Tinh thần “đi trước mở đường”
Năm 2024, đất nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, trong đó vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chiếm áp đảo, lên tới 422.000 tỷ đồng. Phát biểu tại phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình giao thông, ngày 16/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2024 được xác định là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm.
Những năm qua, hệ thống giao thông đường bộ của đất nước đã dần hình thành theo hướng hiện đại. Nổi bật là cao tốc Bắc - Nam và hệ thống đường vành đai các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội và TPHCM. Giao thông phát triển với tinh thần “đi trước mở đường”, đường mở tới đâu phồn vinh tới đó. Đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông là lựa chọn đúng đắn, sáng suốt, là yếu tố then chốt cho sự phát triển trước mắt và lâu dài.
Hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai TPHCM.
Ngày 13/2 (mùng 4 Tết Giáp Thìn), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tiến độ, tặng quà, động viên cán bộ, công nhân, người lao động đang làm việc trên công trường một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm tại các tỉnh thành phía Nam. Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai dự án; Ban quản lý dự án, các nhà thầu, đơn vị liên quan đã tích cực làm việc xuyên Tết với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Tới nay, dù vẫn còn khó khăn trong việc triển khai các dự án giao thông, nhưng hệ thống đường bộ hiện đại đã thực sự là điểm sáng của sự phát triển. Chỉ trong 2 năm qua, hàng loạt các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành, đưa vào khai thác, làm thay đổi diện mạo giao thông đất nước. Trong đó có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475km, nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892km. Theo kế hoạch, 2 dự án còn lại trong toàn bộ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2021 sẽ hoàn thành vào quý II năm nay, đưa vào khai thác 2.021km đường bộ cao tốc.
Và với tiến độ hiện tại, với quyết tâm rất lớn thì chỉ 2 năm nữa, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 sẽ về đích, đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc.
Đẩy nhanh tiến độ thi công là điều đáng quý, tuy nhiên chất lượng công trình là rất quan trọng. Thời gian qua, một số đoạn tuyến cao tốc cũng đã bộc lộ khuyết điểm khi đưa vào sử dụng chưa lâu mặt đường đã bong tróc, xuất hiện vết nứt, lồi lõm. Điều đó do nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất chính là trách nhiệm và kỹ thuật của nhà thầu thi công, liên quan chặt chẽ tới trách nhiệm của đơn vị giám sát. Có thể nêu ví dụ về việc ngập úng sau một trận mưa xảy ra tại tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ngày 29/7/2023, ngập sâu kéo dài 100m, nơi sâu nhất bị ngập nước lên tới 70cm. Đáng nói là tuyến cao tốc này mới đưa vào sử dụng trước đó 3 tháng.
Một vấn đề nữa cũng rất cần được quan tâm, đó là tiêu cực trong quá trình thi công. Điển hình là vụ án xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tòa đã buộc 5 nhà thầu phải bồi thường 460 tỷ đồng cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Vụ án phải xét xử 2 giai đoạn, với hàng chục bị cáo, bị phạt giam.
Tiến độ phải đi cùng chất lượng. Mà muốn đảm bảo chất lượng thì trước hết phải là trách nhiệm trong thi công, giám sát để công trình không bị “ăn bớt”, vật liệu xây dựng không bị bớt xén.
Chính vì thế, vui mừng trước những thành tựu đã đạt được trong việc nỗ lực hiện đại hóa giao thông đường bộ thời gian qua, lại càng kỳ vọng hơn vào những tuyến cao tốc thực sự chất lượng trong thời gian tới.