Quốc tế

Số ca ung thư toàn cầu tăng mạnh

Bảo Thư 20/02/2024 07:57

Theo Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc bệnh ung thư trên toàn cầu sẽ lên đến 35 triệu trường hợp vào năm 2050, tăng 77% so với số liệu được báo cáo vào năm 2022.

anhbaiduoi(1).jpg
Tầm soát ung thư phổi tại Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC). Nguồn: Verywellhealth.com

IARC cho rằng, việc lạm dụng thuốc lá và rượu, cũng như béo phì và chất lượng không khí kém là những yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng số ca mắc ung thư.

Báo cáo định kỳ 6 tháng của IARC, dựa trên dữ liệu từ 185 quốc gia và 36 loại ung thư khác nhau, cũng cho biết có khoảng 9,7 triệu ca tử vong vì căn bệnh này trên toàn cầu vào năm 2022.

Tiến sĩ Freddie Bray, thuộc IARC, nói với Al Jazeera rằng: "Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng tôi đang chứng kiến là sự gia tăng tương ứng của gánh nặng ung thư sẽ là gánh nặng ở các quốc gia có thu nhập thấp, mức phát triển con người thấp hơn".

Trong khi đó, theo tiến sĩ Jean Yves Blay - Giám đốc chính sách công tại Hiệp hội Ung thư y tế châu Âu, để giảm thiểu số ca mắc ung thư cần có hành động nhanh chóng và quyết đoán để giảm ô nhiễm, giảm tiếp xúc với hoác chất độc hại và các chất gây ung thư; giảm thiểu các hành vi làm tăng nguy cơ ung thư cũng như giải quyết các trở ngại, sự do dự trong tiêm chủng phòng ngừa các bệnh ung thư (có thể phòng ngừa được).

Trên thực tế, nhiều quốc gia đã đầu tư mạnh vào phát triển vaccine và thuốc điều trị ung thư. Mới nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo giới khoa học nước này đã tiến gần đến việc tạo ra vaccine ung thư và có thể sẽ sớm cung cấp cho bệnh nhân.

"Các nhà khoa học Nga đã tiến rất gần đến bào chế thành công vaccine ung thư và thuốc điều chỉnh miễn dịch thế hệ mới. Tôi hy vọng những loại thuốc này sẽ sớm được sử dụng hiệu quả trong từng phác đồ cá nhân" - Tổng thống Putin phát biểu tại diễn đàn ở Moscow về các công nghệ tương lai, ngày 14/2/2024.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có 6 loại vaccine được cấp phép sử dụng nhằm hạn chế tế bào ung thư. Trong khi đó, Chính phủ Anh đã ký một thỏa thuận với BioNTech có trụ sở tại Đức để triển khai các thử nghiệm lâm sàng cung cấp phương pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa, nhằm tiếp cận 100.000 bệnh nhân vào năm 2030.

Như vậy, tuy số ca bệnh nhân ung thư được dự báo tăng, tuy nhiên các nỗ lực phát triển vaccine cũng như điều trị phương pháp điều trị ung thư dựa trên thành tựu của công nghệ cũng đem tới nhiều hy vọng hơn.

Bảo Thư