Không ngại vất vả, cô giáo tiểu học nhận nuôi bé gái vùng cao
Với đồng lương giáo viên ít ỏi, còn nhiều khó khăn nhưng cô Nguyễn Thu Hằng - giáo viên khối 1 Trường Tiểu học Yên Sở (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đã nhận nuôi thêm một bé gái người dân tộc Thái Trắng. Em thiếu thốn tình cảm và sự giáo dưỡng của bố mẹ, nên cô Hằng phải uốn nắn cho em từng lời ăn, tiếng nói...
Dịp nghỉ hè năm 2023, cô Nguyễn Thu Hằng cùng hai con trai nhỏ bắt xe lên thăm chồng đang công tác tại Lai Châu. Cô Hằng gặp bé Nguyễn Thị Ngọc Diệp (sinh năm 2011), là người dân tộc Thái Trắng, một cô bé nhỏ nhắn, đen nhẻm và có đôi mắt phảng phất buồn. Cô bé gầy hơn so với các bạn cùng trang lứa ở Hà Nội.
Bố mẹ em bỏ nhau từ khi em 2 tuổi, em sống với cụ đã hơn 100 tuổi và ông bà ngoại đã ngoài 80 tuổi. Hàng ngày, em phải đi bộ 5 cây số để đến trường học. Mặc dù còn nhỏ nhưng ngoài việc học, em đã biết cùng ông bà lên nương làm rẫy trồng ngô, khoai, sắn, trồng cải mèo,… Đã có thời điểm em bị chính bố đẻ của mình đến bắt đi. Từ khi bố bỏ mẹ, bỏ em, bố không quan tâm, chăm sóc em. Nhưng khi bố lấy vợ hai, không sinh được con, lại muốn quay trở về bắt em đi. Em lo sợ không ăn uống được gì suốt mấy ngày trời.
Tưởng tượng cô bé Diệp còn bé xíu, gầy gò đang ở lứa tuổi đi học, hồn nhiên mà phải nghỉ học, lấy chồng, sinh con và đảm nhiệm vai trò của một người phụ nữ trưởng thành, cô Hằng thấy em thật đáng thương. Là một người mẹ, một nhà giáo, cô không khỏi động lòng trắc ẩn. Cô bàn với chồng về ý định nhận Diệp làm con nuôi, đưa em về Hà Nội học tập, sinh sống và được chồng đồng ý. Họ cùng trao đổi với gia đình em Diệp và nhận được sự đồng ý. Hai bên tiến hành làm thủ tục nhận con nuôi, đón em về Hà Nội.
Ông bà ngoại của em chia sẻ: "Rất cảm ơn vợ chồng cô Hằng đã cưu mang cháu giúp gia đình. Tôi tin tưởng với sự chăm sóc của cô chú, cháu sẽ có tương lai tốt đẹp!".
Những ngày đầu khi mới đưa Diệp về nhà cùng sinh sống, cô Hằng cũng gặp nhiều trở ngại. Cô cho biết: "Tôi phải rèn giũa con từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày để con mau hòa nhập với nếp sống gia đình. Từ việc xếp giày dép khi ra vào nhà, quần áo treo đúng vị trí, ngồi ăn cơm cho đúng cách, sách vở sắp xếp ra sao cho gọn gàng rồi đến cách cư xử, lời ăn tiếng nói của một cô con gái. Được khoảng 2 tháng thì Diệp đã quen nếp và hòa nhập được với cuộc sống mới. Khó khăn nhất là việc học của em. Những kiến thức của em rất hạn chế nên thường xuyên không hoàn thành bài học trên lớp. Tối nào tôi cũng dành thời gian để học cùng Diệp.
Kể từ khi có Diệp về nhà, tôi đã trở thành bà mẹ 3 con. Tôi ý thức được hơn nữa vai trò làm mẹ của mình. Tôi cũng thấy được ý nghĩa từ việc làm của mình và trách nhiệm lớn lao mà tôi đang mang. Không phải dạy dỗ con gái một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng mà là cả một đời quan tâm, chăm sóc cho con".
Cô Hằng cho biết thêm rằng, cũng có những lúc cô cảm thấy hơi mệt mỏi trước con đường chông gai. Diệp bắt đầu đến tuổi lớn nên cũng gặp phải các vấn đề như các em gái cùng trang lứa, cũng học hành sa sút, cũng sao nhãng việc nhà. Những lúc đó, cô vô cùng lo lắng. Nhưng với vai trò và trách nhiệm của một người mẹ, cô dặn lòng phải giữ được tâm tĩnh, nhẹ nhàng gần gũi, trò chuyện, khuyên bảo con, định hướng cho con. “Với tôi, Diệp không khác gì hai con ruột của mình. Tôi sẽ luôn yêu thương và đồng hành cùng con để vượt qua những khó khăn khi con đối mặt với sự phát triển về tâm lý theo từng lứa tuổi”, cô Hằng nói.
Cô rất vui khi giờ đây, Diệp đã biết giúp mẹ chăm sóc hai em, dạy em học bài, giúp mẹ việc nhà. Lúc ốm đau hay gặp khó khăn, con đã biết tâm sự với mẹ, chia sẻ với mẹ về mọi điều mà con gặp phải trong học tập và cuộc sống. Không phụ lòng mẹ, Diệp cố gắng mỗi ngày. Trong buổi họp phụ huynh cuối học kì I vừa qua, giáo viên chủ nhiệm lớp em đã cho cô Hằng biết, Diệp có nhiều tiến bộ. Em đã hoàn thành được hết các môn học. Không những vậy, em đã quen và hòa nhập với môi trường học tập của lớp, của trường. Hiện em đang học lớp 7, Trường THCS Trần Phú.
Cô Cao Thị Lệ Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Yên Sở (đồng nghiệp cô Hằng) chia sẻ: “Tôi công tác với Hằng đã nhiều năm, cũng rất bất ngờ khi nghe tin cô giáo có thêm một cô con gái nuôi. Tuy vui nhưng tôi cũng không khỏi lo lắng và thương cô bởi tôi biết nuôi dạy thêm một đứa con không phải là điều đơn giản. Tôi thật sự khâm phục trước lòng thương người, sự bao dung của cô dành cho bé Diệp.
Thật vui, tự hào khi thấy ngay đây thôi, ngay bên cạnh mình là một tấm lòng thật đại lượng. Cảm ơn cô Hằng, cảm ơn cách sống đẹp của cô đã cho chúng tôi - những người đồng nghiệp của cô thấy rằng lòng nhân hậu vẫn tồn tại quanh mình. Cô sẽ là tấm gương sáng trong lòng các học sinh, các bậc phụ huynh có con đã từng, đang và sẽ được cô dạy dỗ”.