Giám sát - Phản biện

Chấm dứt trục lợi lễ hội

Ngọc Quang 19/02/2024 07:19

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024 đặc biệt nhấn mạnh việc không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn xã hội, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi.

anhthaybenphai89.jpg
Tính chất thương mại hóa đã từng khiến lễ hội chọi trâu bị ảnh hưởng tiêu cực (trong ảnh: Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu, Vĩnh Phúc). Ảnh: Quang Vinh.

Thực tế cho thấy, lễ hội ở nhiều địa phương thời gian qua đã biến tướng, khiến dư luận bức xúc. Việc tổ chức lễ hội lỏng lẻo của chính quyền địa phương, đặt nặng việc lợi nhuận đã khiến tình hình thêm phức tạp.

Tháng 7/2017, tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), một con trâu đã húc chết chính chủ của nó khi được đưa ra sới chọi. Ngay sau đó, lễ hội chọi trâu nổi tiếng nhất cả nước phải đình chỉ giữa chừng. Trong những năm qua, nhiều lễ hội chọi trâu được phục hồi, như lễ hội chọi trâu Hải Lựu (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc), lễ hội chọi trâu Hàm Yên (Tuyên Quang), lễ hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ). Kể cả thêm một lễ hội chọi trâu ở Phúc Thọ (Hà Nội), cũng chỉ tồn tại được vài mùa.

Vì sao có nhiều hội chọi trâu thế? Bên cạnh việc hấp dẫn của nó thì còn có yếu tố kinh tế khi mà những con trâu chọi càng lọt sâu vào giải đấu thì giá của nó càng tăng lên. So với giá 1 kg thịt trâu bình thường, trâu chọi có giá tối thiểu gấp khoảng 3 lần. Với trâu thắng cuộc, giá 1kg thịt gấp không dưới 10 lần.

Có thể thấy, tính chất thương mại hóa làm xấu đi hình ảnh lễ hội. Lễ hội đầu Xuân là một trong những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cứ mỗi độ Xuân về, hàng triệu người lại về với các lễ hội trên khắp mọi miền đất nước để vãn cảnh đầu năm, cầu an lạc, hạnh phúc, mong cho người thân những điều tốt đẹp, tạm quên đi những ưu phiền, vất vả của một năm cũ. Nhưng, khi nhiều lễ hội đang dần bị thương mại hóa thì nét đẹp văn hóa truyền thống ấy đã không còn nguyên vẹn mà phần nào mất đi bản sắc riêng có.

Nói về điều này, Hòa thượng Thích Gia Quang - Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng những biến tướng của lễ hội không đúng với tinh thần Phật giáo. Một số lễ hội đi xa truyền thống tâm linh và tính chất đạo đức tốt đẹp vì tính thương mại hóa, vì mê tín dị đoan. Một số dựa vào lễ hội có hành vi không đẹp như tổ chức chơi cờ bạc, hành nghề mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, không theo văn hóa truyền thống, làm mất đi vẻ đẹp truyền thống trong lễ hội của người Việt Nam, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục. Nhiều lễ hội được phục dựng nhưng lại đi quá đà.

“Theo quan điểm của Phật giáo thì chỉ dùng cái tâm, tâm niệm để tưởng nhớ, noi gương các bậc tiền bối, các bậc thần thánh để từ đó làm tốt trong đời sống của mình, không cần phô trương, hình thức, đó mới là cái cốt lõi” - Hòa thượng Thích Gia Quang cho biết.

Cũng như mọi năm, năm nay dịp lễ hội Xuân tổ chức ở nhiều nơi trên cả nước. Bên cạnh những chuyển biến theo chiều hướng tích cực, cần đề phòng những hành vi, hiện tượng phản cảm nhằm đảm bảo không gian, môi trường lễ hội trong sạch, lành mạnh để những giá trị nhân văn, nhân bản được lan tỏa, phát huy.

Muốn có được điều đó thì vai trò quản lý của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Để quản lý, vận hành các hoạt động tại di tích, trong đó có lễ hội, thường có ban trị sự, ban quản lý di tích cùng chính quyền và người dân địa phương phối hợp tổ chức. “Ban bệ” đủ cả nhưng lễ hội vẫn bị thương mại hóa, đề cao lợi ích vật chất, đồng tiền. Lễ hội đôi khi còn bị thao túng bởi một số cá nhân. Họ tự cho mình quyền được ban phát lộc thánh với những cảnh “mua - bán”, “xin - cho” diễn ra ngay trong không gian lễ hội. Một số cá nhân viện cớ tổ chức lễ hội để kêu gọi sự quyên góp ủng hộ tiền bạc của các cá nhân, tổ chức dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch tài chính về tiền công đức của người dân.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng chính quyền địa phương thiếu quan tâm đến công tác quản lý, tổ chức lễ hội dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp trong lễ hội. Chính quyền địa phương nể nang để không ít hộ dân xung quanh chiếm dụng, xâm phạm không gian lễ hội, xây dựng các công trình dân sinh, bày bán hàng quán, xả thải bừa bãi, gây mất mĩ quan, ô nhiễm môi trường. Cũng do khâu quản lý không tốt của chính quyền địa phương nên diễn ra việc chèo kéo, lừa đảo du khách. Kể cả dịch vụ khấn thuê, gieo quẻ, xem bói đầu năm diễn ra một cách công khai.

Nếu như chính quyền địa phương tổ chức, quản lý lễ hội tốt thì chắc chắn sẽ hạn chế được nhiều tiêu cực. Mà ở đây, cốt lõi là vấn đề thương mại hóa. Lễ hội đôi khi không khác gì hội chợ. Chúng ta thường nói người dân là chủ thể của lễ hội. Nhưng nếu việc tổ chức lễ hội bị chính quyền địa phương buông lỏng, thì người dân không còn là chủ thể nữa, ngược lại, họ lại trở thành đối tượng bị lợi dụng.

Ngọc Quang