Chứng khoán chiều lòng nhà đầu tư?
Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu năm âm lịch Giáp Thìn 2024 đầy hứng khởi, tâm lý nhà đầu tư được củng cố. Chưa kể giai đoạn này là thời kỳ bắt đầu mùa đại hội cổ đông năm 2024 và mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024. Các yếu tố được kỳ vọng sẽ nâng đỡ thị trường.
Mùa tăng điểm
Nhiều nhà đầu tư chứng khoán cũng như các chuyên gia nghiên cứu thị trường tài chính đều đưa ra quan điểm, quý I của năm thường là thời gian tăng điểm của thị trường chứng khoán. Lý do được đưa ra là, trong quý I các doanh nghiệp dồn dập đại hội đồng cổ đông, các kế hoạch tài chính của năm cũng được đưa ra nên thị trường nhà đầu tư có cơ sở để nuôi kỳ vọng vào lợi nhuận doanh nghiệp. Chưa kể trong 1 tuần trước khi nghỉ lễ Tết, thông điệp nâng hạng thị trường vào năm 2025 được đưa ra rất mạnh mẽ. Vì vậy các niềm tin được kéo dài, đưa dòng tiền trở lại thị trường.
Cập nhật dữ liệu phiên giao dịch ngày 19/2, tức là phiên giao dịch thứ 3 sau kỳ nghỉ lễ tết Nguyên đán, thị trường tăng điểm mạnh. Tại thời điểm 14 giờ 29, chỉ số VNindex đạt 1225,09 điểm tăng 15,27 điểm, tương đương 1,26%.
Còn theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, tâm lý của nhà đầu tư trong nước hiện khá hưng phấn nhờ những thông tin hỗ trợ tích cực về vĩ mô trong nước, đặc biệt là số liệu về chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), xuất nhập khẩu, FDI trong tháng 1, cũng như kết quả kinh doanh quý IV/2023 của các doanh nghiệp niêm yết đã có sự phục hồi rõ rệt.
Điều này củng cố cho tâm lý thị trường hướng tới một mùa đại hội cổ đông năm 2024 và mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024 với gam màu tươi sáng hơn.
Tham dự buổi Lễ đánh cồng khai trương giao dịch đầu Xuân Giáp Thìn 2024 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) sáng 19/2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, nhìn lại năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua rất nhiều thách thức, khó khăn và vẫn đạt được những kết quả quan trọng, tăng trưởng GDP đạt 5,05%, thu ngân sách nhà nước vẫn vượt dự toán. Tất cả các chỉ tiêu về nợ công, nợ Chính phủ hay nợ nước ngoài đều trong tầm kiểm soát, dưới ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép, chỉ số lạm phát được kiểm soát, các cân đối vĩ mô nền kinh tế được giữ vững.
Trên nền tảng kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán 2023 vẫn tiếp tục phát triển bền vững. Đây là nhận định chung của thị trường, từ nhiều góc nhìn, từ các thành viên thị trường, các chuyên gia…
Triển vọng hút vốn ngoại
Cũng theo nhìn nhận của giới chuyên gia, các yếu tố vĩ mô được kỳ vọng sẽ cải thiện trong năm 2024 với dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức từ 6,5% - 6,7%. Đặc biệt sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ lấy lại sinh khí cho thị trường khi đây là một trong những nhóm ngành trụ cột, đồng thời có sức lan tỏa tới nhiều lĩnh vực khác. Môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì, không chỉ giúp sản xuất, kinh doanh hồi phục mà còn có thể khiến một phần dòng tiền tiếp tục chuyển dịch sang thị trường chứng khoán. Cùng với đó, sự hồi phục của các doanh nghiệp sẽ thu hút sự trở lại của dòng vốn ngoại khi định giá thị trường trở nên hấp dẫn hơn.
Các chuyên gia nhìn nhận, khi được nâng hạng, thị trường chứng khoán có khả năng thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư thụ động (hình thức đầu tư này ngày càng phổ biến hơn trên thế giới) như các quỹ đầu tư theo các chỉ số của các tổ chức xếp hạng thị trường uy tín trên thế giới MSCI, FTSE Russell… Đây cũng là yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển bền vững của thị trường trong dài hạn.
Bà Nguyễn Hoài Thu - Tổng Giám đốc điều hành Khối Đầu tư chứng khoán VinaCapital nhận định, việc tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo ở mức 2 con số sẽ là yếu tố thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài. “Chúng tôi đưa ra mức dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 là 13% và năm 2025 có thể đạt được trên 20%. Đồng thời định giá của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay đang ở mức rẻ nhất trong vòng 10 năm. Mức định giá rẻ này đã hấp dẫn, thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà đầu tư ngoại” - bà Thu nhận định .
Thời gian qua cơ quan quản lý, giám sát thị trường chứng khoán đã tích cực hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong bối cảnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng tinh vi phức tạp, nhờ đó, trật tự kỷ luật, kỷ cương của thị trường được giữ vững, công tác giám sát, thanh tra kiểm tra được tăng cường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán góp phần làm thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch, lành mạnh, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, năm 2024 mục tiêu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam có bước phát triển mới về chất, nâng hạng trong thời gian sớm nhất. Chúng ta phải chủ động thực hiện các giải pháp để thị trường chứng khoán bước lên thị trường mới nổi. Đòi hỏi nỗ lực từ cơ quan quản lý nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán, công ty lưu ký, các cơ quan liên quan, doanh nghiệp niêm yết… để có một thị trường lên thang bậc mới trong xếp hạng. Năm 2024, cụ thể hóa và tiến lên nhiều nhất có thể.