Phát triển ngành bán dẫn trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Việt Nam hiện đứng thứ 9 trên thế giới ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử và được đánh giá là quốc gia có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, quy mô của ngành điện tử đã đủ để phát triển ngành vi mạch bán dẫn.
Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn như hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển. Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành này.
Bên cạnh đó, việc Hoa Kỳ cam kết và ủng hộ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị công nghệ cao toàn cầu và vào ngành chíp, bán dẫn đã mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam gia nhập mạng lưới sản xuất có giá trị cao của quốc tế. Thực tế, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Điều này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Để thúc đẩy hợp tác và phát triển trong lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thời gian qua Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn, quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn. Triển khai các kế hoạch này, Bộ KHĐT thông qua Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã ký hợp tác với 2 tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ về thiết kế chip là Sypnosyps và Cadence hợp tác trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. Đồng thời, phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp với các viện nghiên cứu lớn của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… để đặt các văn phòng đại diện, văn phòng nghiên cứu tại NIC.
Triển vọng và thuận lợi là vậy, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngành công nghiệp bán dẫn đang đặt ra các thách thức cho các DN và chính phủ các nước, trong đó Việt Nam cũng đang phải đối mặt, đó là: Chi phí đầu tư cao; chịu áp lực cạnh tranh cao từ các nước như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu; thách thức về công nghệ; yêu cầu về đội ngũ nhân sự chất lượng cao rất lớn, và thực tế nguồn nhân lực của Việt Nam mới chỉ đang dừng lại ở giai đoạn đầu, kỹ năng và trình độ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các DN.
Do đó, Bộ KHĐT đang tập trung vào các nội dung để bước đầu hình thành ngành công nghiệp này, ngoài việc xây dựng cơ chế và chính sách riêng để thu hút và tận dụng sự đầu tư từ nước ngoài; đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, DN của Việt Nam tiếp cận các công nghệ mới… thì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đặc biệt được chú trọng với việc xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2030. Đề án làm rõ bức tranh toàn cảnh về nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đến năm 2023 có 50.000 nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, với kỳ vọng cung cấp đủ số lượng nguồn nhân lực cho các DN bán dẫn trong nước và xuất khẩu lao động sang các các thị trường phát triển khác.
Theo GS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay Việt Nam mới có khoảng 6.000 kỹ sư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, đây là con số quá ít so với nhu cầu của thị trường. Do đó, chúng ta cần tập trung ưu tiên đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn. Vì thế cần ưu tiên đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và 2030.