ông không bao giờ “vắt kiệt” sức lao động của người làm thuê, sống đạo đức, tình người, sống rất rộng rãi với họ. Chưa bao giờ ông coi họ, như những người "làm công ăn lương", "bỏ sức kiếm tiền", "ráo mồ hôi là hết tiền" mà luôn trân trọng công sức của người lao động.

Không chỉ với dòng tộc, ông luôn chia sẻ, giúp đỡ, động viên tinh thần và vật chất với những người gặp khó khăn. Vậy nên người làm thuê luôn làm tốt nhất cho ông. Không chỉ làm giàu cho gia đình, dòng họ, tạo nên thương hiệu, trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông còn chủ động nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Khi bị phát hiện, tài sản mà bao năm tích cóp đã bị tịch thu, dù chịu nhiều đòn tra tấn dã man của địch nhưng với tấm lòng kiên trung với cách mạng, ông tuyệt nhiên không hé răng nửa lời. Sau này, khi Cách mạng thành công, ông cũng không mang thành tích ra khai báo. Ông coi đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân, trước những biến động của thời cuộc.

Ngày ông mất, hình ảnh đoàn người đưa tiễn ông kéo dài đã in sâu vào trong tâm trí bao người từng được ông giúp đỡ. Đó cũng là kim chỉ nam cho lối sống của các ông chủ doanh nghiêp vào bao bạn trẻ đang khởi nghiệp.

TRẦN MINH TUẤN