Thời tiết ngày một cực đoan
Trong vòng gần 20 ngày của tháng 2/2024, thời tiết cực đoan diễn ra ở nhiều nơi trên Trái Đất. Mở đầu là trận cháy rừng như hỏa ngục ở Chile (ngày 2/2) khiến 112 người chết, hàng trăm người bị thương.
Giám đốc Cơ quan Pháp y Chile - ông Marisol Prado cho biết, nhiều thi thể bị cháy không thể nhận dạng. Trong khi đó, Thị trưởng TP Vina del Mar - ông Macarena Ripamonti cho biết, có tới hơn 170 người vẫn mất tích cho tới ngày 18/2.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Carolina Toha cho biết, khoảng 92 đám cháy đã bùng phát ở nhiều nơi trên cả nước Chile và thiêu rụi 43.000ha rừng. Tại các tỉnh Marga Marga và Valparaiso, lệnh giới nghiêm đã được áp dụng từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp khẩn cấp nhu yếu phẩm, đặc biệt là nhiên liệu.
Trận cháy rừng này được coi là thảm họa tồi tệ nhất Chile kể từ trận động đất và sóng thần năm 2010 khiến 500 người thiệt mạng.
Còn tại Thủ đô Santiago của Chile, hơn 6 triệu cư dân đã phải hứng chịu những ngày nắng nóng và khô hạn kéo dài. Cơ quan khí hậu Chile cho biết một đợt nắng nóng khi nền nhiệt vượt ngưỡng 33 độ C và còn lên tới 37 độ C vào tuần cuối cùng của tháng 2 năm nay. Đây là nền nhiệt rất khác biệt so với nhiều năm.
Theo Gavin Schmidt - nhà khí hậu học và giám đốc Viện Nghiên cứu vũ trụ Goddard của NASA, năm 2024 sẽ nóng hơn năm 2023 bắt đầu với sự kiện El Nino. Mức nhiệt sẽ đạt đỉnh điểm vào giữa năm 2024. Tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu đối với đại dương trên Trái Đất sẽ diễn ra khi nhiệt độ Bắc Đại Tây Dương tăng vọt. Tiến sĩ Carlos Del Castillo - Giám đốc Phòng thí nghiệm sinh thái đại dương của NASA nhận định, các đại dương đang "lên cơn sốt", ảnh hưởng xấu đến mọi thứ khác. Ông Castillo lưu ý rằng nhiệt độ đại dương nóng hơn có thể khiến các cơn bão mạnh hơn và khiến mực nước biển dâng cao do băng tan.
Trong khi đó, trái ngược lại là giá lạnh ở Nhật Bản và một số quốc gia Đông Bắc Á. Từ chiều 5/2, tuyết đã rơi dày tại thủ đô Tokyo, các mái nhà bao phủ bởi tuyết trắng xóa. Theo cơ quan khí tượng Nhật Bản, tại vùng núi của khu vực xung quanh Tokyo, tuyết rơi dày đến 40cm làm một số tuyến đường cao tốc nối Tokyo với các khu vực khác bị đóng cửa do lo ngại có thể xảy ra tai nạn khi tầm nhìn hạn hẹp và đường trơn trượt. Có gần 90 chuyến bay của 2 hãng hàng không lớn là Japan Airlines và All Nippon Airways đã bị hủy. Dịch vụ xe bus và dịch vụ đường sắt cũng tạm dừng hoạt động ở một số tuyến.
Tại Trung Quốc, sau những ngày nghỉ Tết thời tiết tương đối ấm áp, cuối tuần này, Trung Quốc dự báo sẽ đón đợt không khí lạnh mạnh đầu tiên trong năm Giáp Thìn.
Ngày 18/2, theo Cục Khí tượng quốc gia Trung Quốc, một đợt không khí lạnh sẽ tràn vào nhiều tỉnh thành trên khắp nước này khiến nhiệt độ giảm đột ngột từ 6 - 20 độ C. Khu tự trị Tân Cương đã phải ban hành cảnh báo đỏ, cấp cảnh báo cao nhất về thời tiết lạnh, nhiệt độ thấp nhất ở có thể xuống đến âm 45 độ C. Vùng núi Altay thuộc Tân Cương có nguy cơ lở tuyết ở mức cao với lượng tuyết tích dày có nơi lên đến 1,6m.
Trong khi đó, các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây, Sơn Đông, Hà Nam cũng sẽ ghi nhận tuyết rơi dày. Lưu vực sông Trường Giang, Hoài Hà và các địa phương miền Trung, miền Nam Trung Quốc dự kiến sẽ có mưa hoặc mưa băng trên diện rộng.
Không khí lạnh kèm gió mạnh, mưa tuyết, băng giá có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động giao thông hàng không, đường bộ và đường sắt của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh nước này đang bước vào đợt cao điểm đi lại sau Tết, khi người dân quay trở lại làm việc. Những ngày gần đây, mỗi ngày Trung Quốc ghi nhận hơn 300 triệu lượt người di chuyển nội địa, trong đó hơn 90% là bằng đường bộ.
Trong khi đó, tại tiểu bang California (Mỹ) chỉ trong 1 tuần đã xuất hiện 2 cơn bão. Thống đốc California, ông Gavin Newsom, đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 8 quận với tổng dân số hơn 20 triệu người và cảnh báo lũ quét đã được ban hành tại nhiều khu vực thuộc các quận Los Angeles, Santa Barbara và San Luis Obispo.
Trung tâm Dự báo khí hậu của Mỹ cho rằng, hơn 95% nguy cơ hình thái thời tiết El Nino sẽ tiếp diễn vào mùa đông của Bắc bán cầu (từ tháng 1 đến tháng 3/2024), gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn. Nhà khoa học khí hậu học tại Đại học Pennsylvania - Giáo sư Michael E.Mann, cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu sẽ làm nước biển ấm lên, khiến xuất hiện nhiều bão hơn ở khu vực Đông Bắc của Mỹ. Đáng chú ý, thành phố cảng Long Beach cảnh báo sẽ phải hứng chịu lượng mưa nhiều mưa hơn trong cả năm 2024, vì ngay từ đầu năm nay mưa đã trút liên tục suốt 48 giờ xuống Los Angeles và Santa Barbara.
Giáo sư Celeste Saulo, người Argentina - nữ Tổng Thư ký đầu tiên và là phụ nữ người Nam Mỹ đầu tiên của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã gọi thời tiết khắc nghiệt kéo dài tại nhiều khu vực trên toàn cầu là "trạng thái bình thường mới" khi mà hàng loạt kỷ lục thời tiết khắc nghiệt đã bị phá vỡ. Tần suất và cường độ của nhiều hiện tượng cực đoan như sóng nhiệt và lượng mưa lớn đã tăng lên trong những thập kỷ gần đây và rất có thể sẽ diễn ra gay gắt trong năm 2024.