Bảo hiểm y tế: “Giá đỡ” cho người dân trong chăm sóc sức khỏe
Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm.
Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn bà Nguyễn Thị Quy, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai xung quanh việc triển khai chính sách BHYT tại Đồng Nai.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 01/7/2023. Xin bà cho biết, mức đóng BHYT hộ gia đình thay đổi như thế nào khi mức lương cơ sở tăng lên?
Theo quy định, mức đóng BHYT hộ gia đình bằng 4,5% mức lương cơ sở. Từ ngày 01/7/2023, khi mức lương cơ sở tăng lên 1.800.000 đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ, mức đóng BHYT hộ gia đình cũng sẽ tăng theo. Cụ thể như sau:
Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở (hiện nay là 972.000 đồng/năm); người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, tương ứng với mức đóng lần lượt là: 680.400 đồng/năm, 583.200 đồng/năm, 486.000 đồng/năm; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất (hiện nay là 388.800 đồng/năm).
Việc giảm trừ mức đóng BHYT như trên được thực hiện khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
Như vậy, với số tiền mua thẻ BHYT hộ gia đình hiện nay là 972.000 đồng/năm, khi chẳng may ốm đau, bệnh tật, người tham gia không may bị bệnh sẽ được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB lớn hơn gấp nhiều lần từ sự chia sẻ của cộng đồng. Nhờ mua thẻ BHYT mà bệnh nhân có điều kiện kinh tế khó khăn được khám chữa bệnh kịp thời và chăm sóc y tế tốt hơn
Xin bà cho biết công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành trong lĩnh vực BHYT đã và đang tạo điều kiện thuận lợi như thế nào cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT tại địa phương?
Hiện nay, tất cả các thủ tục hành chính của Ngành BHXH Việt Nam đều được thực hiện trên không gian số. Điều này tạo sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia, thụ hưởng sách BHYT. Đơn cử, việc thay thế thẻ BHYT giấy trong khám chữa bệnh giúp người tham gia giảm thời gian, thủ tục khi đi khám chữa bệnh. Người dân có thể sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số, căn cước công dân gắn chíp hoặc tài khoản định danh điện tử VNeID mức 2 để thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh. Tính đến ngày 26/6/2023, toàn tỉnh đã có 247/262 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp (đạt 94,27% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn tỉnh), với 569.080 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.
Mới đây, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định về quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính liên thông điện tử: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, người dân chỉ cần khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính, cắt giảm hồ sơ, thời gian giải quyết, giảm thời gian đi lại…
BHXH tỉnh Đồng Nai đã và đang có những hoạt động truyền thông như thế nào để lan tỏa tới người lao động và người dân về lợi ích, tính nhân văn, nhân đạo và chia sẻ cộng đồng của chính sách BHYT ?
Với chủ đề truyền thông: “Hãy tham gia BHYT để được chia sẻ gánh nặng khi ốm đau, bệnh tật”, bằng nhiều thông điệp, BHXH tỉnh đã và đang tổ chức tuyên truyền về quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh BHYT, về trách nhiệm, nghĩa vụ, ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của người sử dụng lao động, người lao động, về các trường hợp người tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả chi phí lớn điều trị bệnh, giúp giảm bớt khó khăn tài chính của gia đình, yên tâm chữa bệnh; mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước; đặc biệt, tiếp tục tuyên truyền về Nghị quyết 10/2022/NQ-HĐND ngày 08/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025…
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông trên môi trường Internet, mạng xã hội thông qua 3 “kênh” Zalo, Fanpage và Website của BHXH tỉnh; phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương xây dựng chuyên đề, viết tin, bài, phỏng vấn, phóng sự… để tuyên truyền về chính sách BHYT đến từng người lao động, người dân.
Về lâu dài để phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT nói chung và BHYT nói riêng nhằm tăng tỷ lệ bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, BHXH Đồng Nai tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm sau: Tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, BHXH Việt Nam, của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Thường xuyên tham mưu, kiện toàn “Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” từ cấp tỉnh đến cấp xã, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong việc chia sẻ dữ liệu quản lý doanh nghiệp; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc…