Chính trị

Lương chuyên gia cao cấp tương đương lương thứ trưởng, bộ trưởng

H.Vũ 19/02/2024 07:20

Phát triển đội ngũ công chức theo hướng chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp và trả lương xứng đáng là vấn đề quan trọng trong thu hút và trọng dụng nhân tài.

anh-bai-tren.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XV) ngày 7/11/2023 về vấn đề cải cách chế độ tiền lương. Nguồn: Quochoi.VN

Bộ Nội vụ đang tập trung để đến tháng 10/2024 xong việc nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức, cũng như Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương. Cùng với việc xây dựng thể chế sẽ hoàn thiện các chính sách để thu hút và trọng dụng người có tài năng, tiếp tục đổi mới chế độ công vụ, công chức.

Đặc biệt về chính sách tiền lương, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, phải đánh giá đúng, công bằng, đồng thời tạo động lực để cán bộ, công chức phấn đấu. Trong đó có người phấn đấu đi theo hướng chuyên gia cao cấp, một nhánh nữa nếu đủ năng lực, điều kiện sẽ quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh, chức vụ lãnh đạo.

Xét trên thực tế, lâu nay thu nhập luôn gắn liền với chức danh và chức vụ lãnh đạo nên mới có việc “chạy đua” để vào vị trí chức danh, chức vụ lãnh đạo. Trong khi đó, có một bộ phận cán bộ không giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo vốn là những chuyên gia trong một số lĩnh vực thì tiền lương lại thấp nên có một bộ phận “chạy” sang khu vực tư. Vì thế phân luồng để phát triển đội ngũ công chức theo hướng chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp đang là vấn đề bức thiết trong bối cảnh hiện nay để tạo động lực cho các cán bộ công chức phấn đấu mà phát triển. Nhất là vừa qua một số nơi, trong đó có TPHCM đã ban hành quy định tiêu chí, và có thể trả lương 120 triệu đồng/tháng đối với lãnh đạo các tổ chức khoa học công nghệ công lập.

Liên quan đến việc tiền lương của những chuyên gia cao cấp sẽ tương đương với lương của bộ trưởng, thứ trưởng, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, hiện nay có việc lương của một số chuyên gia cao cấp, các vụ trưởng còn cao hơn cả thứ trưởng.

Ông Dĩnh phân tích: Chuyên gia cao cấp có thể là thứ trưởng đã nghỉ hưu, hoặc các vụ trưởng. Hiện nay lương của chuyên gia cao cấp thì bậc 6 là cao nhất. Trong khi đó có những thứ trưởng, đặc biệt thứ trưởng từng là Giám đốc các Sở, ngành tại địa phương thì chưa đến bậc 6, có nghĩa lương của nhiều thứ trưởng còn thấp hơn cả vụ trưởng. Chưa kể có những thứ trưởng chỉ là chuyên viên cao cấp bậc 3, 4, hoặc 5, trong khi các chuyên gia cao cấp chuyên sâu trong một số lĩnh vực là bậc 6.

Theo ông Dĩnh, hiện nay có những chuyên gia cao cấp lương cao gần như bộ trưởng. Đây là những chuyên gia hiện đang công tác trong các cơ quan nhà nước. Song ông Dĩnh cũng đặt vấn đề: Hiện nay chúng ta đang thu hút người tài, nếu thu hút đội ngũ chuyên gia từ khu vực tư nhân về khu vực nhà nước thì những người có học hàm, học vị, có công trình nghiên cứu khoa học có coi là những chuyên gia cao cấp hay không?

Từ đó ông Dĩnh cho rằng, nên xây dựng cơ chế thuê chuyên gia cao cấp. Bởi hiện nay thực tế đã có việc một số bộ cho phép các vụ chuyên môn mời một số chuyên gia tham gia vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật như Thông tư, Nghị định, Luật. Các chuyên gia này có thể là các thứ trưởng, vụ trưởng, lãnh đạo quản lý đã nghỉ hưu. Đây cũng là cách để tận dụng chất xám, trí tuệ, kinh nghiệm của đội ngũ đó vì họ còn đủ sức khoẻ và khả năng cống hiến.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Uỷ viên Hội đồng tư vấn về Khoa học, giáo dục và môi trường UBTƯ MTTQ Việt Nam nêu quan điểm, cần xây dựng chuyên nghiệp đội ngũ chuyên gia cao cấp, nhà khoa học. “Có một thầy giáo giỏi về công nghệ thông tin được đào tạo ở Nhật Bản xong về nước làm việc tại một trường đại học. Vì lương không đủ sống nên đã chuyển sang trường đại học tư. Để giữ chân người này, nhà trường đề nghị trả lương cao hơn nhưng anh đã từ chối không dám nhận và nói rằng thầy của mình lương chỉ 9 triệu đồng/tháng, lại đi dạy thay cho mình trong lúc mình đi du học tại Nhật Bản. Bây giờ làm sao có thể cùng một bộ môn với thầy mà mình nhận lương 20 triệu đồng còn thầy chỉ có 9 triệu đồng” - bà Chi dẫn chứng và cho rằng đây chính là sự bất cập. Do đó phải tính toán làm sao để lương của các chuyên gia cao cấp, nhà khoa học phải đủ cho mức sống, tránh tình trạng “chạy” sang khu vực tư nhân vì lương quá thấp.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cũng cho rằng, tiền lương của những chuyên gia cao cấp phải tương đương, thậm chí còn cao hơn lương của bộ trưởng, thứ trưởng mới khuyến khích được xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp. Đồng thời qua đó mới phát triển đội ngũ công chức theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu thay vì chỉ hướng đến mục tiêu làm chức vụ lãnh đạo.

H.Vũ