Chính trị

Bước đột phá trong cải cách hành chính

H.Vũ 21/02/2024 08:03

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 54 về cải cách hành chính của TP Hà Nội năm 2024. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập hợp các nội dung chủ yếu, trọng tâm để thông tin, tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp, như xây dựng thành các ấn phẩm dạng file hoặc đóng tập, sổ tay, tài liệu nghiên cứu, tờ rơi hoặc qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Lotus để thông tin đến người dân, doanh nghiệp).

Năm 2024, UBND TP yêu cầu mỗi đơn vị phải có một sáng kiến, cải tiến, cách làm hay, đồng thời trong tháng 2 sẽ triển khai hệ thống dashboard (bảng điều khiển kỹ thuật số) hiển thị kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực phục vụ công tác theo dõi, chỉ đạo, điều hành của TP và việc thực hiện xử lý công việc toàn trình công việc trên môi trường điện tử của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.

Đặc biệt, bảng điều khiển kỹ thuật số chỉ đạo điều hành sẽ được tích hợp trên ứng dụng “Công dân Thủ đô số”. Dựa trên kết quả hiển thị trên dashboard, doanh nghiệp, người dân và lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện có thể dễ dàng theo dõi, nắm bắt và quản lý một cách tổng quan những dữ liệu quan trọng phục vụ cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành, chấm điểm cán bộ, công chức.

Đây được coi là bước chuyển của Hà Nội sau những thành công của năm 2023. Theo đó, trong năm 2023 tổng số hồ sơ tiếp nhận thủ tục hành chính toàn thành phố là trên 4 triệu hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ đã giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt tỷ lệ 99,74%; số hồ sơ giải quyết quá hạn có tỷ lệ 0,26%. Nhất là bắt đầu từ ngày 2/1/2024, Bộ phận một cửa toàn thành phố tập trung số hóa hồ sơ thủ tục hành chính đến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho rằng, việc Hà Nội tiếp nhận sáng kiến cải cách hành chính của người dân, tổ chức góp phần ghi nhận, và phản ánh những khó khăn, vướng mắc của người dân trong thủ tục hành chính. Việc sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Lotus) để thông tin đến người dân, doanh nghiệp là điều rất tốt trong cải cách thủ tục hành chính, bởi hiện nay người dân chủ yếu sử dụng mạng xã hội. Do đó, nếu muốn lắng nghe ý kiến của người dân và người dân “chấm điểm” thì đây là hình thức hiệu quả cần chú trọng. Người dân có nhu cầu nhưng kênh cổng thông tin điện tử bây giờ không phải là kênh thuận tiện cho họ mà kênh mạng xã hội bây giờ mới là kênh thuận tiện hơn nên chúng ta cần ưu tiên đẩy mạnh thông tin trên những kênh này. Qua đó cũng lắng nghe được phản hồi, ý kiến của người dân để từ đó nắm được người dân đang mong muốn cái gì để mình thay đổi.

Còn theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES), trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều nguồn để tiếp nhận, nên việc các ý kiến phản ánh có đầy đủ thông tin là yếu tố sẽ giúp ích cho các cơ quan chức năng nắm bắt và điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Bên cạnh đó cần đưa các chỉ số như: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lên mạng xã hội bởi đây là nguồn thông tin chính thống để người dân và doanh nghiệp biết và tin tưởng bởi hiện trên mạng xã hội có nhiều thông tin nhưng không có nguồn.

H.Vũ