Vì sao chùa Hương hết cảnh 'cò' đò?
Khác với mọi năm, cảnh "cò" đò chạy dọc ngang tại nhiều tuyến đường để bắt khách đến với lễ hội chùa Hương, thế nhưng, năm nay vấn nạn đó đã tự biến mất.
Sạch bóng "cò" đò
Lễ hội chùa Hương năm 2024 diễn ra ba tháng, từ ngày 11/2 đến hết 1/5, tức mùng 2 tháng Giêng đến 23/3 năm Giáp Thìn. Ba tháng lễ hội (từ tháng Giêng đến tháng Ba Âm lịch) thắng cảnh Chùa Hương thu hút hàng triệu du khách thập phương. Vì vậy, các dịch vụ ăn theo lễ hội mọc lên như nấm, trong đó, nhiều du khách nhận xét, đáng sợ nhất là tình trạng "cò" đò dẫn dắt, ép khách tham gia các "gói" dịch vụ như đi đò, ăn uống, ngủ nghỉ...
Như mọi năm các “cò” đò chạy xe máy ra tận Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Quốc lộ 21B, Quốc lộ 6…, liên tục đi quanh các xe ô tô dừng chờ đèn đỏ hoặc phóng bạt mạng rồi hò hét mời chào khách đi đò là nỗi ám ảnh, gây nhức nhối cho người tham gia giao thông và du khách thập phương đến với chùa Hương.
Thế nhưng năm nay, vấn nạn "cò" đò đã chấm dứt. Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Bùi Ngọc Tân, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT đường thủy nội địa, Sở GTVT Hà Nội cho biết, những năm trước, việc chở đò sẽ do nhân dân xã Hương Sơn hoạt động mang tính chất tự phát, không có sự quản lý thì năm nay huyện Mỹ Đức đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương chịu trách nhiệm điều tiết khách đi đò, thuyền, vì vậy tình trạng chèo kéo khách đã chấm dứt.
"Tất cả thuyền đò chở khách đã được đưa vào HTX Dịch vụ và du lịch chùa Hương để thống nhất quản lý và điều hành hoạt động. Du khách đến lễ chùa sẽ mua vé đò tại các quầy, qua cửa soát vé điện tử. Lượng khách được phân bổ cho các đò theo số thứ tự nên dù có mời chào cũng không cách nào chở riêng được như trước", ông Tân khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2024 Đặng Văn Cảnh nói: “Lễ hội chùa Hương năm 2024 Xuân Giáp Thìn của huyện Mỹ Đức được tổ chức với tinh thần đổi mới và an toàn, văn minh, thân thiện. Ban Tổ chức rất mong du khách về với Lễ hội chùa Hương sẽ thực hiện tốt nội quy, quy chế, cùng chúng tôi chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh trong giao tiếp”.
Chị Nguyễn Thị Hoa, lái đò số 1575, HTX Dịch vụ và du lịch chùa Hương cho biết, lượng khách năm nay đông hơn so với các năm trước. Năm nay, mỗi lái đò ở đây có mã số thẻ riêng, đồng thời cũng chính là số hiệu của đò, để khách ra bến dễ dàng tìm được. Lái đò chỉ vận chuyển khách có vé theo số được cấp và có thẻ mang mã QR của Ban Tổ chức.
Nếu vi phạm sẽ bị thu hồi thẻ chèo đò
Anh Lê Văn Học (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay, đây là năm thứ 8 anh và gia đình đến với chùa Hương để dâng lễ. Như mọi năm, nhà đò chèo kéo, phóng nhanh gõ cửa xe ô tô rất phiền hà, gây mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, năm nay, đi lễ hội chùa Hương anh Học không còn thấy “cò” đò đeo bám như mọi năm.
"Tôi cảm thấy rất vui, vì các cơ quan chức năng đã dẹp được nạn "cò" đò chèo kéo khách đến với chùa Hương", anh Học cho hay.
Tương Tự, anh Nguyễn Văn Sơn (trú tại Triệu Sơn, Thanh Hoá) cũng chia sẻ: "Từ xa đến chùa Hương, tôi sợ nhất cảnh nhà đò chèo kéo không được rồi phản ứng, hạnh họe, dọa nạt, im lặng thì 3-4 chiếc xe cứ đuổi theo rất phiền hà. Năm nay, tình trạng này không còn tái diễn nữa. Tôi cảm thấy rất yên tâm khi đến chùa dâng lễ.
Theo vị Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT đường thủy nội địa, tất cả phương tiện đò, thuyền tại bến Yến đều phải đáp ứng đủ điều kiện an toàn trước khi xuất bến đều phải có đăng ký, các trang thiết bị phao cứu sinh, dụng cụ nổi và đặc biệt không được phép chở quá số người theo quy định. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm Đội Thanh tra GTVT đường thủy nội địa sẽ phối hợp với lại Công an huyện Mỹ Đức, BQL lễ hội chùa Hương cương quyết xử lý thu hồi thẻ chèo đò.
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, năm nay dọc khu vực bến Yến, các cửa lên xuống đò đã được tổ chức bài bản, có cửa quét vé tự động kết hợp nhân viên hướng dẫn. Bên cạnh đó, xe điện đưa đón khách được điều tiết theo nhịp của bến đò, phân bổ lưu lượng tùy theo thực tế, ưu tiên trả khách tại khu vực đò vắng. Chính vì vậy, tình trạng ùn tắc giao thông từ trên bờ xuống dưới suối đã chấm dứt.
"Ngày cao điểm nhất chùa Hương đón từ 4 - 5 vạn du khách cũng không còn cảnh chen lấn, xô đẩy lên xuống đò. Không ùn tắc tại bến thủy và dưới suối, thuyền ra vào nhịp nhàng còn giúp việc điều tiết lưu lượng khách ở cả đền Trình, Thiên trù, động Hương Tích cũng dễ dàng, thông thoáng hơn rất nhiều", ông Tân cho hay.