Nhộn nhịp vươn khơi tìm lộc biển
Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã đồng loạt ra khơi. Trong khi đó những tàu thuyền đánh bắt xuyên Tết chở đầy ắp cá, tôm trở về cảng. Với bà con, đây là tin vui đầu năm để họ có thêm động lực vươn khơi.
Lộc biển đầu năm
Những ngày này, nhiều tàu thuyền đánh bắt xuyên Tết đã liên tiếp cập cảng Sa Kỳ và cảng cá Tam Quang. Tàu cá QNg 90701 TS của ngư dân Trần Đức Linh, ở xã Bình Châu, sau nhiều ngày bám biển xuyên Tết đã cập cảng Sa Kỳ. Ông Linh cho biết: “Chuyến biển xuyên Tết này, tàu tôi đánh bắt được hơn 5 tấn cá chuồn, với giá bán 50 nghìn đồng/kg cá chuồn. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, thực phẩm thì tàu tôi có lãi cao. Trung bình mỗi thuyền viên thu về hơn 10 triệu đồng/người. Sau khi nghỉ ngơi vài ngày, các thuyền viên sẽ nhập nhiên liệu, nhu yếu phẩm tiếp tục vươn khơi trở lại”.
Còn ngư dân Nguyễn Cu, ở xã Tam Quang cho biết: “Tàu tôi có công suất nhỏ nên chỉ đánh bắt ở gần bờ. Chúng tôi ra khơi từ mùng 3 Tết đánh bắt hải sản vài ngày rồi trở về, mỗi chuyến biển thu về được hơn 30 triệu đồng. Nhờ vậy ngay từ đầu năm tôi có nguồn thu nhập để lo trang trải cuộc sống gia đình”.
Còn tại các bến Tam Tiến, Tam Hải (huyện Núi Thành); bến cá An Lương, xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) rất đông người dân đánh bắt hải sản gần bờ, khoảng 5 - 6 hải lý trúng đậm nhiều loại hải sản như: cá hố, cá cơm, mực, cá nục… Với tín hiệu vui từ đầu năm đã tiếp thêm động lực cho ngư dân ngày càng quyết tâm, vươn khơi.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho hay, là địa phương có sản lượng khai thác đánh bắt hải sản cao, tổng sản lượng khai thác đánh bắt trong năm 2023 đạt 21.000 tấn hải sản, đạt 102,43% kế hoạch. Xã Bình Châu phát triển mạnh các nghề như: lặn, lưới rê, lưới vây, lưới rút, câu… các thuyền có công suất lớn trở lên thường xuyên bám biển dài ngày, vừa khai thác hải sản đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, đồng thời trở thành những cột mốc sống giữa biển khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Khí thế vươn khơi
Trong khi những chuyến tàu đánh bắt hải sản xuyên Tết trở về thì những ngày qua ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam đã tập trung tổ chức Lễ ra quân khai thác đánh bắt hải sản đầu năm, với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, lộc biển dồi dào và nhiều tàu đã xuất bến ra khơi.
Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có hơn 490 chiếc tàu thuyền, còn lại là một số thuyền nhỏ và thúng nan. Dịch vụ hậu cần nghề cá tương đối phát triển, giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động trong và ngoài xã. Thời gian qua, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân về chấp hành nghiêm quy định chống khai thác khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Hiện nay, xã Bình Châu cũng là địa phương hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá với 236/238 tàu, chỉ có 2 tàu cá nằm bờ cam kết không hành nghề. Ngay từ đầu năm bà con đã khí thế ra khơi.
Trong lúc đang nhập nhiên liệu và đưa nhu yếu phẩm lên tàu cá QNg 96416 TS tại cảng Sa Kỳ, ngư dân Trần Khổ (ở xã Bình Châu) chia sẻ, sau Tết Nguyên đán năm nay, nhiều tàu thuyền cùng các thuyền viên đã chuẩn bị lương thực, đá lạnh, nước uống đưa lên tàu để sẵn sàng cho chuyến vươn khơi đầu năm mới.
