Tăng tốc các dự án hạ tầng
Hàng loạt dự án hạ tầng lớn, có vai trò quan trọng ở khu vực phía Nam đang đẩy nhanh việc thi công ngay những ngày đầu năm mới, như dự án Vành đai 3, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên hay tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương…
Là một trong những công trình quan trọng ở TPHCM, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đi qua nhiều quận huyện. Ngoài việc cải tạo dòng kênh để tạo môi trường nước, dự án còn xây mới 64km đường ven kênh, tạo thành trục giao thông cực kỳ quan trọng của thành phố, có thể kết nối từ tỉnh Long An sang phía tỉnh Bình Dương. Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (chủ đầu tư) cho biết, hiện dự án đang triển khai thi công đồng thời 10/10 gói nhằm đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Dự án đã thực hiện được khoảng 50% khối lượng công việc. Dự kiến trong năm 2024 này, các nhà thầu sẽ tập trung thi công hoàn thành các hạng mục xây lắp, thoát nước, nền đường giao thông, chiếu sáng… để đảm bảo dự án sẽ hoàn thành đúng dịp cuối tháng 4/2025.
Tuy nhiên, dự án kênh Tham Lương - Bến Cát- Rạch Nước Lên hiện còn tồn tại 2 khó khăn. Theo đó, công tác giải mặt bằng vẫn còn một số hộ dân chưa trả mặt bằng thi công, một số hộ tái chiếm mặt bằng sau khi đền bù (như quận Bình Tân còn hơn 200 hộ, quận 12 còn hơn 10 hộ…).
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, hiện các hộ dân chưa bàn giao đều đã đồng ý phương án di dời, đảm bảo trong tháng 2 và tháng 3/2024 sẽ có mặt bằng sạch để nhà thầu thi công. Trong khi đó, về nguy cơ thiếu cát đắp nền do nguồn vật liệu cát từ các mỏ ở Đồng Tháp, An Giang đang vướng thủ tục pháp lý hiện cũng được các nhà thầu giải quyết bằng cách thay thế nguồn cung khác khi các mỏ cát ở Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh… Ngoài ra, cát từ hồ Dầu Tiếng (nằm ở 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước) có trữ lượng lớn, vị trí địa lý thuận lợi cũng có thể là phương án khả thi.
Nếu hoàn thành đúng vào cuối tháng 4/2025, dự án hạ tầng cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên sẽ mang tới diện mạo mới cho khu vực đô thị rộng lớn của TPHCM.
Cũng tăng tốc đầu năm là dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 (metro) Bến Thành - Tham Lương dài 11km. Khác với phương án thực hiện dự án tuyến Metro số 1, tuyến số 2 được thi công theo phương pháp làm sạch mặt bằng trước (trước kia khi thi công tới điểm A, nhà thầu sẽ phải di dời hệ thống điện, nước, đường sá, cáp… thì nay nhà thầu sẽ thi công di dời toàn bộ hệ thống điện (hoặc nước, cáp…của dự án sẽ đi qua). Phương án này có nhiều ưu điểm hơn việc thi công cũ, nhất là khi phần lớn mặt bằng thi công của tuyến số 2 đi ngầm dưới lòng đất. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, trong năm 2024 này, đơn vị sẽ cơ bản hoàn thành các gói thầu di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu chính vào năm 2025 tới. Cùng với tuyến metro số 1, tuyến Bến Thành - Tham Lương sẽ mang tới nhiều thay đổi tích cực cho hạ tầng giao thông ở TPHCM ít năm tới.
Là một trong những công trình thi công “xuyên Tết”, dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn thuộc địa bàn TPHCM đang dần hình thành.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TPHCM cho biết, để đảm bảo tiến độ đơn vị đã duy trì hơn 300 cán bộ công nhân làm việc xuyên Tết trên công trình và vẫn tiếp tục những ngày đầu năm mới. Dự án đường Vành đai 3 TPHCM đi qua 4 địa phương gồm TPHCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Tới đầu năm 2024, sau khoảng 6 tháng khởi công, TPHCM đã hoàn thành được khoảng 11% khối lượng công việc (trong đó giải phóng mặt bằng là 98%); tỉnh Long An hoàn thành 25% khối lượng công việc (trong đó giải phóng mặt bằng là 98%); Bình Dương đạt 18% khối lượng (giải phóng mặt bằng 80%), tỉnh Đồng Nai mới đạt 2% khối lượng (giải phóng mặt bằng 6%). Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và thông xe toàn tuyến vào đầu năm 2026.