Công bố Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Đất đai
Ngày 19/2, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố 2 luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường mới đây. Việc Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Đất đai được thông qua tại kỳ họp bất thường của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn quản lý trong lĩnh vực tài chính cũng như lĩnh vực đất đai, đồng thời cũng để đồng bộ hóa, thống nhất trong quy định với các luật đã sửa đổi, bổ sung và ban hành trước đó.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn, mục tiêu của Luật Các tổ chức tín dụng là để hạn chế việc lạm dụng, thao túng, chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng từ những cổ đông lớn, nhóm cổ đông và người có liên quan. Khái niệm “người có liên quan” trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã được sửa đổi, bổ sung và cụ thể hóa một cách rõ ràng, chi tiết. Cùng với đó, luật bổ sung trách nhiệm công bố công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 0,1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, thông tin về người có liên quan của người quản lý, điều hành các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh mục tiêu siết chặt kỷ luật kỷ cương, thì còn hướng tới đại chúng hóa hoạt động của tổ chức tín dụng. Để tránh việc lạm dụng cấp tín dụng một cách bừa bãi, Luật Các tổ chức tín dụng cũng đã quy định lộ trình 5 năm giảm dần giới hạn cấp tín dụng; bổ sung quy định về vốn và sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng; nguyên tắc ghi nhận doanh thu, chi phí... Ngoài ra, Luật Các tổ chức tín dụng còn sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện người quản lý, điều hành cũng như nâng cao kiểm soát, tăng số lượng tối thiểu thành viên ban kiểm soát của ngân hàng thương mại, tăng cường trách nhiệm của ban kiểm soát các tổ chức tín dụng...
Đáng chú ý, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 còn luật hóa chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính. Cụ thể: Luật đã hợp nhất giấy phép thành lập, hoạt động của tổ chức tín dụng đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện ở trong nước của tổ chức tín dụng đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện. Việc hợp nhất các giấy phép nhằm giảm thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho tổ chức tín dụng.
Còn Luật Đất đai 2024 là sự kế thừa Luật Đất đai 2013, có sửa đổi, bổ sung để đảm bảo điều chính kín kẽ một số vấn đề còn bất cập trong thực tiễn quản lý. Luật Bao gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013, bổ sung mới 78 điều. Trong Luật Đất đai 2024, các khái niệm đã được giải thích rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, phổ quát cho các vùng miền; bổ sung giải thích một số cụm từ được dùng nhiều để đảm bảo cách hiểu thống nhất.
Luật Đất đai 2024 đã sửa đổi, bổ sung cho thống nhất với quy định tại Bộ luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư; không phân biệt công dân Việt Nam định cư trong nước hay ở nước ngoài trong việc tiếp cận đất đai. Cùng với đó đã bổ sung một số loại đất vào nhóm đất nông nghiệp, phi nông nghiệp; nguyên tắc bảo vệ đất, thích ứng biến đổi khí hậu; khuyến khích việc sử dụng đất có hiệu quả, phát triển kết cấu hạ tầng làm tăng giá trị đất; nghiêm cấm hành vi vi phạm chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số...
Luật Đất đai 2024 còn bổ sung thêm một mục quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai. Luật đã hoàn thiện quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo hướng: Đối với người có quốc tịch Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân ở trong nước. Đặc biệt, người thuê đất có quyền trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền hàng năm...