Văn hóa

Bảo tồn, sáng tạo giá trị mới và sự tiếp biến

N.Quang 19/02/2024 08:40

Hiểu một cách đơn giản thì lễ hội bao gồm phần “lễ” và phần “hội”. Cứ mỗi độ tháng Giêng, nhiều địa phương trong cả nước lại sôi động bởi lễ hội. Vui nhiều mà âu lo cũng không ít. Vì sao vậy?

Trong các môi trường di tích, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo có mối quan hệ khá gần gũi với nhau. Hạn chế tối đa những biến tướng, các địa phương có thể phát huy được mặt tích cực, giúp người tham dự lễ hội có được tinh thần tốt.

anh-1-ykcg-ninh-thi-thu-huong.jpg
Bà Ninh Thị Thu Hương

Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), cho rằng lễ hội ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là sinh hoạt văn hóa gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng. Trong bối cảnh đời sống kinh tế phát triển và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, nhiều lễ hội truyền thống đã được phục hồi, phát huy giá trị trong đời sống văn hóa cộng đồng. Thông qua các lễ hội, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được đảm bảo, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, không khí dân chủ trong xã hội được tăng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo bà Hương, công tác tuyên truyền, giới thiệu nguồn gốc, ý nghĩa, lịch sử văn hóa và các hoạt động văn hóa đặc trưng của lễ hội đến nhân dân và du khách thời gian qua còn hạn chế. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ thông tin, số hóa lễ hội truyền thống chưa được khai thác hiệu quả. Cấp bách là triển khai Đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam” giai đoạn 2021‐2025 nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lễ hội; nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và người dân trong hoạt động lễ hội. Theo đó, 100% dữ liệu các loại hình lễ hội truyền thống sẽ được số hóa. Các tư liệu được tổng hợp, sắp xếp phân nhóm theo các loại hình: Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài.

Bà Hương cũng cho rằng, từ xa xưa người dân đến lễ hội đúng nghĩa hưởng thụ giá trị văn hóa tinh thần rất lớn. Ngày nay, quy mô lễ hội lớn hơn rất nhiều, người dân không chỉ đi lễ hội ở làng mình, tỉnh mình mà là lễ hội trên cả nước. Vì vậy, việc tổ chức lễ hội đã đặt ra những vẫn đề mới cần quan tâm, không chỉ riêng với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch mà còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, với biện pháp hành chính là chưa đủ, mà điều đầu tiên phải là việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của từng người dân khi tham gia lễ hội.

nguyenhungvi.jpg
Ông Nguyễn Hùng Vĩ.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), lễ hội là một thực thể luôn vận động. Trong sự vận động đó, cái tồn tại lâu bền nhất như sợi chỉ đỏ chính là hệ giá trị của lễ hội. Còn hành động của lễ hội có thể bảo lưu và cũng có thể thay đổi. Chúng ta cần bảo tồn được tinh hoa của hệ giá trị truyền thống, bên cạnh đó không quên tiếp nhận có chọn lọc những giá trị hiện đại.

Ông Vĩ cho rằng, đi lễ hội quan trọng nhất là tâm thế. Về phía nơi tổ chức, nhiều lễ hội với mục tiêu kinh doanh đang lấn át ý nghĩa đẹp đẽ của lễ hội. Đáng chú ý, khi ông Vĩ cho rằng những làng không có lễ hội, có thể họ giàu có nhưng chưa chắc đã vững bền. Dẫn lời nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc, ông Vĩ cho rằng điều đó khiến họ dễ bị “xô giạt văn hóa”.

Đứng trước thực tế nhiều lễ hội mang yếu tố tiêu cực, phản cảm, ông Vĩ cho rằng tiêu cực là lễ hội quá chen chúc, xô đẩy tạo thành tình trạng lộn xộn, phức tạp về an ninh và an toàn. Nạn “chặt chém”, rượu chè, bói toán mê tín dị đoan… “Thường thì, các ban tổ chức lễ hội không lường được hết. Họ cứ muốn hội cho đông thôi” - ông Vĩ nói.

Vậy, giải pháp nào để bảo tồn và phát triển lễ hội một cách văn minh, lành mạnh mà vẫn thu hút được khách du lịch? Ông Vĩ cho rằng, việc nghiên cứu để thấu hiểu lễ hội và thấu hiểu quá trình vận động của nó là việc tiên quyết. Từ đó mới nhận định được những gì là giá trị của từng lễ hội để bảo tồn giá trị đó là chủ yếu, đồng thời phân định được những gì không còn phù hợp với tinh thần nhân văn hiện đại. Cũng từ đó có thể phát huy, phát triển lễ hội theo những cách khác nhau.

“Những gì tạo nên giá trị hôm nay chắc chắn sẽ là truyền thống tốt đẹp cho ngày mai. Lễ hội vốn đã phát triển, thay đổi, tiếp biến trong trường kỳ lịch sử thì với ngày nay chúng ta hoàn toàn có thể có những sáng tạo để quảng bá cho một biểu trưng văn hóa Việt Nam đẹp đẽ, nhân văn” - ông Vĩ nói.

N.Quang