“Tàu của tôi có 10 thuyền viên, hành nghề lặn, thường xuyên đánh bắt ở ngư trường truyền thống. Để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi đầu năm mới, tàu cá tôi đã sẵn sàng ngư lưới cụ và đã nhập hàng nghìn cây đá lạnh cùng nhiều nhu yếu phẩm. Tôi hy vọng chuyến vươn khơi đầu năm sẽ trúng nhiều mẻ, tôm cá để có nguồn thu nhập cao ngay từ đầu năm” - ông Khổ nói.
Tại các cảng Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ), Cảng cá Tịnh Kỳ, cảng cá Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) rất nhiều ngư dân đang tất bật nhập nhiên liệu và chuẩn bị nhu yếu phẩm để chuẩn bị vươn khơi đánh bắt, đã tạo một bầu không khí nhộn nhịp, sôi động ngay từ đầu năm mới.
Ông Hồ Trọng Phương - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong dịp Tết, đơn vị cùng các ngành chức năng đã đến thăm hỏi, động viên ngư dân, đồng thời tổ chức các buổi lễ ra quân đánh bắt đầu năm mới. “Chúng tôi cũng nhắc nhở bà ngư dân tham gia đánh bắt trên biển không vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp. Toàn tỉnh phấn đấu năm 2024 sản lượng đánh bắt đạt 270 nghìn tấn hải sản” - ông Phương nói.
Trong khi đó tại Quảng Nam, sau Tết, nhiều ngư dân đã tập trung tại cảng cá Tam Quang, cảng An Hòa thuộc huyện Núi Thành để nhập nhiên liệu và đưa các ngư lưới cụ lên tàu để chuẩn bị vươn khơi đánh bắt đầu năm mới.
Ngư dân Dương Văn Cử, chủ tàu cá 00199 TS, ở xã Tam Quang cho biết: “Hàng năm, sau Lễ hội Cầu ngư, tôi cùng bạn thuyền chuẩn bị đầy đủ các ngư lưới cụ, tiếp đầy nhiên liệu để vươn khơi đánh bắt hải sản ở ngư trường của Việt Nam. Tôi hy vọng chuyến biển đầu năm mới thuận buồm xuôi gió, trời yên biển lặng, đánh bắt trúng nhiều mẻ tôm, cá đầy khoang tàu”.
Ông Huỳnh Thế Điểu - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang cho biết, toàn huyện Núi Thành có hơn 400 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, trong đó xã Tam Quang có 200 tàu thuyền, qua đó đã tạo việc làm cho 4.000 lao động trực tiếp và phục vụ hậu cần khai thác đánh bắt xa bờ. Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang luôn tích cực tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho đoàn viên, ngư dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước khi khai thác hải sản trên biển.
Ông Võ Văn Long - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết: “Sau Tết, ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu vươn khơi đánh bắt ở các ngư trường truyền thống. Để động viên tinh thần cho ngư dân đầu năm mới, các ngành chức năng trong tỉnh đã đến thăm hỏi và tổ chức các lễ hội cầu ngư, lễ ra quân đánh bắt đầu năm mới”.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 4.544 tàu cá, trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên khai thác vùng khơi hơn 3.200 tàu; tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m là 970 tàu. Còn Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh hơn 2.700 chiếc, trong đó tàu có chiều dài 15m trở lên hoạt động vùng khơi là 648 chiếc, tàu có chiều dài từ 12 đến dưới 15m hoạt động vùng lộng là 729 chiếc, tàu có chiều dài từ 6 đến dưới 12m hoạt động vùng bờ là 1.338 chiếc, đã giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động, trong đó 13.000 người khai thác trực tiếp trên biển và khoảng 2.000 lao động trên bờ làm nghề dịch vụ, thu mua.