“Tận dụng” xe công
Sau hai lần Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh có văn bản yêu cầu, cuối cùng thì Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tổ chức kiểm điểm tập thể và cá nhân có liên quan đến vụ việc dùng xe công (xe biển xanh 38A-066.88) được sử dụng “tranh thủ” đón người nhà tại sân bay. Điều đáng nói, người vi phạm lạm dụng xe công vào việc tư lại chính là lãnh đạo cao nhất của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, bà Nguyễn Thị Lệ Hà – Chủ tịch Hội.
Trường hợp của bà Hà không phải là người đầu tiên vi phạm quy định của Chính phủ về việc dùng xe công và có lẽ cũng chưa phải là người cuối cùng muốn “tận dụng” xe công phục vụ lợi ích riêng. Điều đó không có gì khó hiểu, bởi khi người đứng đầu đơn vị vi phạm lạm dụng xe công phục vụ cá nhân và gia đình thì ai dám lên tiếng phản đối hay có ý kiến trái chiều cơ chứ. Hầu hết những trường hợp bị lộ đều là nhờ có sự giám sát chặt chẽ của người dân, báo giới hoặc mạng xã hội.
Quy định của Chính phủ về chế độ dùng xe công cho từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, chức vụ ra sao sẽ được dùng xe loại gì rất cụ thể, chi tiết. Chính phủ cũng nghiêm cấm việc sử dụng xe công để phục vụ lợi ích cá nhân, gia đình. Vậy nhưng không phải vị cán bộ nào cũng tuân thủ đúng những quy định đó. Người thì dùng xe công đón con, người thì dùng xe công đi lễ chùa, có người lại dùng xe công để đưa rước phu nhân đi sắm đồ... Họ không phải không nắm được quy định, chỉ là cố tình phớt lờ những quy định đó.
Nếu không có người đứng ra chỉ rõ thì số cán bộ tận dụng xe công sẽ coi việc dùng xe công phục vụ lợi ích riêng là chuyện thường, cứ thế tiếp diễn ngày. Còn nếu bị phát hiện gây ầm ĩ, họ sẽ trốn tránh bằng đủ mọi lý do như đang đi việc công, chỉ tranh thủ “tạt té” chút xíu. Hoặc nếu có thể ém nhẹm được thì sẽ dùng kế “kim thiền thoát xác”, đổ lỗi cho cấp dưới dùng xe công chứ không phải chính bản thân họ. Lúc đó, người chịu tội sẽ không phải là họ.
Một số ý kiến cho rằng, sở dĩ không ít cán bộ vẫn phớt lờ quy định của Chính phủ về việc sử dụng xe công, lạm dụng để phục vụ lợi ích riêng là do chế tài yếu, chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh. Nếu như coi thường quy định, vi phạm nhiều lần không chỉ dừng lại ở mức “rút kinh nghiệm sâu sắc”, mà sẽ phải đối mặt với các hình thức kỷ luật, thậm chí mất chức, tin rằng sẽ chẳng có ai dám dùng sinh mạng chính trị để “đánh cược” cả.
Bên cạnh đó, vẫn không có nhiều cán bộ cấp dưới dám “có ý kiến” khi thấy cấp trên của mình lạm dụng xe công phục vụ lợi ích riêng, dù thấy sai cũng chỉ biết im lặng để bảo toàn bản thân nên mới có sự lộng hành, coi thường quy định của Chính phủ trong việc sử dụng xe công. Nếu có nhiều người dám đứng ra chỉ rõ sai phạm của cấp trên trong việc dùng xe công thì có lẽ sẽ có nhiều người không dám liều lĩnh. Cùng với đó cũng cần phải xử lý nghiêm những người vi phạm trong việc sử dụng xe công, tin rằng tệ “tham nhũng vặt” này sẽ dứt.