Nông dân mừng vì giá nông sản liên tục tăng
Những ngày này nhiều loại nông sản ở các tỉnh phía Nam liên tục tăng giá. Đây là tín hiệu tốt để phát triển ngành nông nghiệp trong năm 2024.
Nhiều loại nông sản tăng giá
Những ngày gần đây, gia đình ông Vũ Văn Tuyến (Hoà Nghĩa, Chợ Lách, Bến Tre) phấn khởi vì giá sầu riêng tăng mạnh. Ông Tuyến cho biết, trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tuần, giá sầu riêng Dona (giống Thái Lan) tại địa phương tăng từ mức 130.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/ kg; đến nay đã tăng lên 190.000 đồng/kg. Cùng thời gian trên, sầu riêng Ri6 cũng tăng giá mạnh 80.000 đồng lên 11.0000 đồng/kg và hiện ở mức 12.5000 đồng/kg.
Với 2ha sầu riêng, vụ này gia đình ông Tuyến thu lãi hơn 1,5 tỷ đồng. “Chưa bao giờ tôi bán được sầu riêng với giá cao và lãi nhiều như vậy, giá này tăng gấp 3 lần so với năm trước. Sầu riêng đang hút hàng và chưa có dấu hiệu dừng lại” - ông Tuyến nói.
Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian này đang vào dịp thu hoạch lúa, giá lúa cũng ghi nhận tăng. Cụ thể tại tỉnh Tiền Giang, lúa OM dao động từ 9.300 - 9.500 đồng/kg, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái; giá lúa OM 5451 ở mức 9.100 - 9.300đồng/kg, tăng 15% so với cùng kỳ; lúa Đài Thơm có mức giá từ 9.400 - 9.600 đồng/kg.
Bà Lưu Thị Sáu (xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ, các năm trước trung bình gia đình bà thu được khoảng 35 triệu đồng/ha thì năm nay tăng lên khoảng 50 triệu đồng/ha. “Với 10ha, riêng vụ này ước tính gia đình tôi thu được trên dưới 500 triệu đồng. Tất cả sản lượng đã được các thương lái đến đặt cọc mua hết”, bà Sáu phấn khởi cho hay.
Khác với các năm trước, năm nay gia đình ông Đặng Văn Đức (Krông Buk, Krông Pắk, Đắk Lắk) quyết định giữ lại 2/3 trên tổng số 6 tấn cà phê hạt. Theo ông Đức, lý do ông giữ lại phần lớn sản lượng là do sau khi thu hoạch vào cuối tháng 1/2023 vừa qua giá có xu hướng đi lên; đồng thời đọc báo thấy thông tin từ thủ phủ cà phê của thế giới Brazil bị mất mùa nên ông chỉ bán 2 tấn để trả nợ và lo Tết cho gia đình, 4 tấn còn lại đợi giá lên sẽ bán.
Cũng theo ông Đức, 2 năm trước giá cà phê chỉ bằng 70% thời điểm trước Tết và so với giá hiện tại chỉ bằng 60%. Như vậy, việc giữ sản lượng năm nay, ông Đức có thêm 40% lợi nhuận, tức có thêm hơn 300 triệu đồng từ lượng cà phê giữ lại.
Hiện giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk giao động ở mức 80.500 - 80.700 đồng/kg; Đắk Nông từ 80.400 - 8.600 đồng/kg; tại Lâm Đồng có giá 79.600 - 79.800 đồng/kg; tại Gia Lai từ 80.200 - 80.400 đồng/kg. Đây là mức giá cao, vượt ngoài dự đoán của các chuyên gia và các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này.
Lạc quan mùa vụ tới
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, từ đầu năm 2024 đến nay, giá nhiều loại nông sản tăng cao là một tín hiệu khả quan cho ngành nông nghiệp nước ta. Theo ông Nguyên, sở dĩ giá cả lên như vậy là do một số thị trường nhất là Trung Quốc có nhu cầu tăng mạnh kết hợp với một số vùng nguyên liệu trên thế giới bị mất mùa dẫn đến nguồn cung hạn hẹp lại. “Với điều kiện như trên, ngành rau quả dự đoán kim ngạch xuất khẩu năm 2024 có thể đạt đến 6,5 tỷ USD, trong đó riêng mặt hàng sầu riêng có thể đạt đến 3,5 tỷ USD” - ông Nguyên thông tin.
Về lĩnh vực lúa gạo, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam giải thích, giá tăng là do nguồn cung của Ấn Độ đang tạm thời “khoá” lại, việc này có thể giảm chững hoặc giảm khi các doanh nghiệp Ấn Độ khai thông xuất khẩu trở lại. Tuy nhiên, ông Nam cũng nhận định, nếu giá giảm thì cũng không lớn do nhu cầu thế giới vẫn còn cao, người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể lạc quan vào thời gian tới.
Nắm bắt cơ hội, ngay từ đầu năm mới, nhiều doanh nghiệp ngành hàng nông sản đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại để ký các hợp đồng lớn. Công ty cổ phần Công nghệ cao (TP Cần Thơ) đã tiến hành ký 6 hợp đồng, với số lượng 1.500 tấn gạo xuất đi các thị trường lớn. Hay như Công ty Vina T&T (Bình Dương) đang tích cực xuất khẩu xoài đi Mỹ, Úc; xuất khẩu sầu riêng, thanh long, chôm chôm, nhãn, bưởi, dừa…đi các nước châu Âu. “Thị trường đang rất tốt, những khách hàng từ thị trường truyền thống vẫn đảm bảo kín đơn. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị hàng trái cây để xuất khẩu vào những tháng tiếp theo. Mọi thứ đang rất trơn tru"" - ông Nguyễn Đình Tùng - đại diện Công ty Vina T&T chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản Thanh Việt (Đắk Lắk) khuyến cáo, đối với hàng nông sản rất khó diễn ra kịch bản tăng giá lâu dài, nên các nhà sản xuất, kinh doanh cần xem việc biến động giá như hiện nay là chuyện bình thường, không nên ồ ạt đổ xô vào đầu tư. “Bài học được mùa mất giá cộng với biến động khó lường của thị trường thế giới trước đây vẫn còn nguyên giá trị. Người dân nên tìm hiểu những cây trồng chưa mấy phổ biến, có giá trị cao, không quá chú trọng vào các sản phẩm truyền thống để tránh việc lặp lại chuyện giải cứu, hoặc chặt bỏ hàng loạt như cây cà phê, mít, sầu riêng… đã từng diễn ra” - ông Sơn nói.