Cấp bách phòng bệnh dại
Thống kê từ ngày 13/2 đến 15/2 tại hơn 160 trung tâm thuộc Hệ thống tiêm chủng VNVC, trên cả nước ghi nhận hơn 3.000 người tiêm ngừa dại, tăng hơn 60% so với ngày thường trước Tết. Ở nước ta, cao điểm của mắc bệnh dại rơi vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Tuy nhiên, ngay ở thời điểm này số người có nguy cơ mắc bệnh dại do chó, mèo cắn đã tăng mạnh.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM - đơn vị tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp bị chó, mèo cắn dịp Tết Nguyên đán vừa qua cho biết, dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Virus dại có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua mọi loại vết thương hở, không phân biệt lớn nhỏ, chảy máu hay không.
Bệnh có thời gian ủ bệnh phức tạp, có thể chỉ từ 7 - 10 ngày hoặc kéo dài đến vài tuần, vài năm, phụ thuộc vào tình trạng và vị trí vết cắn.
Còn theo Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong vòng 7 ngày nghỉ Tết 2024, bệnh viện này đã tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào; trong có tới 90% là trẻ em. Điều quan ngại là rất nhiều vật nuôi tấn công người nhưng trước đó không được tiêm vaccine phòng dại, dẫn đến nguy cơ phát bệnh cao.
Một trong những trường hợp rất đau xót gần đây nhất là một bé trai 7 tuổi (ở tỉnh Bắc Giang) khi sang nhà ngoại bị chó bất ngờ lao ra cắn tới tấp vào vùng lưng, bụng, đùi, đến mức thủng ruột. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương phải tiến hành cấp cứu, phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột của bé, sau đó tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại.
Theo Bộ Y tế, virus dại lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Năm 2023 cả nước có 82 trường hợp tử vong do dại, tăng 12 ca so với năm 2022; 500.000 người phải chích ngừa, chi phí lên đến 600 tỷ đồng. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại.
Thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng đàn chó, mèo cả nước hiện nay gần 7 triệu con. Chó là ổ chứa virus dại chính, chiếm 96 - 97% và mèo là 3 - 4%. Tuy nhiên, rất nguy hiểm là và tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng (trung bình trên phạm vi cả nước) rất thấp, chỉ đạt khoảng 40%.
Nuôi chó, mèo (không tính đến “thú cưng”) là phổ biến, cả ở nông thôn, miền núi, thành thị. Nhưng rất đáng tiếc là người nuôi thiếu ý thức về việc tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo. Cạnh đó, nhiều người bị chó, mèo cắn cũng rất chủ quan dẫn tới nguy cơ rất lớn. Không ít người khi bị chó, mèo cắn đã không đi tiêm phòng dại tại các cơ sở y tế, mà nấn ná theo dõi xem con vật cắn mình có phát dại hoặc bị chết hay không. Nhiều người lại tự điều trị bằng thuốc nam, hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây… rất nguy hiểm khi tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn, hoặc gây ra tình trạng nhiễm trùng cơ hội.
Một số người lại lo ngại vaccine phòng bệnh dại có tác dụng phụ, ảnh hưởng hệ thần kinh, gây mất trí nhớ, nên không tiêm phòng ngay khi bị chó, mèo cắn. Tuy nhiên, hiện nay vaccine phòng dại đã được sản xuất bởi công nghệ hiện đại, không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe hay trí nhớ của người dùng.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, huyết thanh kháng dại được tiêm càng sớm càng tốt vào ngày đầu sau khi bị cắn. Trường hợp không thể tiêm vào ngày đầu sau khi bị cắn thì tiêm trong vòng 7 ngày sau mũi vaccine đầu tiên. Còn đợi đến khi con vật chết mới hoảng hốt đi tiêm vaccine thì nhiều khả năng đã quá muộn do virus dại sau khi xâm nhập vào cơ thể đã di chuyển đến não bộ, không có bất cứ phương pháp nào có thể chữa khỏi, 100% đối mặt với cái chết cực kỳ đau đớn và thương tâm.
Ám ảnh và hậu quả của bệnh dại rất khủng khiếp. Vì thế, cần phải báo động trước tình trạng khi chỉ đang trong mùa Xuân mà đã có rất nhiều người bị vật nuôi cắn.
Trước việc số người bị chó, mèo cắn tăng mạnh, nhiều ý kiến cho rằng cần cho phép địa phương được phạt tiền đối với chủ của vật nuôi không chịu tiêm vaccine phòng dại. Đồng thời phải chịu trách nhiệm chi trả việc tiêm vaccine cũng như điều trị cho người bị vật nuôi của mình cắn.