Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Chỉ thị nêu rõ, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên.
Niềm tự hào và giá trị truyền thống quý báu của người Hà Nội
Chỉ thị số 30-CT/TU nêu rõ, Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, anh hùng đã hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, trong văn hóa ẩm thực… Đây là niềm tự hào và giá trị truyền thống quý báu của người Hà Nội.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn xác định, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội; coi đây là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.
Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa trong Chương trình công tác lớn của Thành ủy ở nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, nhiệm kỳ 2020-2025 là Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Chương trình nêu 18 chỉ tiêu theo 7 nhóm, 3 yêu cầu, cùng 14 nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp.
Cùng với đó, từ nhiều năm qua, hệ thống chính trị thành phố đã triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch, đề án,… gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua nhằm thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Nhiều sáng kiến, mô hình hay đem lại kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là mục tiêu hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan như tác động của mặt trái cơ chế thị trường, ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai thì nguyên nhân chủ quan. Đó là nhận thức, việc tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt, chế tài xử phạt còn nhiều hạn chế…
Gia đình là nền tảng
Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy nêu rõ yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội toàn thành phố quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả đường lối, quan điểm trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021); tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, thường xuyên.
Đáng chú ý, Ban Thường vụ Thành ủy nêu rõ, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên; đồng thời lưu ý tập trung vào 6 nội dung trọng tâm. Có thể nói, đây là những nội dung được rút ra từ những bài học kinh nghiệm sâu sắc từ thực tế triển khai xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong nhiều năm qua.
Chỉ thị nêu rõ: “Xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần hình thành nhân cách thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình: lễ phép, lịch sự, hòa thuận, kính trên nhường dưới, nhân ái, khoan dung…; xây dựng gia đình học tập, gia đình văn hóa, ấm no, văn minh, tiến bộ và hạnh phúc.
Sau gia đình là đến trọng tâm nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đưa nhà trường thực sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống, nghiên cứu đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy, hoàn thiện tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc”; tiếp đến là xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.
Đặc biệt, chỉ thị chỉ rõ nội dung “Xây dựng và gương mẫu thực hành văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa liêm chính để mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu trở thành tấm gương chuẩn mực trong ứng xử, phát ngôn, giao tiếp tại công sở, gia đình, nơi cư trú và nơi công cộng”; “Xây dựng môi trường văn hóa công sở đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, nhân văn”...
Đây là những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, bài bản và hết sức khoa học, sát với thực tiễn; là kết quả tiếp thu góp ý, là sản phẩm trí tuệ của các cấp, các ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và người dân Thủ đô.
Chỉ thị số 30-CT/TU, sự nghiệp phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đòi hỏi phải đặc biệt chú trọng đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đặt con người Hà Nội vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển Thủ đô, là chủ thể quan trọng nhất quyết định trực tiếp thành công của sự nghiệp phát triển Thủ đô nhanh, bền vững.